27/05/2019 12:18 GMT+7

Nhóm tài xế Sài Gòn dễ thương chuyên kích bình ăcquy ôtô miễn phí

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Một nhóm tài xế ở Sài Gòn tự bỏ tiền túi mua dụng cụ kích bình ăcquy ôtô, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, luôn sẵn sàng chạy đi cứu hộ bình ăcquy bị hết điện, giúp tài xế khởi động lại ôtô mà không hề lấy tiền công.

Nhóm tài xế Sài Gòn dễ thương chuyên kích bình ăcquy ôtô miễn phí - Ảnh 1.

Đại úy Đỗ Tấn Đạt (Đội cảnh sát giao thông Bàn Cờ) - một thành viên tích cực của nhóm - kích bình ăcquy cho một chiếc xe hơi - Ảnh: M.LĂNG

Nhóm hiện có hàng trăm thành viên từ Nghệ An trở vào đến Cà Mau. Mỗi tỉnh thành có ít nhất một nhóm nhỏ. Quy định của nhóm là tuyệt đối không nhận thù lao. 

"Làm mà lấy tiền thì khác gì làm dịch vụ. Mình làm theo cái tâm, ai nhiệt tình, có thời gian, có thể làm miễn phí được thì mới vô nhóm" - anh Trương Văn Minh, 36 tuổi, người thành lập nhóm, cho hay.

Để bác tài được về nhà sớm hơn

Hầu hết các thành viên đều là tài xế lái xe dịch vụ, xe khách, xe tải, taxi... Ngoài ra, nhóm còn có cả người làm kinh doanh nhỏ lẻ. Như anh Cuong Nguyen (Nguyễn Duy Cường, 37 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM), một trong những thành viên của nhóm từ ngày đầu.

Nhóm có những thành viên khá đặc biệt, như nickname Bợm Số Ba ở quận 6 (TP.HCM) là người bán vé số, từng là tài xế, bị tai nạn mất một chân, rất nhiệt tình tham gia. Anh em trong nhóm hỗ trợ một bộ kích bình để Bợm Số Ba tham gia. 

Hay anh Võ Ái Quốc ở Cần Giuộc (Long An) sáng sớm nào cũng lái xe tải nhỏ chở rau lên quận 11 (TP.HCM) bỏ mối. Bán rau xong, anh lại tranh thủ đi cứu hộ bình ăcquy nếu có tình huống. 

Trong nhóm có cả thành viên nữ, như cô bạn 9X tên Ngô Cẩm Lình ở Tây Ninh, người Việt gốc Campuchia, là tài xế chạy xe dịch vụ.

Hai năm trước, khi mới tạo nhóm, chỉ có một số người bạn của anh Minh ở khu vực TP.HCM tham gia. Về sau cứ người này rủ người kia, nay nhóm đã có khoảng 100 thành viên trải gần khắp nước. 

Các thành viên đều bỏ tiền túi mua bộ kích bình ăcquy ôtô giá 1,5-2,8 triệu đồng, tự chi tiền xăng xe đi lại. "Mình giúp được bác tài về nhà sớm hơn, xe chạy ngon lành, không phải ngủ vật vạ ngoài đường sương gió lạnh, nhất là cánh tài xế chạy xe tải, xe chở hàng, tội nghiệp lắm. Không có mình, họ phải gọi cứu hộ" - anh Minh cho hay.

Nhóm các tài xế dễ thương này kích bình ăcquy miễn phí cho xe hơi, taxi, xe tải và cả... xe container. Thậm chí có xe máy hết bình điện hoặc hết nước làm mát, bể ống nước, bể ống dầu... cũng nhờ nhóm "cấp cứu". 

"Anh em vừa làm việc mưu sinh, nhưng cũng vừa để ý "trực" kích bình. Thấy điện thoại rung là đọc thông tin cập nhật trong nhóm. Ai ở gần thì nhận. Mọi người luôn có sẵn bộ kích bình bên người, trong cốp xe. Đi đường, thấy ai mở nắp capô cũng dừng lại, tạt vô hỏi, nếu đúng là hết bình thì lấy bộ đồ nghề ra kích cho họ. Người ta đưa tiền, mình không lấy, họ ngơ ngác rồi cảm ơn. Nhiêu đấy thôi là vui rồi" - anh Minh cười bảo.

Một ngày, riêng tại khu vực TP.HCM ít thì có 4-5 "ca", nhiều có cả chục "ca". "Anh em nhiệt tình lắm - anh Minh nói - Đêm khuya hay rạng sáng, mưa gió hay nắng nóng, cứ có bác tài nào cầu cứu là anh em lại đi, kể cả những ngày nghỉ lễ, tết. Như anh Tùng Nguyễn ở Cần Thơ bất kể thời gian nào, đêm khuya hay rạng sáng, cứ gọi là chạy đi kích giúp. Nhóm anh em ở Long An mỗi lần đi kích bình trên đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM cực lắm. Kích xong phải đánh một vòng hết khoảng 50km mới về được".

"Cứ nghĩ người ta đang cần, đang chờ mình đến giúp mà đi thôi - anh Cường, thành viên của nhóm, nói - Anh em nhiều khi giành nhau đi. Giúp được ai đó là niềm vui của anh em. Mới đầu gia đình, vợ con cũng không thích, muốn hết giờ làm chồng về phụ làm việc nhà, chăm con. Sau này, vợ con cũng hiểu nên lại ủng hộ".

SOS Kích Bình

Anh Minh cho biết lý do khiến anh thành lập nhóm lại là câu chuyện truyền cảm hứng từ một... cảnh sát giao thông, được các bác tài gọi thân thương là "trùm kích bình". Đó là đại úy Đỗ Tấn Đạt, đang công tác tại Đội cảnh sát giao thông Bàn Cờ (quận 3). 

"Mình thấy việc anh Đạt làm có ý nghĩa, nhưng chỉ có một mình ảnh làm thì vất vả quá nên tạo một nhóm chat trên Facebook là SOS Kích Bình. Khi có trường hợp cần giúp sẽ đăng lên nhóm chat. Tất cả thành viên đều đọc được. Ai ở gần nhất sẽ nhận đi" - anh Minh nói. 

Đại úy Đạt cũng là một thành viên của nhóm.

Chúng tôi gặp "trùm kích bình" khi anh đang kích bình ăcquy cho một chiếc xe hơi trên đường Điện Biên Phủ đoạn quận 10. Chỉ có mấy giây, sự cố đã được giải quyết. Tài xế bắt tay cảm ơn anh cảnh sát giao thông tốt bụng, còn đại úy Đỗ Tấn Đạt thì mỉm cười, nhiệt tình bảo: "Lần sau hết bình anh cứ gọi em". 

Anh Nhan Thảo Âu, chủ nhân chiếc xe hơi, cho hay: "Tui tắt máy nhưng quên tắt máy lạnh. Vô ngân hàng làm việc, khi trở ra thì hết bình, mới nhớ ra số anh Đạt, gọi nhờ hỗ trợ".

"Những việc tụi mình làm nhỏ bé lắm. Tụi mình thấy việc mình làm có ý nghĩa, giúp ích cho mọi người thì cứ làm thôi" - anh Trương Văn Minh nói.

Thỉnh thoảng, các thành viên trong nhóm lại họp mặt, ăn uống. Họ còn đùm bọc, giúp đỡ các thành viên khi gặp chuyện không may. Vừa rồi, mẹ của anh N.N.A., một thành viên ở Bến Tre, bị tai nạn giao thông, chi phí phẫu thuật hơn 200 triệu đồng.

"Anh em nhóm kích bình ở TP.HCM gom lại được 13,5 triệu đồng. Mình đại diện nhóm mang tiền lên bệnh viện đưa tận tay cho anh A.. Khi anh em nhóm kích bình ở Cần Thơ gom được tiền gửi lên thì mẹ của anh A. xuất viện. Ảnh xin nhường lại cho T.L.C. - một thành viên nữ là tài xế chạy xe dịch vụ ở miền Bắc bị ung thư.

Rồi như hồi anh D.N.T., tài xế taxi ở Bình Phước, tông vô cột đèn, bằng lái bị giữ. Anh T. là trụ cột chính trong gia đình. Nhóm lại cùng nhau san sẻ khó khăn với thành viên của mình" - anh Minh cho hay.

Đội cứu hộ xe máy miễn phí ở cao điểm triều cường Đội cứu hộ xe máy miễn phí ở cao điểm triều cường

TTO - Vào cao điểm của triều cường, nhất là mùa mưa, đoạn đường Lê Văn Lương (từ cầu Long Kiểng đến ngã tư Nguyễn Bình, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM) là nỗi ám ảnh với người đi đường.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên