27/08/2019 11:02 GMT+7

Những giọt mồ hôi đánh bại trì trệ

TRẦN CHIANG RAI
TRẦN CHIANG RAI

TTO - Mọi người hay hỏi tôi: thời gian nào tôi có cảm xúc tốt nhất để viết? Tôi đáp: đó là lúc tôi ngồi vào bàn viết sau một cuộc chạy bộ bởi lúc viết tốt nhất là lúc tôi phải thấy trong người khỏe nhất, nhẹ nhất.

Những giọt mồ hôi đánh bại trì trệ - Ảnh 1.

Những người đàn bà đánh bóng chuyền trong thị trấn mà tác giả bắt gặp khi chạy bộ ở Đắk Hà - Ảnh: NVCC

Và trạng thái đó đến với tôi rõ rệt sau khi chạy bộ. Những nặng nề, ì ạch tan biến theo những giọt mồ hôi ướt áo. Chạy xong, tay chân và đầu óc sốt sắng, việc viết của tôi cũng trở nên sốt sắng.

Như một liều thuốc an thần

Có những ý tưởng đã sống trong đầu từ lâu, bất ngờ được viết ra một cách dạt dào sau một cuộc chạy bộ. Một chiều tối mùa đông ở Kon Tum năm 2009, nơi thực tập không có nước nóng nên tôi phải chạy nhiều hơn bình thường để ra mồ hôi, tắm cho đỡ lạnh.

Từng thớ cơ như rã ra trong nước lạnh, khoan khoái lạ kỳ. Tôi ngồi bệt dưới đất, kê máy tính trên cái giường tám tấc, viết một mạch về bữa cơm có canh mòi măng chua, cá nục hấp mà má tôi đã mang từng con cá, miếng măng ngoài quê vào thành phố nấu cho tôi ăn.

Trên đường chạy bộ, tôi được nhìn cảnh vật, mọi người chầm chậm trong trọn vẹn, được "tặng" tiếp những ý tưởng để "lao động chữ nghĩa". Khi chạy bộ quanh hồ Con Rùa vào sáng sớm, được thấy cái dáng khom lưng để kéo vỏ dừa của cô lao công thật thương. 

Những buổi chiều buồn hiu ở Đắk Hà (Kon Tum), tôi chạy lòng vòng thị trấn và được nhìn thấy hình ảnh thể thao thú vị: những người đàn bà đánh bóng chuyền. Nhiều buổi chiều chạy bộ sau đó, tôi được lắng nghe nhiều hơn câu chuyện "bắt bước một, chuyền hai, cầu công..." của họ.

Rồi tôi phải sang Thái Lan để bắt đầu một khóa học. Cuộc sống ở Thái Lan không dễ thích nghi, thi vị như tôi nghĩ. Lần đầu bị "cách ly" khỏi đồ ăn Việt, sự khó khăn trong hòa hợp với nhiều người nước ngoài, cùng diễn biến xấu trong cuộc sống sau khi nghỉ việc... khiến tôi bị sụt 5,5kg trong hai tháng đầu tiên ở Thái.

Đó là một cuộc kiệt quệ thể chất, tinh thần lớn mà tôi từng trải qua. Gương mặt tôi gầy gò nhưng cơ thể nặng trĩu, đầu óc nặng trĩu. Tôi hay nằm dài trong phòng khi về chiều, những suy nghĩ tiêu cực đến liên tục... Tôi nhớ lại mình từng chiến thắng những cơn trì trệ kiểu này bằng... thể dục, bằng những giọt mồ hôi chạy bộ, nên tôi lại cố mang giày vào đi chạy.

Tôi chạy quanh hồ Nong Bua, chạy ra suối nước nóng Pong Pra Bat, chạy quanh Trường đại học Chiang Rai Rajabhat, chạy lòng vòng vô các xóm nhỏ, xuyên qua sân những ngôi chùa, những cánh đồng lúa Thái... Tôi gắn bó nhiều với công viên Somdet Phra Srinagarindra - đó là nơi chạy bộ tuyệt vời nhất tôi từng chạy.

Những cây cổ thụ rì rào làm tôi cảm giác như chạy quanh một khu rừng. Từng cung đường nhấp nhô đẹp thanh bình như nét vẽ. Một bên là đồi hoa cỏ, một bên là mặt nước mênh mông trong vắt của hồ Nong Bua. Tháng cuối năm là mùa hoa supanniga rụng bông vàng lả tả như phim. Khoảnh khắc đổ mồ hôi giữa thiên nhiên đẹp như một liều thuốc an thần...

Những giọt mồ hôi đánh bại trì trệ - Ảnh 2.

Một cung đường trong công viên Somdet Phra Srinagarindra mà tác giả thường chạy bộ - Ảnh: NVCC

Không phải suy nghĩ gì cả

Cố đem được mình ra khỏi nhà chạy bộ khắp Bandu (vùng ngoại ô của tỉnh Chiang Rai) đã giúp tôi thêm năng lượng để chiến thắng trước "kẻ thù trì trệ" đang ẩn nấp bên trong mình. 

Cảm giác mỗi ngày mình chạy nhiều hơn, xa hơn ngày hôm trước cũng làm tôi tin tưởng hơn chính mình. Thời gian sốt sắng trong ngày của tôi tăng dần. Những kế hoạch viết lách, học tập dần trở lại cuộc sống tôi trong thú vị...

Mỗi chiều trên đường chạy ở Bandu, một dì bán xôi thịt nướng hễ thấy tôi chạy ngang nhà là lại cười chào. Cũng vui, khi chạy bộ được nhìn thêm một nụ cười của một ai đó mỗi ngày. 

Tôi nhớ chị nấu bếp của nông trường cao su ở xã Đắk Hring (Đắk Hà, Kon Tum) nói rằng: thể thao là lúc người ta đỡ mệt đầu, không phải suy nghĩ gì cả. Cho nên, cứ chiều chiều, chị nôn nao đến giờ đánh cầu lông để được "không phải suy nghĩ gì cả"...

Chạy bộ cũng là lúc tôi "không phải suy nghĩ gì cả"...

Hạn chót nhận bài thi là hết ngày 15-9-2019.

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email, độ dài tối đa: 1.000 chữ.

Bài viết về những câu chuyện có thật, có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn) với mức nhuận bút hấp dẫn.

Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ). Mỗi tác giả chỉ được gửi 1 bài dự thi.

Giải thưởng: Giải nhất: 20 triệu đồng; giải nhì: 10 triệu đồng; 2 giải ba: mỗi giải 5 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: mỗi giải 1 triệu đồng.

Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ. Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoechominh@tuoitre.com.vn

Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip nếu có) gửi qua email, xin ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình".

logo-her

Nhờ yoga, thiền, ba tôi giã từ kiếp Nhờ yoga, thiền, ba tôi giã từ kiếp 'lưu linh'

TTO - Tôi thường nghĩ rằng nếu ai đó chuyên cần tập luyện thể dục thì cùng lắm họ sẽ có một thể chất khỏe mạnh. Nhưng suy nghĩ đó của tôi hoàn toàn thay đổi khi tôi chứng kiến câu chuyện của ba mình.

TRẦN CHIANG RAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên