Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 1.

Lão sang năm Mậu Tuất 2018 này đã 78 tuổi, nhưng đã có gần nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó. Hỏi lão lý do thú vui khuyển này, lão kể: “Tôi như có căn duyên với con vật đó. 

Hồi lên 5 tuổi trong nhà có chó đẻ, tôi đã chui xuống gầm giường xem, bị chó mẹ đớp cho một phát từ trán đến cằm. Sau này tôi kể chuyện với một ông bác sĩ, ông ấy hỏi tôi con chó mẹ đó là chó ta hay chó tây. Tôi bảo chó ta. 

Ông bác sĩ nhìn mặt tôi, xem vết răng trên răng dưới rồi nói phải là chó tây cắn, chứ chó ta không mở rộng miệng được đến thế. 

Tôi cười nói với ông ấy đấy là ông nhìn mặt tôi bây giờ là mặt người lớn, còn khi 5 tuổi mặt tôi là của đứa trẻ, nó nhỏ hẹp nên miệng chó ta há ra cũng đủ để răng trên vào trán, răng dưới vào cằm. Ấy cũng là một kỷ niệm với chó”.

Còn như việc nuôi chó, lão bảo hồi đầu cũng là để kiếm sống, từ nuôi gà bán sang nuôi chó bán, nhưng rồi quấn quýt người và vật bên nhau, chó lại thuộc giống “khuyển mã chi tình” nên thích càng nuôi, nuôi mãi đến thành yêu. Một thời ấu trĩ yêu chó đến điên khùng. 

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 2.

Lão kể: "Nghĩ thật ngây thơ, một lần tôi và cậu Hiếu ở 115 phố Huế, đang ngồi chơi lúc 15h ở quán nước, có một ông bạn phất phơ đi qua bảo ở Lạch Tray (Hải Phòng) có một con chó becgiê to bằng con bê. 

Thế là máu tò mò của tôi và Hiếu nổi lên. Mặc dù trời lạnh, mưa phùn, trời lại trở về chiều, hai thằng yêu chó như điên đèo nhau bằng xe máy phi thẳng xuống Hải Phòng. 

Đến Lạch Tray tôi và Hiếu tìm đến nửa đêm mới mò ra địa chỉ con chó to như con bê. Ông chủ chỉ cho tôi một con chó nhỉnh gấp rưỡi con chó ta, ông ta trầm trồ cho là nó to nhất. Tôi và Hiếu nản hẳn. 

Hai đứa lại hối hả về Hà Nội. Mưa đậm hạt, chân tay tê cóng, nhiều lúc không điều khiển nổi tay lái” (trích từ sách Bát phố của lão viết và đã xuất bản).

Đến cuối những năm 1970, trong hội những người nuôi chó ở Hà Nội, lão đã nổi tiếng dám chơi, dám dốc tiền săn những con chó độc. Ví như con Ami dòng becgiê lão mua bằng giá 1 lượng vàng. 

Một lượng vàng thời đó có thể mua được 2.000m2 đất ở Hà Nội. Nghe lão nói cái giá đó có kẻ không tin, đã suýt gây gổ vì nghĩ lão bịp. Năm 2006 lão làm giỗ lần thứ 30 cho Ami, các anh em nuôi chó một thời gặp lại nhau ôn lại chuyện cũ rưng rưng, thương mình và thương chó cùng nhau một thời lận đận sướng khổ.

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 3.

Lão kể một hôm gặp Đại tá nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, tác giả của những bài hát nổi tiếng Quê em miền trung du, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Chiều trên bến cảng, Hà Nội một trái tim hồng , lão hỏi ông đại tá lương được bao nhiêu. 

Nhạc sĩ bảo khoảng 1 triệu. Lão bảo ông có muốn tháng được 10 triệu không thì lão bày cho cách nuôi chó Nhật. Nhạc sĩ bảo để tôi về họp “quốc hội” ở nhà đã, tức là về bàn với vợ. Mấy hôm sau nhạc sĩ gặp lại lão vui vẻ thông báo “quốc hội” đã thông qua kế hoạch nuôi chó Nhật tại gia rồi. 

“Thế là nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn bỏ cả nhạc, cả vẽ để nuôi chó. Phòng tranh, phòng nhạc thành phòng lấy giống chó, nuôi chó đẻ” (Bát phố).

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 4.

Lão bảo trước nuôi gà thì có biệt danh Sinh “gà”, từ ngày chuyển sang chó thì dính biệt danh Sinh “chó”, và biệt danh đó thành phổ biến. Đến bây giờ chỉ cần nói “Bảo Sinh” là tức khắc ai cũng biết. 

Cứ đến Hà Nội hỏi “Sinh chó làm thơ” hay “Bảo Sinh” là mọi người đều chỉ tới địa chỉ 167 Trương Định.

Ở đó lão có cả một cơ ngơi nuôi chó, giữ chó. Lão lập một khách sạn chó mèo cho người ta gửi các con vật yêu khi phải vắng nhà. Lão dựng một ngôi chùa cho các linh hồn chó mèo nương náu, cái cách mà lão gọi là “nuôi chó chết”. Chỉ có tôi mới nghĩ ra thế và làm được thế, ông ạ. 

Con vật cũng như con người là có linh hồn, lão nghĩ vậy, huống nữa đây là những con vật kề cận, gần gũi con người hằng ngày. Cho nên lão đặt tên chùa là “Tề Đồng Vật Ngã”, con người và muôn loài là như nhau, ngang nhau.

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 5.

Hỏi lão nuôi chó mèo lâu năm như vậy, thuộc tính thuộc nết chúng đến vậy, lão nghĩ sao về câu ngạn ngữ “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”, hay lão thử cắt nghĩa vì sao chó mèo cứ kiềng kỵ nhau. 

Câu trả lời của lão nói ra một điều thâm thúy đến không ngờ. 

Ông ạ, lão nói, chó thì quý chủ, còn mèo quý nhà. Hay nói cách khác, con mèo coi cái nhà nó ở là chủ, còn con chó coi người nuôi mình là chủ. Vậy nên ông cứ quan sát xem, chó là theo chủ, chủ đi đâu, ở đâu, đấy là nhà nó. 

Còn mèo vào nhà nào sống được là nó sống, bất kể chủ mới hay chủ cũ. Vì thế mới có chuyện con chó trung thành với chủ, yêu chủ đến mức chủ chết rồi nó ra nằm bên mộ chủ xót thương cho đến lúc nó cũng chết đi. Chó sâu sắc, mèo nông nổi, ông ạ.

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 6.

“Chó nó nuôi!” là câu cửa miệng người đời dùng để mắng những kẻ vô công rồi nghề, vô tích sự, không tự nuôi sống được mình. 

Hồi nhỏ thấy lão cứ lông bông, lêu lổng, bố lão đã mắng: “Mày không liệu lo thân thì sau có chó nó nuôi!”. Ngờ đâu vận vào lão cái câu đó lại đúng ngược lại theo nghĩa đen. 

Lão lấy nuôi chó làm nghề và nghề nuôi chó đã nuôi sống lão cùng gia đình. Không những thế, từ thân phận con chó, kiếp chó, lão đã nghĩ về kiếp người và phổ những điều đó thành những vần thơ lục bát mộc mạc, dân dã mà thâm thúy, sâu sắc lẽ đời, được mọi người truyền tụng như ca dao. 

Thơ đó lão gọi là Huyền Thi. Và từ Sinh “chó” lão đã trở thành “nhà thơ dân gian Bảo Sinh”.

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 7.

Từ đó Hà Nội có Bảo Sinh. Ai về chốn kinh kỳ, cứ đến chùa “Tề Đồng Vật Ngã” sẽ gặp lão - một người thấp, nhỏ, săn chắc và linh hoạt, trông không có vẻ gì là một ông già sắp bát tuần. 

Lão sẽ vì khách vui vẻ niềm nở dẫn đi xem khách sạn chó mèo, cùng thắp hương cho những linh hồn chó, nói chuyện về chó không dứt. Và khách sẽ được lão đọc thơ cho nghe, rồi tặng một tập Huyền Thi in vi tính. 

Ngồi trong không gian nhà lão mới cảm được hết chuyện và thơ về chó và người, tạo vật và cuộc đời.

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 8.

Tôi hỏi năm Tuất này lão có thơ về chó không. Lão đọc: Phiêu diêu thoát tục càng thêm tục/ Tâm thanh càng tục lại càng thanh. Đời nay lắm kẻ cứ tỏ ra mình là phiêu diêu nhưng thực thì tục vẫn cứ là tục. 

Sống gần con vật đó quá nửa đời người tôi càng ngày càng thấm tâm thanh quan trọng thế nào đối với con người trong cuộc đời, nhất là khi đời có vẻ ngày càng tục càng đục, ông ạ...

Hà Nội có Bảo Sinh - nửa thế kỷ nuôi chó, chơi chó, bạn với chó - Ảnh 9.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
19/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0