Chí Phèo - một nhân vật trong truyện của nhà văn Nam Cao, từng chửi để gây sự chú ý khi bị cả xã hội quay lưng.
Ngày nay, một số "nhân bản" của Chí Phèo xuất hiện trên mạng xã hội, chửi thời xưa thì có thể bị ghét hoặc chửi vì những bất công; chứ ở thời mạng, chửi có thể giúp họ đổi đời cũng nên.
Chị Lâm Thị Kim Thanh (43 tuổi, giáo viên tại Trường THCS Thạnh Thới An - Sóc Trăng) bày tỏ: "Bản thân tôi có hai con gái, con cháu trong nhà cũng rất nhiều.
Tụi nhỏ coi trên mạng rồi vô tình lướt thấy, bắt chước học theo. Đôi khi tôi giật mình khi thấy đứa cháu 5-6 tuổi coi những video người ta chửi bậy bằng những từ ngữ không thể tưởng tượng nổi.
Nhiều bạn trẻ bây giờ nổi tiếng bằng tai tiếng. Khi truyền bá mấy cái vô văn hóa như vậy, tôi băn khoăn không biết nên tìm cách nào hiệu quả để hạn chế con cháu xem phải mấy video đó".
Chí Phèo chửi bậy thời mạng
Vài năm trở lại đây, mạng xã hội đã chứng kiến sự chiếm sóng nối dài của một số "hiện tượng mạng" không có gì ngoài một khả năng: chửi như hát. Từ cô gái chuyển giới L.D., M.H. cho tới D.M.T., T.M., N.O.N…
Từ những người vô danh không ai biết tới, nhờ "năng lực" chửi, họ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và nhanh chóng tận dụng điều đó để kinh doanh, kiếm tiền. Đổi đời nhờ chửi hay, nghe kỳ lạ thật nhưng điều đó đang xảy ra.
Đáng kể nhất phải nói tới Linda - một hiện tượng mạng nổi đình nổi đám nhiều năm nay. Những video cô chửi như hắt nước vào mặt người khác có tốc độ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Những người chọn xem và coi đó là một hình thức giải trí thì cho rằng chỉ "mua vui thôi mà", có gì đâu to tát.
Kể từ đó, những ngôn ngữ thô lỗ, tục tằn, khiến người nghe phải đỏ mặt về mức độ táo bạo - trở thành "thương hiệu" riêng giúp Linda được nhiều thương hiệu mỹ phẩm, kem trộn "đặt gạch".
Thực tế thì những livestream, dòng trạng thái có ngôn từ chửi bậy, tục tĩu lại dễ gây chú ý và nhận được tương tác cao.
Thậm chí cả những nghệ sĩ có tiếng như D.M., Đ.H., T.T., N.T.L… cũng năng nổ chửi để lôi kéo sự chú ý từ khán giả.
Sự thịnh hành của việc chửi đổng đã dần manh nha hình thành xu hướng thích xem, nghe những nội dung như vậy trên mạng xã hội.
Không ít người lợi dụng điều này để cố tình tạo ra đề tài gây tranh cãi, phát ngôn gây sốc để gây sự chú ý trên mạng nhằm kéo lượt tương tác rồi cuối cùng cũng… bán hàng online.
Hồi chuông báo động "hiện tượng mạng"
Và Phạm Thoại - nhân vật được nhiều người phong là "ông hoàng livestream" trên "thị trường mạng" tại Việt Nam hiện nay - đã chửi trên mạng xã hội ngót cũng đã gần... 5 năm.
Sau khi đổi đời nhờ chửi, Phạm Thoại thừa nhận ở thời điểm mới bắt đầu tham gia mạng xã hội, cuộc sống của gia đình anh vô cùng khó khăn.
"Khi ở dưới đáy và không có gì để mất, tôi đã tìm mọi cách để đi lên" - đó là lời lý giải cho những hành động tưởng chừng "khùng điên" nhưng giúp chàng trai trẻ tuổi này sớm đổi đời và trở thành người livestream bán hàng được săn đón.
Những chia sẻ về hành trình vượt khó gần đây của Phạm Thoại giúp khán giả hiểu hơn về động cơ chửi của anh, nhưng liệu có đồng thời truyền cảm hứng cho rất nhiều con người về việc… chửi để nổi tiếng, nổi tiếng để kiếm tiền?
Chửi đã và đang trở thành hành động phổ biến tới mức có TikToker tên N.O.N. chọn làm nội dung chửi bới khi tới làm video nhận xét các quán ăn và nực cười hơn khi vẫn có nhiều đơn vị đặt hàng.
Phải tới khi người này gây bức xúc trong dư luận vì thực hiện hành vi miệt thị người khác và vi phạm tới thuần phong mỹ tục, những nội dung chửi bới của người này mới có dấu hiệu dừng lại.
Dù đã có động thái giải thích và xin lỗi, rất nhiều người vẫn tỏ ra phẫn nộ. Sau cùng, TikTok đã cấm vĩnh viễn tài khoản này.
Vụ việc một lần nữa nhắc nhở các "hiện tượng mạng" có lượng người theo dõi lớn, ảnh hưởng tới giới trẻ không được phép có những hành động và phát ngôn lệch chuẩn đạo đức, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Trước N.O.N., một "hiện tượng mạng" khác là K.B. đã từng phải trả giá.
Thanh niên sinh năm 1993 này nổi đình nổi đám từ những video khoe hình xăm, đòi nợ thuê, phát ngôn gây sốc và hành hung, chửi bới người khác.
Chuyện những "thánh chửi" lấn sân vào làng giải trí nhờ vào sức hút của những lần chửi bậy giờ đây đã trở thành… chuyện cơm bữa.
Ngoài ra, cũng không hiếm hội nhóm được lập ra để mọi người thoải mái vào chửi bới, buông lời thô tục. Rõ ràng việc cổ xúy các trường hợp như "thánh chửi" là rất đáng báo động.
Bạn nghĩ gì về một số hiện tượng dùng mạng xã hội để hằng ngày chửi bậy nói trên?
Các bạn có thể gửi ý kiến về email tto@tuoitre.com.vn.
Nếu thấy bài viết này thú vị, bạn hãy thả tim và bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận