11/01/2020 22:16 GMT+7

Những bóng áo cam trên đường đêm

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Đồng hồ điểm những phút cuối của năm cũ. 'Biệt đội áo cam' trên vỉa hè sau tòa nhà hải quan thành phố vẫn chuẩn bị công việc, khác hẳn vẻ mong ngóng pháo hoa của biển người ngoài hàng rào.

Những bóng áo cam trên đường đêm - Ảnh 1.

Công nhân vệ sinh dịch vụ công ích Q.1 (TP.HCM) dọn rác sau đêm giao thừa 2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Năm nào cũng coi... pháo hoa. Coi riết chán" - chị Nguyễn Thị Thanh Vân (46 tuổi), công nhân vệ sinh dịch vụ công ích Q.1 (TP.HCM), tủm tỉm pha trò.

28 năm làm công nhân vệ sinh, chẳng có đợt pháo hoa nào mà chị không có mặt ở đây.

“Nhanh thật. Vậy là đã 28 năm. Mẹ tôi cũng làm công nhân vệ sinh rồi về hưu. Tôi vào làm đúng ngày sinh nhật tròn 18 tuổi, ngày 18-2-1992.

NGUYỄN THỊ THANH VÂN

Những giao thừa lầm lũi

Góc vỉa hè sau tòa nhà hải quan trên phố đi bộ đã trở nên quen thuộc với họ - những công nhân vệ sinh đã làm việc nhiều năm trên tuyến đường này. Màn pháo hoa đầu tiên lóe lên, chị Vân cũng ngó như phản xạ rồi về ngồi lại trên chiếc xe máy cũ dựng ở vỉa hè.

Đội chị không chỉ có những người "đã có tuổi", mà có cả những anh chàng 26, 27 tuổi nhưng thâm niên cũng đã 5-6 năm "xem pháo hoa trường kỳ".

Họ chuẩn bị tập trung cho một ca làm việc sẽ kéo dài tới khoảng 3h sáng: dọn toàn bộ rác khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Một núi rác sẽ thường kéo theo sau những sự kiện lớn.

Các công nhân vệ sinh khu vực này, những ngày đặc biệt như giao thừa Tết dương, Tết âm sẽ phải làm việc cật lực hơn và về nhà muộn hơn. Hôm nay, họ đã có mặt từ 3h chiều và sẽ làm việc đến 3h-4h sáng.

Khi những tiếng ồ à dậy lên trong màn pháo hoa hoành tráng cuối cùng được bắn cũng là lúc đội vệ sinh khẩn trương công việc.

Suốt vài tiếng đồng hồ, họ bị bó cứng bởi dòng người đổ về xem pháo hoa, phải dừng toàn bộ công việc. Chị Đào (41 tuổi), Trực (26 tuổi), chú Tài (56 tuổi) mang chổi, đẩy xe vội vã khi biển người dần tản.

Rác rải một lớp trên phố, và còn chất đống hầu như tất cả gốc cây trên phố đi bộ.

"Rác chắc phải gấp mấy lần ngày thường, phải chờ đến khoảng 1h đêm thì mới thông thoáng bớt để việc quét rác, gom rác dễ hơn. Nhưng mà cứ trống chỗ nào thì gom chỗ đó trước, nếu không sẽ không kịp" - chị Vân bảo.

Suốt gần 30 phút ngồi chờ pháo hoa kết thúc, chị Vân kể bao năm chị không ở nhà vào thời khắc giao thừa với người thân. Từ lúc hai cậu con trai còn nhỏ cho đến khi đứa đã 17 tuổi, đứa đã 25 tuổi.

Kỷ niệm giao thừa duy nhất với con chị là "có năm nó dắt theo một đám bạn ra phố đi bộ coi pháo hoa, đến đứng ngay trước mặt mẹ làm mình hết hồn".

Những bóng áo cam trên đường đêm - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân đã 28 năm làm vệ sinh đường phố - Ảnh: D.PHAN

Chuyện đời sau tiếng chổi tre

Nghe chuyện chị Trần Thị Mỹ Hạnh (45 tuổi, ngụ Hóc Môn) - công nhân vệ sinh Công ty Môi trường đô thị - không ai có thể mường tượng chị đã làm thế nào để vượt qua những éo le cuộc đời.

Chị cần mẫn việc lao công quét rác suốt 24 năm qua để "ngày nào con còn sống với mình thì mình ráng làm lụng, chăm cho con ngày ấy".

Đứa con mà chị nói là cậu con trai đã 17 tuổi nhưng mãi là một đứa bé chỉ biết bò trườn, phải đút ăn, phải thay tã, tắm rửa do căn bệnh bại não. Ba năm nay chị Hạnh còn phải chăm cha chồng bị tai biến nằm một chỗ.

"Ngày ba cữ cho ăn uống, thay tã: lúc sáng dậy, lúc 1h chiều, chiều 3h chuẩn bị đi làm thay tã lần hai rồi tối về cho ăn, thay tã thêm lần nữa rồi mới tới lượt mình ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi" - chị kể.

Đến nhà chị lúc giữa trưa, cách xa chỗ chị làm ở Tân Phú 40-45 phút đi xe máy. Ngôi nhà tươm tất, sạch sẽ. Hai ông cháu, người dưới lầu, người trên lầu, giường chiếu gọn gàng, ngăn nắp.

Chị kể đây là ngôi nhà mà cha mẹ đã bán ngôi nhà cũ chia cho con cái mỗi người một khoản tiền để mua. Đó cũng là tài sản đáng giá nhất của gia đình chị.

Chị dẫn chúng tôi lên lầu để gặp cậu con trai 17 tuổi. Con không nói được. Chị lấy xe đồ chơi, bày trò để con cười như thể chăm đứa con nít 2-3 tuổi. Trông nụ cười của chị hạnh phúc như bao người mẹ khác. Thế nhưng chỉ đến khi nghe bà Sáu hàng xóm kể chuyện mới biết chị đã có những lúc cay đắng như thế nào.

"Nhà cửa lắt léo, sâu tít như thế này mà nó về đêm hôm khuya khoắt, có bữa còn không dám chạy vào nhà. Rồi có ngày nó về thay tã, cho con ăn xong, rồi lo cho ba chồng, nó mệt quá, lăn ra khóc sau nhà" - bà Sáu bảo.

Hỏi về điều ước năm mới, chị trả lời nghe nhói lòng: "Năm mới chỉ mong đi làm có nhiều tiền, để dành cho con vì không biết mình sống với nó được đến khi nào. Đời này nó chỉ có một mình tôi là chỗ dựa".

Nghề rác vất vả, chẳng có ngày nghỉ, nhưng những người như chị Hạnh vẫn lạc quan nói rằng họ may mắn vì có cái nghề bươn chải nuôi sống gia đình.

Làm việc ở dịch vụ công ích Q.1 được 8 tháng, mơ ước của anh Nguyễn Ngọc Danh (43 tuổi, ngụ Q.10) là trở thành công nhân chính thức như mọi người. Bươn chải với nhiều công việc khác nhau nhiều năm liền, lúc chạy xe ôm, lúc phụ hồ..., với anh đây là công việc tốt vì thu nhập ổn định, có đồng lương để lo cho cả nhà.

Ngôi nhà nhỏ xíu chỉ chừng chục mét vuông của anh Danh có đến tám người: hai vợ chồng anh, hai đứa con, chị chồng và cháu, mẹ vợ anh và người bác.

"Đây là nhà mẹ vợ. Vợ tôi bị mất bàn tay do bị xe lửa cán lúc đi lượm ve chai từ lúc 6 tuổi, cũng đi xin việc nhưng không có người thuê mướn nên chỉ ở nhà lo cho hai đứa con đi học" - anh kể.

Trong nhà, ngoài anh là lao động chính lo ăn học cho hai đứa con đang học cấp II, thì chỉ có mẹ vợ có việc tạm vào những lúc "người ta kêu gì làm nấy, dọn nhà, rửa chén".

Nắng cũng như mưa, ngày lễ cũng như ngày thường, anh đều đi làm từ 3h-4h chiều tới 1h-2h sáng nên hầu như không có thời gian gặp con.

"Đời mình khổ rồi nên chỉ mong có một công việc ổn định, dù vất vả để lo cho đời con. Hai vợ chồng tôi ráng lo cho các con ăn học để sau này có tương lai" - anh tâm sự.

Lo cho tương lai con

cong nhan rac

Chị Hạnh và con trai 17 tuổi mãi ở tuổi lên 2, lên 3 - Ảnh: V.THỦY

Căn nhà thấp và tối vì chật và vì đồ đạc cái gì cũng cũ. Điểm tươi sáng nhất có lẽ chính là bức ảnh tốt nghiệp tiểu học của Nhã và Dung - cậu con trai và cô con gái của anh Danh - treo trên một góc tường.

Mấy ngày nay, hết Noel lại đến Tết Tây, Tết ta, nhưng anh Danh không ở nhà với con ngày nào. Anh cần mẫn đi làm cũng là vì con.

Bà cụ nhặt rác một chân ở bãi biển Gio Linh và điều ước một lần được thăm lăng Bác Bà cụ nhặt rác một chân ở bãi biển Gio Linh và điều ước một lần được thăm lăng Bác

TTO - Ước mơ giản dị của bà cụ khuyết tật nhặt rác trên bãi biển Gio Linh đã khiến nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng rơi nước mắt, lần khóc duy nhất trên hành trình 7.000km dọc bãi biển Việt Nam để chụp rác của anh.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên