Những ông cha, bà mẹ quê bao năm vẫn nhặt nhạnh, chi li từng đồng, gói ghém đưa con đến giảng đường. Cánh cửa ĐH giờ không còn xa vời vợi như xưa. Chắc cũng ít người còn cảm giác “ngó một tí cũng được, xem trường ĐH thế nào”. Cánh cửa ĐH mở toang khi nhiều trường nát óc nghĩ ra trăm kiểu khuyến mãi, miễn là kéo được thí sinh vào.
Dầu vậy, đứng trước cánh cửa ĐH, không ai giấu được sự căng thẳng. Kể cả những bậc phụ huynh ở vòng ngoài cũng thấp thỏm đứng ngồi không yên. Phía bên trong, niềm kỳ vọng lớn lao của họ đang căng mình để làm bài tốt nhất.
Ai cũng biết tính chất nghiêm túc của kỳ thi ĐH, nhưng không ai dám “vạ miệng” nói đây là kỳ thi “cực sạch”. Có vẻ tuyển sinh ĐH vẫn là “nồi cơm” chính của các trường, khi nhiều trường bao năm qua bất chấp việc bị xử phạt hàng trăm triệu đồng để cố tuyển vượt chỉ tiêu. Những phòng chấm thi vẫn chứa đầy bí mật khi câu chuyện “vào trường này, trường kia phải biết điều” vẫn được các bậc phụ huynh rỉ tai, truyền kinh nghiệm cho nhau mỗi mùa thi về.
Chẳng nói đâu xa, ngay kết quả chấm thẩm định tuyển sinh năm 2012, từ hơn 1.400 bài thi tự luận, Bộ GD-ĐT đã phát hiện công tác chấm thi của nhiều trường có sai sót, chưa nghiêm túc, không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài, có thể khiến bài thi bị sai lệch điểm số. Giải pháp tức thời được đưa ra cho năm 2013 là các trường phải chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận trước khi bộ cho chấm thẩm định độc lập sau đó. Đành rằng phương án này làm cho những sai sót nếu có sẽ không chỉ dồn vào vai người chấm, mà tăng thêm trách nhiệm kiểm soát của nhà trường. Song, sau những ồn ào của một giải pháp kiểm soát chấm thi mới thì nhiều trường lại cười xòa: dù chấm kiểm tra độc lập, khác với ban chấm thi bình thường, nhưng rốt cuộc vẫn người của trường mình, cùng sống chung một bầu trời, liệu ai dám “vạch áo cho người xem lưng”?
Lâu nay, giáo dục ĐH phải gánh nhiều trách nhiệm từ hệ lụy của nền giáo dục phổ thông quá nhiều bất cập. Không thể xét tuyển bằng kết quả phổ thông có giá trị tin cậy thấp, việc thi tuyển ĐH lại bị cho là rườm rà, tốn kém. Những đổi thay tích cực của Bộ GD-ĐT cho tuyển sinh ĐH đang gieo hi vọng về một sự đổi mới toàn diện thi cử có thể “về đích” sớm. Có lẽ cũng chẳng còn lâu nữa, cảnh “lều chõng đi thi” của sĩ tử thời nay sẽ lùi vào quá vãng. Lời hứa của Bộ GD-ĐT về đổi mới tuyển sinh sau năm 2015 chắc không khó để thành hiện thực khi ngay sau kỳ thi “ba chung” này, kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ được thí điểm ở những trường ngoài công lập có phương án khả thi. Nhưng dẫu thi chung hay thi riêng, cái đích cuối cùng vẫn phải là lựa chọn được thí sinh xứng đáng, không vì “nồi cơm” của ai đó mà làm mất đi sự nghiêm cẩn, đàng hoàng của chốn học đường.
Cần sự công tâm, nghiêm túc trong giáo dục để giọt mồ hôi của những ông cha, bà mẹ tảo tần ngóng theo bước chân con thành nụ cười hạnh phúc; để sự học được tôn vinh như niềm hi vọng không bao giờ tắt của một đất nước còn nhiều gian nan phía trước. Trách nhiệm đặt lên vai những người giữ trọng trách của nền giáo dục, từng giám thị, giám khảo của kỳ thi: làm sao giữ được niềm tin về một dân tộc vẫn luôn trọng sự học, nâng niu, ấp ủ từng hạt giống nhân tài cho mùa gặt tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận