21/09/2020 09:08 GMT+7

Những chuyện chưa kể về nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 20

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Vượt qua ba chàng trai, "cô gái vàng" Nguyễn Thị Thu Hằng, nhà leo núi đến từ vùng đất địa linh nhân kiệt Ninh Bình, xuất sắc đoạt chiếc vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia, hôm 20-9.

Những chuyện chưa kể về nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 20 - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thu Hằng rạng rỡ khi nhận vòng nguyệt quế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sau 9 năm kể từ khi Phạm Thị Ngọc Oanh đăng quang, mới có thêm nhà vô địch nữ được xướng tên.

Nguyễn Thị Thu Hằng (17 tuổi, học sinh Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đạt số điểm 235. Tiếp theo là á quân Vũ Quốc Anh (Đắk Lắk, 165 điểm), đồng giải ba là Lưu Đào Dũng Trí (Hà Nội, 130 điểm) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Quảng Trị, 85 điểm).

Nghĩ ngay đến vấn đề nóng

Nặng chưa đầy 42kg, cao trên 1,50m, nhà vô địch Olympia Thu Hằng khiến cả trường quay vỡ òa. Khởi động không mấy suôn sẻ, rồi Hằng băng băng tiến về phía trước, bỏ xa ba nhà leo núi đồng hành. Ở phần thi Vượt chướng ngại vật, chỉ sau một gợi ý đầu tiên được lật mở, Hằng bấm chuông xin trả lời chướng ngại vật là "Y tế" sau khi giành điểm trong câu trước về sáng kiến ATM gạo và ATM khẩu trang của anh Hoàng Tuấn Anh (TP.HCM).

"Đầu tiên là sự chuẩn bị. Vượt chướng ngại vật là phần thi yếu nhất của mình, nên phải chuẩn bị thật kỹ. Lúc MC gợi ý chướng ngại vật có 3 chữ cái, y tế chính là một trong những từ khóa mình nghĩ đến, là vấn đề nóng, lại vừa đủ. Khi hàng ngang thứ hai có gợi ý về khẩu trang và hình ảnh màu xanh, mình nghĩ ngay đến hình ảnh các y bác sĩ, mình quyết định bấm chuông luôn. Thật sự khi ấy như bùng nổ, sau một thời gian kìm nén, bị áp lực vì phần thi này, mình thật sự rất sung sướng, cảm xúc lên cao" - nhà vô địch Thu Hằng nhớ lại.

Nhưng Hằng thừa nhận khó khăn nhất là quá trình ôn luyện kiến thức. Khoảng tháng 3-4 là giai đoạn cô "mất ăn mất ngủ, gầy rộc hẳn đi" khi nhìn thấy các nhà leo núi nam có số điểm thi quý cao gần gấp đôi. Nhưng càng đến gần chung kết năm, cô càng tự tin với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Ở góc tường nhà, vẫn còn tờ giấy mà Hằng dán suốt mấy năm nay: "Vô địch Olympia", đó là mục tiêu mà cô gái này theo đuổi nhiều năm qua. Tự nhận mình là người có kế hoạch, phương pháp học tập của Hằng là lập kế hoạch và có chiến lược rõ ràng, sau đó kiên trì bám đuổi. "Khi các yếu tố hội tụ đủ và năng lượng trong mình lên cao, may mắn sẽ giúp đỡ mình" - cô gái quả quyết.

Cùng với đó là trau dồi cả điểm mạnh và điểm yếu, "học chắc, nắm kỹ bài vở", đọc sách, xem thời sự, tìm hiểu thông tin trên Internet để trau dồi kiến thức rộng ở các lĩnh vực. Ở trường, thầy cô cũng kêu gọi thành lập "nhóm đồng hành" với đương kim vô địch Olympia, mỗi môn học sẽ có 3 - 4 thầy cô tập trung ôn luyện, đưa ra các tình huống có thể xảy ra giúp Hằng tự tin tháo gỡ.

Cô gái đa tài

Thử thách của Hằng lần này là "đấu trí" cùng 3 nam sinh. Trước ngày thi cô bị say xe nặng, bị cảm, mẹ phải cho uống thuốc. Nhưng may mắn, ở trận chung kết, cô gái nhỏ luôn giữ được bình tĩnh, tự tin bước đến vòng nguyệt quế vinh quang.

"Sự chăm chỉ chính là ưu điểm của nữ, các bạn nam thường có nhiều thú vui hơn như đá bóng, chơi điện tử. Còn hạn chế, có lẽ là cảm xúc, hay bị cảm xúc chi phối. Khi cảm xúc lên cao quá thì mình trả lời không được tốt lắm, như trận thi quý mình lộ khá nhiều lỗi. Cũng cảm xúc đấy nhưng mình điều tiết được trong trận chung kết, cảm thấy hưng phấn hơn rất nhiều. Mình nghĩ mọi người đều bình đẳng, cuộc thi này khá độc lập ngoại trừ phần Về đích vì ảnh hưởng qua lại giữa các bạn thi đấu, còn lại nếu giữ được cảm xúc tốt thì nam nữ đều như nhau" - Thu Hằng trải lòng.

Suốt 3 năm THPT, Hằng luôn đứng đầu lớp, học giỏi toàn diện khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, năm nào cũng thi học sinh giỏi. Cô giáo Vũ Thị Lan (giáo viên chủ nhiệm) đánh giá cao nhất ở cô học trò nhỏ là "bản lĩnh của người đứng đầu". Trong lớp Hằng là bí thư, thường xuyên tổ chức các hoạt động thu hút bạn bè tham gia. Ngoài ra, rất năng động với nhiều tài lẻ: hát hay, đàn giỏi, chơi cờ vua, cầu lông. "Hằng rất tích cực, lạc quan, chính cô chủ nhiệm đã học được điều đó từ học sinh" - cô Lan chia sẻ.

Hiện nay, Nguyễn Thị Thu Hằng đang sở hữu một kênh YouTube. Sau cuộc thi, cô gái từ mảnh đất địa linh nhân kiệt cho biết dự định tương lai là chọn con đường du học. Cùng với đó, sẽ đứng ra thành lập một dự án phát triển kênh YouTube.

"Chàng sư tử" trường huyện

Vũ Quốc Anh đoạt ngôi vị á quân trong nỗi tiếc nuối. Thầy cô và bạn bè có mặt tại điểm cầu cho biết Quốc Anh luôn là niềm tự hào của Trường Ngô Gia Tự (Đắk Lắk), thể hiện được bản lĩnh của chàng trai vùng đất cao nguyên đại ngàn. "Dù cháu không giành giải nhất nhưng chúng tôi rất vui trước kết quả con mình đạt được" - ông Vũ Thành Phời (ba của Quốc Anh) xúc động nói.

Nói thêm về học sinh thứ ba của tỉnh lọt vào vòng chung kết Olympia, ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đắk Lắk, cho biết đó là quá trình đào tạo dài hơi, bài bản của địa phương. Với phương châm "học mà chơi, chơi mà học", nhiều năm qua tỉnh khuyến khích các trường tổ chức nhiều sân chơi, game show học thuật để tìm kiếm, lựa chọn và bồi dưỡng tài năng cho các em. (TRUNG TÂN)

Đi hàng chục kilômet đến điểm cổ vũ

Tại đầu cầu Quảng Trị, từ sáng sớm hàng ngàn người đã có mặt tại sân Trường THPT thị xã Quảng Trị cổ vũ cho nhà leo núi Văn Ngọc Tuấn Kiệt. Đây là học sinh thứ ba của trường trong 5 năm qua vào chung kết của cuộc thi. Trước Kiệt, Văn Viết Đức đã lên ngôi vô địch và Lê Thanh Tân Nhật là á quân của cuộc thi này.

Trong số những người có mặt để cổ vũ cho người con Quảng Trị, có nhiều người lặn lội đi chục cây số từ Gio Linh, Đông Hà, Cam Lộ. Những người này cho biết họ đi vừa để cổ vũ và tự hào. "Dù không chạm tay được vòng nguyệt quế, nhưng trong lòng người Quảng Trị, Tuấn Kiệt đã bước lên đỉnh cao nhất của trí tuệ. Phía trước còn rất dài và chờ đón em" - chị Lê Thu Đông, một khán giả, bày tỏ. (QUỐC NAM)

Đội mưa xem chung kết

Đầu cầu Hà Nội mưa lớn từ sáng sớm nhưng không khí ở Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm vô cùng náo nhiệt. Rất nhiều học sinh, thầy cô, người dân thủ đô đội mưa đến cổ vũ cho nhà leo núi Dũng Trí.

Ông Nguyễn Văn Nghị, hàng xóm của Trí, sắp sửa bước sang tuổi 80 vẫn đến cổ vũ. Ông xúc động: "Tôi theo dõi Trí từ những vòng thi trước, cháu vào chung kết nên tôi đến trường để ủng hộ cho cháu. Hôm nay Trí có vẻ mất bình tĩnh. Cháu đã vào được vòng chung kết, tôi rất tự hào vì cháu". (DƯƠNG LIỄU)

Vòng nguyệt quế Olympia sơn son thếp vàng bốn số 9 có một không hai Vòng nguyệt quế Olympia sơn son thếp vàng bốn số 9 có một không hai

TTO - Trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 20, MC Diệp Chi gửi lời cảm ơn đến nghệ nhân Hà thành - người đã gửi tặng chiếc vòng nguyệt quế đặc biệt đến cho chương trình, đánh dấu mốc 20 năm tuổi.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên