“Tôi không có tiền sang nước khác để tìm con, nhưng tôi sẽ cố gắng kiếm tiền và tôi tin mình sẽ tìm được con” - K. nói. Trong ảnh: K. cùng “chồng” và con những tháng ngày hạnh phúc |
Tháng 7-2007, một tờ báo điện tử ở Hàn Quốc đã đăng một bài viết về việc một cô gái người Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc bị chồng bắt cả 2 đứa con và giao cho người vợ cũ của mình nuôi. Hai đứa trẻ đó đều gọi người vợ cũ của chồng cô bằng mẹ, không biết gì đến người mẹ Việt Nam.
Kết hôn chỉ để đẻ con
Bài báo khiến dư luận Hàn Quốc hết sức phẫn nộ về việc người đàn ông Hàn Quốc biến người phụ nữ Việt thành công cụ sinh sản cho mình và gia đình mình.
Bản thân ông không hề yêu thương người phụ nữ Việt Nam, cũng không muốn rời bỏ người vợ cũ không thể sinh con được, nên đã âm mưu sang Việt Nam cưới một cô gái người Việt Nam để đẻ con.
Để thực hiện được việc kết hôn này, người đàn ông Hàn Quốc đã ly hôn với vợ mình và thông qua môi giới để kết hôn với người vợ Việt Nam. Sau khi kết hôn, ông ta đưa người phụ nữ Việt Nam về Hàn Quốc sinh sống.
Là một cô gái mới lớn, cô gái người Việt thực sự thương yêu chồng mình và hết lòng hết dạ với chồng. Sang Hàn Quốc được 2 tháng, Hà - tên cô gái - có thai.
Cô sinh một bé gái xinh xắn với đôi mắt trong veo. Nhưng sau khi sinh con, từ bệnh viện về nhà, cô không thấy con, cũng không thấy quần áo của bé ở nhà. Cô choáng váng.
“Con còn non quá nên để ở bệnh viện cho bác sĩ chăm sóc - chồng cô giải thích rồi nói tiếp - Sẽ gửi con cho chị ở quê nuôi, em không biết nuôi con nhỏ”. Cô bật khóc vì nhớ con quá nhưng chồng cô không hề tỏ thái độ gì.
Cô đã khóc rất nhiều. Người chồng an ủi, động viên và cô tiếp tục có thai đứa con thứ hai. Nhưng trước khi sinh được vài ngày thì người chồng đã thú nhận với cô là người vợ trước sống với ông ta 21 năm không có con nên mới nghĩ ra cách ly hôn để ông lấy vợ Việt.
Sau khi cô gái Việt Nam sinh con, ông sẽ ép cô ta ly hôn và từ bỏ luôn quyền làm mẹ.
Tất cả nhà cửa, tiền bạc và tài sản mà người chồng đang sử dụng đều mang tên người vợ cũ. Nếu Hà muốn các con có chỗ ở thì phải ký vào đơn ly dị để ông ta còn đòi lại nhà và hứa sẽ chăm sóc mẹ con Hà chu đáo.
Ở lại Hàn Quốc để được gặp con
Sau khi sinh con thứ hai được một tuần, người chồng lạnh lùng bảo cô phải ký vào đơn ly dị. Ông ta nói phải làm thế thì cô mới có cơ hội gặp được con. Cô đã ký. Kết quả là 20 ngày sau, ông ta kết hôn lại với vợ cũ.
Một tháng sau, cô được nhìn thấy con gái lớn của mình, nhưng cháu không biết mẹ ruột là ai. Tiếng Hàn hạn chế, không nghề nghiệp, cô gái bị tước mất con ngay trên đất nước xa lạ. Và một điều nghiệt ngã xảy ra.
Cũng phải 2 năm sau khi được đưa lên công luận thì vụ việc mới nhận được sự phán quyết của tòa.
Tòa không phán quyết cho người phụ nữ Việt được quyền nuôi con, bởi từ khi đứa trẻ được sinh ra nó đã được sống với người mẹ Hàn Quốc, nó luôn nghĩ đó là mẹ ruột của nó, nó không biết đến người mẹ Việt Nam.
Đồng thời, xét về quyền lợi của đứa trẻ, dù người mẹ Việt Nam đã sinh, yêu thương đứa trẻ nhưng cô chưa nói thạo tiếng Hàn Quốc, thu nhập của cô thấp, cô chưa có nhà ở tại Hàn Quốc, do đó vì quyền lợi của đứa trẻ mà tòa đã không giao con cho người mẹ Việt Nam.
Cô có quyền được thăm con 1 tuần 2 lần và được đền bù một khoản tiền về những thiệt hại mà người chồng Hàn Quốc đã gây ra.
Và người mẹ đó đã lựa chọn ở lại Hàn Quốc làm công nhân để được gần gũi con mình.
Bị “chồng hờ” lừa bắt con ngay trên đất Việt
Nhưng chuyện đó không chỉ xảy ra ở đất nước Hàn Quốc xa xôi, nơi người phụ nữ Việt Nam hoàn toàn cô độc đối với xã hội, không biết tiếng, không quen thân với ai, mà còn xảy ra trên chính đất nước Việt Nam, với một cô gái khác.
Đó là câu chuyện của M.K., quê ở Bến Tre và làm du lịch tại TP.HCM. Trong khi làm việc, K. quen với một du khách người Nhật và họ nảy sinh tình cảm.
Người đàn ông Nhật Bản nói yêu thương và muốn xây dựng gia đình lâu dài với K.. Mỗi lần người này sang Việt Nam thì hai người lại ở bên nhau. Sau đó, K. mang thai và sinh một bé trai. Họ thương yêu và chăm sóc đứa bé.
Vì mong muốn tương lai của con tốt hơn nên K. đã đồng ý ký vào nhiều giấy tờ khác do người đàn ông này đưa. Sau đó, người “chồng hờ” này đã nói với K. rằng bà nội đứa trẻ đang bị bệnh và muốn gặp cháu trai.
Trước mắt chưa thể đưa K. đi theo mà chỉ đưa được đứa bé đi, K. đồng ý giao con cho “chồng” mình mang về Nhật Bản. Nhưng sau đó, người đàn ông này hạn chế liên lạc với K., cũng không mang trả con trở lại Việt Nam.
K. khóc biết bao đêm qua những cuộc điện thoại thì ông ta thú nhận: đứa bé đang được vợ ông ta chăm sóc. Việc quan hệ với K. chỉ để K. sinh cho ông ta một đứa con.
Sau khi tìm hiểu và nhờ các cơ quan chức năng của cả Việt Nam, Nhật Bản giúp đỡ, K. được biết người đàn ông đó đã mang em bé sang một nước thứ ba. Đến nay, K. không còn manh mối gì của con mình.
“Tôi không có tiền sang nước khác để tìm con, nhưng tôi sẽ cố gắng kiếm tiền và tôi tin mình sẽ tìm được con” - K. nói. Giờ K. đã về quê và tìm một công việc phù hợp với bản thân. Đã gần 3 năm nay K. không nhìn thấy mặt con, không biết con khỏe hay không, đã biết đi đứng hay nói cười rồi.
“Nhớ con, tôi chỉ lấy hình con ra coi cho đỡ nhớ”.
Trong công cuộc đi tìm kiếm những đứa con bị tước đoạt khỏi tay, những người mẹ Việt Nam không bao giờ nghĩ đến tình huống đứa con mình đứt ruột đẻ ra đã bị tước đoạt khỏi tay bằng dối trá hay bằng thủ đoạn lách pháp luật.
Nhưng với tình mẫu tử, dù gian nan như thế nào, các “cuộc chiến” đòi con, với họ, vẫn không ngơi nghỉ...
Luật sư hỗ trợ tìm kiếm Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) - người trợ giúp pháp lý cho M.K. - cho biết hiện nay hồ sơ của M.K. đã được ông chuyển sang Nhật Bản và yêu cầu các đồng nghiệp Nhật Bản hỗ trợ. M.K. sẽ được trợ giúp miễn phí. Đồng thời, hồ sơ cũng đã được chuyển cho tổ chức tìm kiếm người ở Nhật Bản và họ đang tìm kiếm người đàn ông kia. Luật sư Hà Hải cũng cho biết đã tìm thấy người đàn ông này ở Cao Hùng, sống cùng vợ và đứa bé. Nhưng khi thông báo với trường đại học nơi người đàn ông này công tác, ngay lập tức anh ta và vợ đã rời khỏi nơi này. Luật sư Hà Hải cho rằng đã có sự sơ sót của các cơ quan chức năng Việt Nam khi để người đàn ông này mang đứa trẻ ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, việc cần làm bây giờ là truy tìm tung tích xem ông ta và đứa bé đang ở đâu thì mới tiến hành các bước tiếp theo. |
Sẽ quyết định về bản án tại Pháp của Thanh Huyền Ngay sau khi bản án của tòa án Pháp có hiệu lực pháp luật, Azais cũng thông báo bé Thiên Kim đã được đưa về Việt Nam, Thanh Huyền (nhân vật là người mẹ tìm con trên đất Pháp đăng ở các số trước) đã nộp đơn lên TAND TP.HCM yêu cầu công nhận bản án tại Việt Nam theo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, nộp đơn từ tháng 7-2016 nhưng đến tận tháng 10-2016 Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) mới thụ lý đơn (do tòa yêu cầu chỉnh sửa đơn nhiều lần). Tháng 1-2017 tòa mới triệu tập lên lần thứ nhất. Mới đây, ngày 9-3, thẩm phán thụ lý vụ việc của Huyền đã mời cô đến thông báo về việc sẽ ra quyết định mở phiên họp về việc có công nhận bản án đó ở Việt Nam hay không. Như vậy, gần 9 tháng nữa trôi qua sau bản án đã có hiệu lực tại Pháp, người mẹ ấy vẫn chưa thể nhìn thấy được con của mình, dù luật pháp Pháp đứng về phía cô. |
Xem các kỳ trước: >> Người mẹ đi tìm con: Nước mắt rơi trên đất Pháp |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận