Jeff Koons và một phiên bản khác của Balloon dog - Ảnh: Công ty Jeff Koons
"Nghệ thuật giờ đây đã trở thành một hoạt động lai ghép phức tạp và khó nắm bắt hơn bao giờ hết, bởi nghệ sĩ không còn là một kẻ đơn thuần săn tìm cái đẹp theo lối thô sơ, mà là hợp thể của một nhà kỹ thuật, công nghệ và là một chuyên gia truyền thông…".
Câu nói trên của giám tuyển độc lập, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy, trong bản dịch cuốn sách Seven days in the art world (Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật) khiến nhiều người nhớ đến các cuộc tranh cãi gần đây đằng sau cái bắt tay giữa điêu khắc gia Jeff Koons với gã khổng lồ công nghệ Snapchat và xa xôi hơn là những mâu thuẫn bất tận trong nghệ thuật đương đại.
Điều đáng chú ý trong cuộc bắt tay này là những tác phẩm điêu khắc Balloon dog (Chó bóng) của Jeff Koons sẽ được giới thiệu đến công chúng trên nền tảng thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR). Đây là một trong những chú chó đã khiến thế giới nghệ thuật bị chia rẽ, và lần này cũng vậy...
Nhiều người cho rằng Jeff Koons đã biến tác phẩm của mình thành một món đồ để quảng cáo cho các công ty truyền thông, công ty du lịch… và phá hoại ý nghĩa thực sự của một tác phẩm nghệ thuật. Trước đó, các chú chó trong những tác phẩm do họa sĩ Cassius Marcellus Coolidge thể hiện cũng gây được "tiếng vang" không kém.
“Thay vì xem nghệ thuật như một lý tưởng, giờ đây chúng ta coi nó như một thứ để thần tượng, chả trách sao người mua không theo đuổi nghệ thuật nữa mà chỉ chạy theo mức tiền cao chót vót ở các nhà đấu giá
Nhà phê bình Jed Perl
Nổi tiếng suốt hơn trăm năm
Năm 1903, Hãng Brown & Bigelow đã khiến công chúng Mỹ chú ý khi tung ra một loạt quảng cáo xì gà với các bức tranh vẽ những chú chó đang chơi bài poker, đi hồ bơi và chơi bóng bầu dục. 16 bức tranh này đều do Cassius Marcellus Coolidge, một họa sĩ nghiệp dư từ Philadelphia, thực hiện.
Trong bức tranh nổi tiếng nhất A friend in need, Cassius vẽ 7 chú chó cùng chơi poker (một loại hình đánh bài phổ biến ở Mỹ). Bức tranh gây thú vị bởi chi tiết 2 chú chó nhỏ nhất trong bàn đang gian lận bằng cách đưa bài cho nhau để chống lại bầy chó to lớn hơn.
Các bức tranh đã kích thích sự hứng thú của đại chúng và nhanh chóng được lan truyền khắp nước Mỹ. Suốt 100 năm kể từ ngày những bức tranh đầu tiên ra đời, hình ảnh "dogs playing poker" đã trở thành một phần của văn hóa nước Mỹ.
Tính đến năm 2016, đã có hơn 30 bộ phim, video game, vở kịch... xuất hiện những chú chó của Cassius, trong đó phải kể đến các chương trình nổi tiếng như sitcom The Simpsons, phim hoạt hình Up hay album Moving pictures của ban nhạc Rush...
Không chỉ được truyền đi một cách chóng mặt trong nền văn hóa Mỹ, loạt tranh Dogs playing poker (Những chú chó chơi poker) còn thu lại một số tiền lớn cho những ông chủ sở hữu. Gần đây nhất, năm 2015, bức Poker game trong loạt này đạt mức giá xấp xỉ 700.000 USD.
Mặc dù nhận được sự chú ý của công chúng, loạt tranh Dogs playing poker lại không được đánh giá cao về yếu tố nghệ thuật. Một làn sóng tranh cãi đã nổi lên vì những chú chó này.
Nhiều người cho rằng tranh của Cassius cho thấy những ẩn ý châm biếm đối với xã hội Mỹ đầu thế kỷ 20, một xã hội đắm chìm với các thú vui phù phiếm, xã hội ấy bị đàn ông chiếm lĩnh (đa số những bức tranh của Cassius vẽ những chú chó đực), đàn ông là người đặt ra những luật lệ nhưng cũng là kẻ gian xảo với chính luật chơi của mình.
Thế nhưng, một số nhà phê bình khác lại cho rằng loạt tranh Dogs playing poker không có giá trị nghệ thuật lẫn kỹ thuật cao mà chỉ đơn thuần là những bức vẽ dùng để trang trí nhà.
Bất chấp nhận định từ chuyên gia, trong thực tế những bản sao của các bức tranh trên đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Mỹ, và được phổ biến rộng rãi không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều nơi trên thế giới thông qua quá trình du nhập văn hóa.
'A friend in need', một trong những bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Cassius
Những cuộc tranh cãi nảy lửa
Nếu Dogs playing poker phổ biến đến độ được xem như một phần của văn hóa đại chúng Mỹ, Balloon dog lại gây ra những tranh cãi về mức giá người ta có thể trả cho một tác phẩm nghệ thuật được "công nghiệp hóa". Theo Jeff Koons, "Balloon dog biểu thị cho chủ nghĩa vật chất và sự phô trương".
Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1994, Balloon dog đã được mang đi trưng bày ở nhiều bảo tàng danh tiếng trên thế giới, và dần biến Jeff Koons thành một trong những nghệ sĩ đương đại kiếm được nhiều tiền nhất hiện nay.
Tác phẩm này được cấu tạo từ thép không gỉ và phủ một lớp tráng gương lên bề mặt với tạo hình như những chú chó làm bằng bong bóng bán ở các hội chợ. Cũng chính vì vậy, không ít người cho rằng tác phẩm của Jeff Koons đã đạo nhái trắng trợn sản phẩm của những người bán hàng rong.
Năm 2013, một phiên bản màu cam của Balloon dog đã đem lại cho Jeff Koons và nhà đấu giá Christie’s New York số tiền lên đến 58 triệu USD, lập kỷ lục mức giá đắt nhất được trả cho tác phẩm của một nghệ sĩ còn sống.
Trong khi một số nhà phê bình nhận định Jeff Koons là một trong những nhà tiên phong của nghệ thuật hậu hiện đại với sự phản ứng mạnh mẽ để chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, các nhà phê bình khác lại cho rằng tác phẩm của Jeff Koons không khác gì một món đồ ăn vặt được làm sẵn, sản xuất đại trà và đội lốt nghệ thuật.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí New Republic, nhà phê bình Jed Perl bày tỏ sự thất vọng khi chiếc búa của nhà đấu giá Christie’s gõ xuống cho mức giá 58 triệu USD với tác phẩm Ballon dog: "Nghệ thuật ngày nay đã trở thành thứ kỳ ảo, xa xỉ đối với thành phần trí thức - và đây là một sự xoay chuyển tình thế đáng lo ngại...".
Cả trong cuốn sách Seven days in the art world, cây bút Sarah Thornton cũng ẩn ý rằng Jeff Koons như một hiện tượng của thế giới nghệ thuật đương đại. Những tranh cãi về tác phẩm của ông càng kịch liệt bao nhiêu thì mức giá càng bị đẩy lên cao bấy nhiêu.
Thế nhưng, có một thực tế là mặc dù mức giá tác phẩm của Cassius hay Jeff Koons có bị thổi phồng lên quá mức hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng thế giới nghệ thuật đương đại đã vận hành theo một hướng rất khác những gì chúng ta nghĩ về nghệ thuật.
Hiện nay, tác phẩm càng được tranh luận thì các giá trị của chúng càng được phơi tỏ trước đôi mắt công chúng và thu hút sự chú ý của các nhà sưu tập.
Tất nhiên, sự ầm ĩ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng nghệ thuật. Nhưng chừng nào thế giới nghệ thuật còn tranh cãi dù là về danh tác hay là một tác phẩm "dỏm", về sáng tạo hay đạo nhái thì khi đó chúng ta còn suy nghĩ về ý nghĩa thật sự của cái đẹp - đây cũng chính là mục đích của nghệ thuật, mặc cho ở thời đại nào chăng nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận