21/07/2019 14:00 GMT+7

Như gió thoảng qua

LA THỊ ÁNH HƯỜNG
LA THỊ ÁNH HƯỜNG

TTO - Căn phòng của My ở cuối dãy chung cư. Đoạn hành lang đã hẹp, có khúc còn phải lách người do vướng tay lái chiếc xe đạp. Khiếp, chẳng lẽ mỗi lần đi về phải khiêng xe qua cầu thang để lên tầng 1 này? Mệt chết.

Như gió thoảng qua - Ảnh 1.

Vậy mà họ vẫn chọn mệt hơn là đóng mấy chục ngàn tiền gửi xe tháng. Ở đây toàn người nghèo.

Ở đây còn có ma - Kim, cháu gái My, nói vậy. Hôm Kim chở My đến xem nhà, nó nói thấy bóng người múa may sau song cửa, lúc đó mới 3 giờ chiều chứ mấy. Nó sợ quá dụi mắt mấy lần, nhìn lại thì không thấy đâu nữa. 

Rồi nó còn kể lúc lên sân thượng ở tầng 3, nó nghe tiếng hát ma mị lắm. Nó kết luận: "Con không dám ở đây với dì đâu nha!".

Hôm My tới nhận nhà, Kim không đến cùng thật! Lúc đi qua dãy hành lang, tự dưng My thấy lạnh dù trước đó đến đây nhiều lần cô không hề có cảm giác này. My cắm cúi đi thẳng, không dám nhìn vào ô cửa sổ song sắt. 

Đến khi My ngẩng đầu lên thì giật thót: một bà lão tóc trắng lơ thơ nửa búi nửa xõa, không rõ người hay ma. Giữa khoảnh khắc của phản xạ tự nhiên, hoặc là hét lên, hoặc là lùi về phía sau thì My kịp thấy nụ cười tươi của bà lão.

"Đến nhà mới là phải cúng kiến trước khi vô nhà nha con. Có kiêng có lành, con à!". Thì ra bà đứng đợi chỉ để nhắc My như vậy. Bà là hàng xóm, ở căn hộ đối diện phòng My. Hôm đó, bà còn kéo tay My qua phòng bà cho biết. 

Căn phòng hơn 20 mét vuông nhưng rộng thênh thang vì chỉ có bức ảnh treo tường khổ lớn. Trong ảnh là một thiếu nữ mặc trang phục cải lương, thần thái rất có sức sống. Chỉ có điều bức ảnh to quá khổ nên khá kệch cỡm, không phù hợp với căn phòng.

Nhưng bà không quan tâm người khác đang nghĩ gì, hồ khởi khoe: "Bà hồi trẻ đó! Đẹp không?". My à lên: "Bà là nghệ sĩ hả?". Bà cười móm mém: "Không, bà chỉ là người phụ thay trang phục cho nghệ sĩ. 

Bữa đó, mượn bộ đồ mặc vào chụp hình thôi!". Rồi bà lặp lại: "Mà thấy đẹp không?". My nhìn vẻ hồn nhiên ít thấy của một bà lão, cô hình dung ra mình ở tương lai, làn da này, cái lúm đồng tiền này rồi sẽ chỉ hóp sọp lại khi hàm răng dần rụng hết, như bà lão. Nhưng chắc gì nụ cười lạc quan đó My có thể giữ?

Bà lão sống với con gái nhưng My rất ít thấy con gái bà. Chỉ có bà quanh quẩn bên xe bánh mì trước chung cư từ sáng sớm đến tối mịt. Tổ trưởng chung cư ưu tiên một phần chỗ để xe cho bà mưu sinh. 

Hơn 80 tuổi mà không nơi nương tựa, nếu không cho bán thì bà lấy gì sống? Dù vậy, bà cũng không ta thán hay than khổ kể nghèo gì với ai. Ai thương cho tiền thì bà lấy, nhưng bà cũng nhét cho ổ bánh mì ú ụ thịt bảo xách về ăn.

Mỗi lần mua bánh mì của bà, My thường ngồi ăn tại chỗ. Bà cũng quen, thấy My là kéo cái ghế chồng đôi ra cho My ngồi. Bà kể đủ thứ chuyện thời trẻ. Hóa ra, cả chung cư này ngày xưa là nơi ở của đoàn cải lương. Ngót nghét cũng hơn 50 năm rồi, hèn gì mà nó cũ nát, có những đoạn bậc thang bị bào mòn, lõm vào.

Một lần, My đánh liều hỏi: "Ở đây có ma không bà?". Bà lão bật cười, vẫn kiểu cười nhìn vô lo: "Là bà "múa cột" đó! Khổ lắm, hơn 80 tuổi, bị lẫn rồi. Con cháu nhốt hẳn trong nhà luôn. Hồi trẻ bà ấy hát rất hay và giỏi trong màn biểu diễn múa cột. Đến khi lẫn, thỉnh thoảng vẫn đứng múa may, có khi còn hát nữa".

Kể cả không ăn bánh mì, My vẫn thích ra ngồi cạnh nghe bà kể chuyện. Dạo này My còn canh gần đến giờ dọn dẹp lại xuống phụ bà những việc lặt vặt. Hôm nay cũng vậy, My phụ bà dẹp cái bếp, lau tủ kiếng, quét vụn bánh mì... 

Phần việc sau cùng của bà là xếp gọn ghế bố lại. Nhưng hôm nay bà không làm vậy, bà trải hẳn ghế bố ra. Nhìn vẻ ngạc nhiên của My, bà xua tay: "Con gái nó vướng đề đóm, bán nhà rồi. Bà ngủ ở đây!". Vẫn giọng lạc quan như chỉ là chuyện nhỏ thôi, ngủ đâu cũng được… Đêm đó, sau khi thuyết phục bà lên ngủ nhưng không thành, My cũng thức trắng.

Bà chính thức mất nhà. Hôm My đi làm về đã thấy tài sản duy nhất của bà là tấm ảnh dựng ngoài hành lang. Cửa khóa ngoài. Tổ trưởng cũng xuống xác minh sau một đêm hay tin bà lão ngủ tại xe bánh mì. 

Trong lúc đang tụm năm tụm ba hỏi thăm thì bà đi lên, giọng vẫn tỉnh queo, nhưng là bà than: "Cái chân mỏi rồi, đi cầu thang khó khăn nên bà ngủ dưới đó luôn cho tiện". Đó là vì bà đã hay tin tổ trưởng khuyên bà lên hành lang nằm ngủ để tránh mưa gió. Bà kiên quyết lắm nên xem như mọi thứ khép lại. 

Có điều, tấm ảnh quá to, bà không thể mang xuống chỗ xe bánh mì nên gởi lại. Mà gởi ai, chẳng ai nhận vì phòng ai cũng chật, chưa kể tranh ảnh có linh hồn, của ai người ấy giữ chứ ai dám nhận. My cũng vậy.

Không bao lâu sau thì chủ mới dọn đến. Ở không gian chật hẹp này, bất cứ một người nào cũng đều muốn sở hữu trọn vẹn khoảng không, dù chỉ là hành lang trước nhà. 

Chủ mới không cho gởi tấm ảnh quá to, thà là tranh khung cảnh họ còn tận dụng treo lại, đằng này là người lạ. Gặp My, cô ta nói sẽ chở tấm ảnh đi bỏ, tiện lúc xe chở đồ đến vào chiều nay.

Chiều muộn. Gã tài xế khiêng bức ảnh đi, để lại luồng gió thoảng nhẹ. Nhẹ tênh thôi mà sao khiến My nhìn theo bùi ngùi.

Khi gã xuống tới đường thì đúng giờ kẹt xe. Gã ngồi nán lại chỗ xe bánh mì, định ăn ổ bánh mì lót dạ chờ cho đường bớt đông. Nhưng gã gọi mãi không thấy bà lão trả lời…

Một trong số những người chạm vào thân thể bà cho biết da thịt bà còn mềm lắm, chắc cũng mới đi đây thôi…

Truyện ngắn: Thằng Truyện ngắn: Thằng 'Mít' tóc vàng mắt xanh

TTO - Ông Năm đọc lá thư mà mặt ông rầu rầu. Ông buồn không vì lá thư viết sai chính tả chi chít của thằng Mít. Ông chậm rãi rót chung trà lài sóng sánh. Bà Năm ngồi sát bên, nhìn ông chăm chú: 'Thằng Mít viết cái gì vậy ông?'.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên