29/06/2012 10:30 GMT+7

Như vẫn còn sống đâu đó

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - 12g một ngày giữa tháng 6 này, PGS.TS Đồng Đức Hệ, giám đốc Trung tâm Điều phối và tư vấn hiến tạng, gọi điện thoại thông báo: Bệnh viện Việt - Đức vừa thực hiện thành công bốn ca ghép tạng của một người hiến bị chết não...

Kỳ 1: Được sống, với trái tim người khác Kỳ 2: Nỗi khổ hồi sinh

UMVRsGqA.jpgPhóng to

Bà Hiên với bình tro cốt của cháu nội - Ảnh: Hoàng Điệp

Tại cổng nhà tang lễ Bệnh viện Việt - Đức, chị Phạm Thị Nga, mẹ ruột của người hiến tạng Trần Việt Thủy (Quảng Ninh), vẫn đang đau xót vô cùng khi phải rời xa con trai duy nhất bởi thân thể của Thủy đã được đưa đến đài hóa thân hoàn vũ.

Cứu được mấy mạng người thì nên làm

Lên Hà Nội cùng họ hàng nội ngoại của Thủy, nhưng phong tục tập quán địa phương không cho phép người mẹ đưa con về nơi an nghỉ cuối cùng nên chị chờ con tại bệnh viện: “Chừng nào lấy được tro cốt của cháu thì tôi xuống đón cháu về nhà”. Dù luôn tỏ ra cứng cỏi trước sự mất mát và quyết định lớn lao, nhưng không khó để nhìn thấy sự suy sụp trên gương mặt người mẹ này.

“Tôi chỉ thật sự ở cạnh cháu đến 5 tuổi, sau đó cháu phải ở nhà với ông bà nội bởi mẹ còn phải đi làm thuê kiếm sống”. Mỗi tháng mẹ con chỉ được gặp nhau một vài lần, cũng có lần không kịp ôm con vào lòng.

Có mặt tại khu vực nhận tro cốt người thân tại đài hóa thân hoàn vũ, bà Nguyễn Thị Hiên (bà nội của Thủy) tay ôm khư khư bình tro của cháu. Đứa cháu mà bà đã bế ẵm ngày bé, bây giờ bà muốn ôm thật chặt. Nuôi cháu bao năm, gần gũi và yêu thương, đến mùi mồ hôi trên quần áo của Thủy bà cũng quen thuộc. “Nhưng cháu tôi mất rồi, về lý do để cháu tôi xảy ra nông nỗi này công an sẽ làm việc”.

66 tuổi, bà Hiên dường như nước mắt không còn có thể chảy từ hốc mắt héo mòn. Về lý do gia đình đồng thuận hiến tạng của Thủy cho y học, bà nói: “Cháu tôi chết đi, đối với tôi như mất cả một phần thân thể. Nhưng đã nhiều lần tôi xem tivi, thấy rất nhiều cháu còn trẻ, tài giỏi mà thận bị hỏng, nếu không được ghép thì có thể chết. Những cậu thanh niên ấy có thể bằng tuổi cháu tôi, có thể lớn hơn nhưng có bao nhiêu hoài bão và giấc mơ chưa thể thực hiện được cũng bởi nhà nghèo và bệnh trọng. Hiến một phần thân thể của cháu tôi để có thể cứu sống được mấy mạng người thì đó là việc nghĩa nên làm. Đối với những người nghèo như chúng tôi, không thể chữa bệnh, không thể cho tiền bạc, cũng không thể động viên những người ấy thì hiến một phần tạng của cháu là giúp đỡ người ta rồi. Đây cũng là cách để an ủi trước khi cháu tôi hòa vào đất thì một phần thân thể của cháu vẫn còn sống ở đâu đó giữa cuộc đời này”.

osDttIjq.jpgPhóng to

Các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức trong một ca ghép tạng - Ảnh: Hải Trang

Đôi khi phải giấu

Khi tôi đến, những người già trong nhà đang đi làm đồng. Đứa con gái bé bỏng chưa đầy tuổi của anh Nguyễn Trường Sơn (tên đã được thay đổi theo yêu cầu của gia đình, một người hiến tạng ở Hưng Yên) đang chuồi lên trong vòng tay mẹ. Gương mặt hốc hác, nước mắt người mẹ trẻ tuôn xối xả, phải đến khi bố chồng nhắc ba lần cô mới ngưng được những giọt nước mắt.

Không chỉ là lao động chính, anh Sơn còn là người duy nhất trong nhà có công việc ổn định tại một công ty đóng gần địa phương. Lúc còn đi học, dù cuộc sống nghèo khó không bằng bạn bè, nhưng Sơn đã nỗ lực hết mình để có một công việc ổn định. Mẹ Sơn than thở: “Đẻ con, nuôi con để mong sau này tuổi già bóng xế được nhờ con. Vậy mà cháu vừa đi làm chưa được đầy một năm thì bị tai nạn”.

Không quan tâm đến ai được nhận tạng con mình, bà cũng như chồng và những thành viên khác trong gia đình vẫn phải tiếp tục với cuộc sống nhiều khốn khó. Bố Sơn, người gầy gò trong chiếc áo bộ đội rộng thùng thình, gương mặt khắc khổ và hốc hác, nói: “Tôi chỉ muốn nhắc đến cháu trong những ngày còn vui, từ ngày cháu đi gia đình ảm đạm lắm”. Ngôi nhà ba gian mà Sơn luôn nói quá chật chội nếu có bạn bè đến bỗng trở nên trống trải. Chiếc giường Sơn nằm, một phần chiếc xe gắn máy Sơn đi được gia đình trân trọng giữ gìn như một kỷ vật: “Tôi vẫn như nhìn thấy cháu đâu đây nếu như không có cái bàn thờ này”. Bố Sơn nói và châm thêm một tuần hương trước bàn thờ con trai. Không khí mùa đầu hè dường như ngột ngạt hơn, bởi dưới ba tầng bát hương, tầng thấp nhất là bức ảnh với gương mặt nam giới còn rất trẻ.

Người cha, dù giữ được bình tĩnh trong câu chuyện với khách nhưng không thể giữ được những giọt nước mắt xót xa: “Nó là máu mủ của tôi, tôi hiểu rất rõ rằng con mình đã mất và có rất nhiều người đang thoi thóp sống, mòn mỏi hi vọng được ghép tạng nên gia đình đã đồng ý hiến tạng của cháu. Tuy nhiên, cả hàng xóm và chính quyền địa phương đều không được biết về việc này”.

Nơi gia đình anh Sơn sống là vùng đất giàu truyền thống, nhưng cư dân ở đây còn nặng với quan hệ cũ “người chết phải toàn thây”. Bởi vậy, từ khi đưa thi thể con trai xấu số về quê, mọi thông tin về cuộc hiến tạng được giấu kín. “Chúng tôi không biết người nhận tạng là những ai, chỉ nghe bác sĩ nói từ cơ thể của cháu đã cứu được bốn người thoát chết và hai người không bị mù. Thế nên dù đau đớn về sự ra đi của con, nhưng tôi vẫn cảm thấy phần nào được an ủi khi cứu giúp được người khác” - bố Sơn nói.

Tri ân

Trong căn nhà không lấy gì làm rộng rãi của anh Bùi Văn Nam (người được ghép tim ở Nam Định), một bàn thờ được lập ở vị trí rất trang trọng. Anh Nam nói: “Đây chính là bàn thờ của người đã hiến tim cho tôi. Tôi không biết cậu ấy ở đâu, làm nghề gì nhưng tôi biết rất rõ ngày cậu ấy mất. Thế nên không chỉ gia đình tôi mà một số người khác đã được nhận tạng của cậu ấy đều thờ cúng như vậy”.

Câu chuyện tri ân này không phải bây giờ anh Nam mới làm, mà thật sự gia đình anh đã thực hiện từ khi Nam còn đang ở phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện 103. “Gia đình tôi đã tổ chức làm các ngày lễ cho người ta theo đúng phong tục tập quán của ông bà. Sau 100 ngày còn đưa vào chùa cho thanh tịnh” - chị Nguyễn Thị Láng (vợ anh Nam) nói.

Trong khi đó, mẹ của Phạm Mạnh Tuấn (người được ghép thận) không giấu được niềm vui khi con đã được cứu sống từ ca phẫu thuật thần kỳ, nói: “Tôi rất muốn cảm ơn gia đình người hiến tạng cho con tôi nhưng bác sĩ không cho biết”. Về phần Tuấn, hiện anh thường liên lạc với một thanh niên khác cũng được nhận một bên thận người đã hiến cho hai anh, thì bảo: “Chúng tôi hỏi thăm nhau hằng ngày, dự định sau này khỏe mạnh sẽ tìm gia đình người hiến tạng để cảm ơn”.

Điều muốn làm của Tuấn cũng giống như hàng chục bệnh nhân khác đã được nhận tạng từ người chết não. Tuy nhiên, đến nay dù đã có hàng ngàn ca phẫu thuật ghép tạng thành công, trong đó có vài chục bệnh nhân được hồi sinh từ nguồn tạng của người cho chết não nhưng chưa từng xảy ra việc người nhận tạng biết được người hiến là ai và ngược lại.

_______________

Con số chưa đầy chục bệnh nhân được ghép tim thành công đã đánh dấu bước tiến của y học VN. Nhưng, đang có hàng trăm bệnh nhân được chỉ định ghép tạng phải sống trong chờ đợi.

Kỳ tới: Sống trong chờ đợi

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên