16/02/2018 15:06 GMT+7

Chó - không đâu không có, bất kể giàu nghèo

ĐỖ PHẤN
ĐỖ PHẤN

TTX - Một trong những hình ảnh quen thuộc với nhiều người, kể cả nông thôn và thành thị, chính là con chó. Nó thân thuộc với đời sống hằng ngày đến mức không ở đâu không có, bất kể giàu nghèo.

Chó - không đâu không có, bất kể giàu nghèo - Ảnh 1.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Người ta có thể không có trâu bò gà lợn nhưng nghèo đến như chị Dậu hay lão Hạc vẫn có chó trong nhà. Chó là con vật thân thương không chỉ trong đời sống thế tục. 

Nó còn có mặt cả trong đời sống tâm linh nơi đền phủ hoặc trước cửa mỗi ngôi nhà xưa dưới dạng một bức tượng đá. Dân dã ngắn gọn gọi là con chó đá.

Tượng chó đá của người thợ vô danh

Chó đá làm công việc canh cửa nhà, ngăn chặn yêu ma quỷ quái âm phần kéo đến. Chó đá canh đền giữ cho nơi thờ cúng uy nghiêm không ma quỷ nào dám bén mảng. Đôi khi còn có cả miếu thờ riêng một con chó đá như vị thần của làng mình. 

Chó là con vật khá thân thuộc với con người. Vì lẽ đó cho nên vẽ chó không hề dễ. Sai lệch về hình dáng, tỉ lệ rất dễ bị phát hiện. Nhưng nếu tả thực cho đúng thì lại sa vào tình trạng kể lể thiếu nghệ thuật. Những bức vẽ thành công con vật này cũng vì thế mà hiếm hoi.

Thế mới biết những ai cứ thản nhiên nói rằng người phương Tây coi chó là bạn nên không bao giờ giết thịt cũng chính là chưa hiểu lắm về người mình. Người Việt không chỉ coi chó là bạn, chó còn là một dạng thần linh che chở rất quan trọng trong tâm thức.

Hình tượng con chó trong nghệ thuật tạo hình cổ xưa của người Việt có lẽ chỉ tồn tại dưới dạng tác phẩm điêu khắc khuyết danh. Giống như toàn bộ nền mỹ thuật cổ của chúng ta cũng khuyết danh như vậy. 

Có thể đơn giản hiểu rằng các nghệ nhân xưa trong lúc tùy hứng ngồi đẽo gọt chơi như một hành động vô thức nguyên thủy. Sau đó nâng cao dần tính khái quát và biểu hiện để phục vụ cho một mục đích cụ thể.

Chính vì thế dưới bàn tay của những người thợ vô danh ấy đã sản sinh ra không biết bao nhiêu tác phẩm chó đá. Xấu, đẹp, to, nhỏ không bao giờ có hai con chó đá giống nhau. 

Cũng không có một quy định nào cho hình ảnh và kích thước như khi dựng một ngôi nhà. Vài nghệ nhân bay bổng còn lựa theo hòn đá kiếm được để tạo ra những hình ảnh con chó đá rất ngộ nghĩnh, biểu cảm.

Khi miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng đời sống mới những năm 1960, về nông thôn thấy chó đá vứt lăn lóc khắp các xó xỉnh trong làng. Nhiều nhà có chó đá canh cổng cũng tự giác đào lên quẳng ra bụi tre để chứng tỏ gia đình mình không mê tín. 

Dân phố về quê có người thích quá đi nhặt và xin dân làng được hàng xe cải tiến. Các họa sĩ, nhà điêu khắc gần như ai cũng về quê sưu tập lấy một con. Riêng dân đồ cổ không mặn mà lắm với những con chó đá nặng trịch và rẻ tiền này. 

Mối quan tâm của họ còn nằm ở những đồ gốm Lý, Trần, Lê, Mạc. Chó đá vì thế tản mác khắp nơi không được thu gom phân loại, sưu tập. Nhưng vẫn còn rất may. Nó là hiện vật quá nặng cho nên vẫn chỉ loanh quanh trong nước mà không bị "xuất khẩu" bao giờ.

Chó - không đâu không có, bất kể giàu nghèo - Ảnh 3.

Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn

Sự hứng khởi lấp dần khoảng trống

Cũng phải nói đến một quan niệm dân gian khác gần như trái ngược với quan niệm tôn sùng. Nhiều vùng quê hoặc gia đình coi chó là con vật hèn hạ. Có thể ăn thịt nhưng không bao giờ bày lên mâm cúng. Không phải ngẫu nhiên mà người ta mắng mỏ gọi nhau là "con chó", "thằng chó". Cũng với quan niệm này nhưng lại áp dụng vào một việc khác. 

Nựng trẻ con hay đặt tên xấu cho trẻ dễ nuôi người ta cũng thường gọi con cháu là "thằng cún", "con cún". Có lẽ cũng vì thế nên trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam không thấy có hình tượng con chó. Những con giáp khác thì đủ cả từ chuột, trâu, cọp, mèo, rồng rắn, ngựa, dê, khỉ, gà... lợn.

Các họa sĩ hiện đại và đương đại hình như đã lấp dần khoảng trống tạo hình con vật trong nhiều năm nay. Tất cả những con giáp đều đã được vẽ ra thành tác phẩm. 

Sinh thời họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sở hữu riêng phong cách tạo hình khi vẽ chó rất gần với tạo hình cổ của con chó đá dân gian. Đúng ra là ông đã dày công tìm tòi thể hiện lên tranh được hết những nét đẹp hồn hậu, chất phác mà các nghệ nhân dân gian đã làm được trên đá.

Họa sĩ Lê Quảng Hà cũng có mối quan tâm đặc biệt với hình tượng con chó. Những bức tranh sơn dầu khổ lớn của ông thường hay có nhiều "nhân vật" là chó với cách biểu cảm mạnh mẽ đến khốc liệt. Họa sĩ Lê Huy Tiếp đặc biệt hứng thú với hình ảnh con chó ta lông vàng. Ông đã từng vài lần bỏ ra cả năm trời để vẽ con chó ấy trong tranh của mình.

Các họa sĩ vẽ tranh con giáp hầu hết đều vẽ con chó vào những năm Tuất. Có thể kể đến Lê Trí Dũng, Phạm Viết Hồng Lam, Đỗ Sơn, Thành Chương, Đỗ Phấn... 

Tranh của họ không đến mức đào quá sâu vào tìm tòi một bố cục, một cách tạo hình, một bảng hòa sắc. Nhưng bù lại là độ tươi mới thay đổi phong phú hằng năm. Hình như vẫn là tinh thần cha ông ngày trước sáng tạo vì hứng khởi mà thôi. Không toan tính gì ở những bức vẽ có mục đích vui xuân cũng là điều dễ hiểu.  

Chó - không đâu không có, bất kể giàu nghèo - Ảnh 4.

Tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng

ĐỖ PHẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên