Được sống, với trái tim người khác
Phóng to |
Em Nguyễn Thị Diệp trong một lần tái khám cùng bố tại Bệnh viện 103 - Ảnh: Hoàng Điệp |
Người nhận gan của bố
Đã tám năm sau khi được ghép gan từ bố, cô bé nổi tiếng Nguyễn Thị Diệp ở Hải Hậu, Nam Định đã kịp lớn thành thiếu nữ. “Nhưng con không giúp gì nhiều được cho gia đình bởi bố mẹ chỉ mong con mạnh khỏe là được rồi”. Diệp nói, từ giọng nói đến điệu bộ vẫn non nớt như cô bé 10 tuổi. Vừa kịp bình phục sau ca phẫu thuật cắt lá lách cách đây chưa lâu, cô bé trở lại Bệnh viện 103 để tái khám cùng bố.
Dù là con gái lớn, cùng lứa tuổi với Diệp, các bạn khác đã giúp bố mẹ được rất nhiều việc nhà, nhẹ như nấu cơm đến làm đồng, nhưng Diệp thì khác. “Các bạn trong lớp đều rất thương quý và cưng chiều, nếu đến phiên con trực nhật thì có bạn khác làm thay, các bạn phải lao động nhổ cỏ, trồng hoa, quét dọn vườn trường thì con được nghỉ. Có việc gì nặng các bạn đều xúm vào làm giúp. Nếu phải nghỉ học để đi chữa bệnh lâu thì các bạn sẽ chép và giảng bài khi con về”. Còn ở nhà Diệp cũng không phải đụng tay vào bất cứ việc gì: “Việc nặng nhất mà con làm là cầm chổi quét nhà. Đến việc xách nồi cơm thì em trai cũng giành làm hộ”.
Đối với vợ chồng anh Phòng, cô con gái 18 tuổi kia vẫn chỉ như đứa trẻ 10 tuổi ngày nào. “Chỉ cần cháu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật đã là may mắn với vợ chồng tôi rồi - anh Nguyễn Văn Phòng (bố Diệp) nói - Nhìn Diệp thế thôi nhưng hay bị co giật lắm, dù bác sĩ đã điều trị nhiều nhưng vẫn không khỏi và nguyên nhân tại sao cũng chưa được rõ”.
Cũng chính vì lý do bị lên cơn co giật bất thường này mà vợ chồng anh Phòng không dám rời mắt khỏi con gái. “Những lúc ấy trông cháu như con gà mất phương hướng và giãy giụa. Thương lắm. Vậy nên vợ chồng tôi không thể đi làm ăn xa mà chỉ dám làm thuê trong xã”. Dù gắng gỏi nuôi ba đứa con nhỏ đang tuổi đi học bằng chính đồng ruộng và sức lao động của người nông dân, nhưng chưa khi nào anh Phòng để con gái thiếu thốn. “Chịu khó thì cũng đủ rau cháo và thuốc thang cho cháu”. Về tương lai của Diệp, anh Phòng khoe: “Các bác sĩ ở Học viện Quân y có hứa khi Diệp học xong THPT thì học viện sẽ đỡ đầu cho cháu vừa học vừa làm đồng thời cũng thuận tiện hơn việc chăm sóc cho Diệp”.
Phóng to |
Lê Quốc Việt sau khi ghép tim đã làm được những công việc nhẹ - Ảnh: H.Điệp |
Không ghép thì chết, ghép thì...
May mắn vì nằm trong chương trình ghép tim miễn phí do Bộ Y tế và Bệnh viện Việt Đức chủ trì nhưng vì hoàn cảnh gia đình éo le, chị Nguyễn Thị Hà (mẹ của bệnh nhân ghép tim Lê Quốc Việt) buồn bã khi nói: “Không được ghép cũng chết mà được ghép cũng bế tắc”. Sở dĩ chị Hà nói vậy bởi số tiền uống thuốc chống đào thải để duy trì cuộc sống suốt đời cho Việt quá lớn đối với thu nhập của mẹ con chị.
Trong căn nhà trống hoác, nóng như rang của đất Nghệ An, chị Hà nhìn con mà rớt nước mắt: “Không có ruộng, không có rẫy, cũng chẳng có vốn. Cả cuộc đời tôi là những vòng đi làm thuê lấy tiền nuôi các con ăn học và khôn lớn. Dù thật phúc đức khi tìm được người hiến tim có các chỉ số phù hợp với Việt, nhưng tôi không biết kiếm đâu ra tiền lo thuốc thang cho Việt với mỗi tháng 3 triệu đồng”.
Trở về sau ca ghép tim được bác sĩ đánh giá là thành công ngoài mong đợi, cả ngày Việt phải lủi thủi trong căn nhà rộng chưa đầy 20m2. Rời viện, bác sĩ dặn phải nghỉ việc hoàn toàn ít nhất 3-6 tháng, khi đi làm trở lại chỉ được làm những việc nhẹ nhàng, ăn ngủ, uống thuốc đúng giờ. “Nhưng em không thể nào ngủ được”. Việt, 25 tuổi, làm công nhân ở công ty khai thác khoáng sản với mức lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng. Khi chưa phát bệnh tim thì chi tiêu tằn tiện cũng vừa đủ, giờ chưa biết sẽ làm gì để đủ tiền uống thuốc chứ chưa nói đến lập gia đình. “Thấy mình cứ nằm không, ăn bám mẹ thế này mãi thì em không thể nào chịu đựng nổi. Nhưng bác sĩ nói dù có phục hồi hoàn toàn sức khỏe cũng chỉ nên làm việc nhẹ nhàng và uống thuốc suốt đời. Làm gì nhẹ nhàng để có thu nhập 3 triệu đồng/tháng đối với em là câu chuyện hết sức nan giải. Làm gì ra tiền, làm gì để duy trì cuộc sống và khám định kỳ tại Hà Nội?” - Việt nói.
Mỗi người một nẻo
Không quá bi đát như hoàn cảnh của Việt, anh Bùi Văn Nam, bệnh nhân đầu tiên được ghép tim ở Việt Nam, mỗi tháng phải ở bệnh viện 15-20 ngày để điều trị. Là bệnh nhân đầu tiên ghép tim thành công nên anh Nam được hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí khám chữa bệnh và uống thuốc chống thải loại. “Nhưng mình phải tự túc tiền ăn chứ” - anh Nam nói. Để tự túc được khoản hơn 2 triệu đồng/tháng (cả tiền đi lại từ Nam Định lên Hà Nội), chị Phạm Thị Láng (48 tuổi, vợ anh Nam) phải bỏ lại ruộng đồng ở quê để lên Hà Nội làm giúp việc. Gia đình mà chị Láng làm thuê kinh doanh gạo nên ngoài việc lau dọn nhà cửa, nấu nướng, chăm sóc em bé thì chị Láng còn phải đi đưa gạo. “Hơn một năm nay rồi tôi chỉ về nhà vào dịp tết bởi phải đi làm đủ ngày để chủ nhà trả đủ cho 2,5 triệu đồng/tháng. Có 2,5 triệu đồng nhưng chỉ được chi dùng cho mình 300.000 đồng cho tất cả mọi sinh hoạt cá nhân và hiếu hỉ dưới quê”.
Không chỉ một mình chị Láng phải rời nhà mưu sinh để duy trì sự sống cho anh Nam mà hai đứa con (một trai, một gái) cũng phải đi làm để đỡ đần bố phần nào. “Con gái học xong ngành kế toán và giờ đang làm việc trên TP Nam Định, thỉnh thoảng cuối tuần chạy về nhà thăm bố. Nó cũng đến tuổi lập gia đình rồi, cũng có người đến xin rồi nhưng gia đình tôi chưa cho vì còn phải đỡ đần bố mẹ một thời gian nữa”. Vừa bê bao gạo nặng 20kg lên xe đạp, chị Láng vừa nói thế. Không giấu được giọt nước mắt rỉ ra bên khóe mi. Nhắc đến các con, chị Láng không thể không xúc động bởi đã gần hai năm nay đứa con trai đi học tại TP.HCM chưa được về nhà do không có tiền.
-------------------------------------------------
“... Hiến một phần thân thể của cháu tôi để có thể cứu được mấy mạng người thì đó là việc nghĩa nên làm. Một phần thân thể của cháu như vẫn còn sống đâu đó giữa cuộc đời này...”.
Kỳ tới: Như vẫn còn sống đâu đó
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận