11/08/2017 06:00 GMT+7

“Nhức đầu” với điểm ưu tiên

VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI
VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI

TTO - Điểm ưu tiên vẫn là vấn đề gây "bão" tranh luận của nhiều bạn đọc trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia giáo dục nói sao về vấn đề này?

Thí sinh Nghệ An dự thi THPT quốc gia 2017. Theo phân chia khu vực ưu tiên của Bộ GD-ĐT, tất cả thí sinh Nghệ An được ưu tiên từ 0,5-1,5 điểm - Ảnh: DOÃN HÒA
Thí sinh Nghệ An dự thi THPT quốc gia 2017. Theo phân chia khu vực ưu tiên của Bộ GD-ĐT, tất cả thí sinh Nghệ An được ưu tiên từ 0,5-1,5 điểm - Ảnh: DOÃN HÒA

Năm nay, nhiều thí sinh được cộng hẳn 3,5 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học trong khi đó các thí sinh ở thành phố lại không có cộng điểm, vì vậy rất nhiều thí sinh phải "chôn vùi" ước mơ vào đại học theo nguyện vọng.

Điển hình như trường hợp thí sinh thi 30 điểm tuyệt đối (không có cộng điểm ưu tiên) nhưng vẫn rớt nguyện vọng 1, trong khi đó thí sinh thi 25,75 điểm nhờ cộng 3,5 điểm ưu tiên nên đã đậu.

3,5 điểm ưu tiên: con số quá lớn

Đa số bạn đọc cho rằng 3,5 điểm ưu tiên là con số quá lớn trong một kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao, cần giảm điểm ưu tiên và thay vào đó hãy hỗ trợ, tạo điều kiện cho những em thuộc diện chính sách ưu tiên.

Nguyễn Hiếu (tân sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP.HCM) cho rằng: “ 3,5 điểm ưu tiên là con số quá lớn mà đề thi năm nay khá dễ nên các bạn dễ đạt điểm tối đa. Em biết có một số bạn chỉ học khá nhưng lại đậu vì được cộng điểm ưu tiên trong khi đó các bạn học giỏi thật sự lại trượt. Theo em, điểm ưu tiên tối đa chỉ nên là 1,5 điểm”.

“Theo tôi, tri thức không nên "ưu tiên" mà hãy dùng "ưu tiên" vào các hình thức tiếp cận tri thức ấy thì tốt hơn” - bạn đọc nickname Nathan Nguyen chia sẻ.

Cộng điểm ưu tiên là cần thiết

GS.TS-nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng do đề thi năm nay khá dễ nên nhiều em đạt điểm tối đa, điều này gây nên một sự khủng hoảng thừa. Còn việc cộng điểm ưu tiên là cần thiết để khuyến khích, hỗ trợ những em ở vùng khó khăn nhưng đây chỉ là phương án trước mắt.

Cùng ý kiến, TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM - nói: “Chính sách khuyến khích học tập trong đó cộng điểm vùng là cần thiết bởi vì điều kiện học tập của các em học sinh ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn so với những em học sinh ở thành phố”.

Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách khuyến khích này không trở thành gánh nặng cho những thí sinh không được cộng điểm ưu tiên và phân bổ đều giữa các khu vực là bài toán cần phải tìm lời giải.

Đưa ra chỉ tiêu cho từng khu vực

Thí sinh dự thi môn Anh văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh dự thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

TS Chính cho biết hiện tượng dư luận tranh luận điểm ưu tiên nói lên cách tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quá đơn điệu chỉ dựa vào điểm số duy nhất để tuyển sinh. Vì vậy cần có chính sách toàn diện mang tính tổng quát hơn. Tức là xét tuyển không chỉ về điểm số mà cần xét những khía cạnh liên quan khác như điểm quá trình, điểm năng lực, điểm xã hội… Nhưng giải pháp này cần có sự phối hợp đồng bộ và từng bước thực hiện.

“Cách giải quyết trước mắt là vẫn cộng điểm vùng kết hợp với chỉ tiêu tuyển sinh theo từng vùng” - TS Chính nói.

Ví dụ như để tuyển sinh ngành y đa khoa, Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch thì nhà trường cần định hướng và đưa ra chỉ tiêu cho từng khu vực, chẳng hạn như khu vực thành phố 10% chỉ tiêu, khu vực nông thôn 20% chỉ tiêu, khu vực miền núi 30%, khu vực đặc biệt khó khăn 40% chỉ tiêu…Việc đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh từng vùng như vậy tạo cơ hội công bằng cho mọi học sinh trong từng khu vực.

TS Chính lưu ý cần có chính sách rõ ràng số lượng tuyển sinh từng vùng và đưa ra phân luồng thật cụ thể, việc này phải dựa trên những phân tích về nhu cầu nhân lực và tính cộng đồng để làm sao tạo ra môi trường học đa dạng.

“Từng vùng bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu là hợp lý là bài toán tổng thể cần có lời giải” - TS Chính băn khoăn.

Tạo điều kiện cho các em ngay khi còn phổ thông

Theo GS.TS-nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, cộng điểm ưu tiên là cách làm trước mắt, còn phương án lâu dài thì nhà trường, địa phương cần phải “kích thích” các em học sinh vùng xa nỗ lực học tập ngay trong giai đoạn phổ thông, đặc biệt là những năm học cấp III.

Để làm được điều này, các em học sinh vùng sâu vùng xa rất cần sự quan tâm của nhà trường, chính quyền địa phương và các nguồn tài trợ trên cả nước. Hãy tạo điều kiện cho các em có điều kiện học tập ngang bằng với những em ở vùng thuận lợi khác thay vì cộng điểm ưu tiên vào mỗi kỳ thi.

Cách tuyển sinh tại Trường Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology, Mỹ) mang tính quốc tế hóa rất cao, tức là mỗi khu vực châu Á, châu Âu, châu Phi... lần lượt sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu, điều này sẽ tạo ra một cộng đồng mang tính toàn diện và chính cộng đồng đó sẽ giúp trường và sinh viên phát triển.

TS Nguyễn Quốc Chính 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài: 

>> TS Nguyễn Quốc Chính

>> NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên