23/04/2019 11:04 GMT+7

Nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học: Cần nhất là cơ chế hợp tác

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Muốn hình thành nhóm nghiên cứu mạnh phải kết hợp nhân lực rất nhiều nơi, đồng thời có cơ chế để giảng viên của một trường đại học dễ dàng tham gia nhóm nghiên cứu của trường khác...

Nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học: Cần nhất là cơ chế hợp tác - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Trung Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, nêu ý kiến không nên hạ chuẩn các nhóm nghiên cứu để đảm bảo chất lượng - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhiều giải pháp, hiến kế để thúc đẩy việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học đã được các nhà khoa học nêu ra tại hội thảo khoa học "Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH".

Hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM sáng 22-4, thu hút sự tham dự của gần 200 nhà khoa học và quản lý các trường ĐH cả nước.

Tiềm năng công bố quốc tế của Việt Nam khá lớn

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, hiện nay các trường ĐH VN đã hội nhập quốc tế, nghiên cứu khoa học dần có bước phát triển tích cực, từ đó đã cải thiện được thứ hạng trong bảng xếp hạng ĐH thế giới và châu Á.

Về công bố quốc tế trong các nước ASEAN, VN xếp thứ tư sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. So với 5 năm trước, công bố quốc tế của VN đã tăng gấp đôi. Công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD-ĐT trong năm qua tăng 26%.

Các trường thí điểm tự chủ đã năng động hơn, tự tạo cơ chế giúp nghiên cứu khoa học phát triển. Nhiều trường có điều kiện đảm bảo thu nhập cho giảng viên, khuyến khích giảng viên nghiên cứu, không cần giảng dạy nhiều. Các trường có thể sống bằng nghiên cứu khoa học, điều này tạo ra động lực rất lớn.

"Do có cơ chế chính sách tốt, phần lớn tiến sĩ trong các nhóm nghiên cứu ở các trường này trước đây làm việc ở ngoài hoặc những người học ở nước ngoài về đầu quân cho nhà trường. Từ đó hình thành nên các nhóm nghiên cứu ở các trường" - ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cho rằng tiềm năng về khoa học công nghệ nói chung và công bố quốc tế của VN khá lớn. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học thì không chỉ một mình Bộ GD-ĐT đáp ứng hết được vì có nhiều bộ ngành liên quan.

"Trong xếp hạng ĐH quốc tế, tiêu chí về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, danh tiếng về khoa học rất "nặng". Do vậy, trường nào nghiên cứu yếu sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc xếp hạng. Hệ thống ĐH VN muốn sánh vai với ĐH các nước cần phải chú trọng công tác nghiên cứu khoa học" - ông Phúc nhấn mạnh.

Không cần tiền, mà cần cơ chế

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng hiện nay các trường ĐH phải tập trung phát triển nghiên cứu. Các trường ĐH không thể đứng một mình mà phải phối hợp với các trường khác, không chỉ phối hợp giữa các trường trong nước mà phối hợp cả với các nhóm nghiên cứu nước ngoài.

"Như phòng thí nghiệm điện tử công suất của trường chúng tôi hiện phối hợp với nhóm nghiên cứu bên Hàn Quốc, riêng học kỳ vừa qua đã có hơn 10 bài báo ISI từ phòng thí nghiệm này. Trong khi đó, hiện đang có tình trạng lãng phí trong đầu tư các phòng thí nghiệm.

Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm đầu tư vài chục triệu USD sau 3 năm đã bị hư hỏng, có năm có một nhóm nghiên cứu sử dụng phòng thí nghiệm trong một tháng... Chúng tôi không cần tiền, mà cần cơ chế để hợp tác" - ông Dũng nói.

Tương tự, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng sự phát triển của nhóm nghiên cứu hiện nay không chỉ dừng trong phạm vi một đơn vị đào tạo, mà có sự kết nối và mở rộng quy mô, thu hút các thành viên ở các đơn vị đào tạo ĐH khác trong và ngoài nước tham gia.

"Để khắc phục những hạn chế tồn tại, thu hút được nhân tài, đáp ứng được xu thế phát triển và vận động khách quan của các nhóm nghiên cứu, chúng tôi kiến nghị Nhà nước, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH.

Các nhóm nghiên cứu cũng có quy mô, trình độ và thành tích nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu, uy tín và khả năng kết nối, hợp tác trong và ngoài nước rất khác nhau, vì vậy các chính sách cũng cần phù hợp với từng đối tượng để đầu tư không lãng phí, tránh cào bằng..." - ông Đức kiến nghị.

TS Cao Tiến Dũng, trưởng phòng khoa học công nghệ Trường ĐH Tân Tạo, cho rằng hiện chưa nhìn thấy thực trạng bao nhiêu trường ĐH ở VN có đủ nhân lực để thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh.

Theo ông, muốn hình thành nhóm nghiên cứu mạnh phải kết hợp nhân lực rất nhiều nơi, trong khi hiện nay chúng ta chưa tập trung được nhân lực. Giảng viên của một trường muốn tham gia nhóm nghiên cứu của trường khác rất khó vì cơ chế không cho phép. Làm sao phải tận dụng được nhân lực từ bên các viện khoa học công nghệ.

Không hạ chuẩn

Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Trung Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu mạnh thì số lượng phải ít mới mạnh được, nếu đại trà thì sẽ không còn mạnh được nữa. Vì vậy, ông kiến nghị không nên hạ thấp chuẩn của nhóm nghiên cứu mạnh.

Về cơ chế chính sách cho các nhóm nghiên cứu, ông Dũng cho biết: "Các trường có thể tự xây dựng quy định riêng để chuẩn hóa các nhóm nghiên cứu và có thể quản lý được. Tất cả quy định về giờ dạy và một số chế độ liên quan các trường có thể đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ. Đó là quyền tự chủ các trường ĐH hoàn toàn có thể làm được".

Gần 17% giảng viên chưa từng tham gia hội nghị quốc tế Gần 17% giảng viên chưa từng tham gia hội nghị quốc tế

TTO - Thông tin trên được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố tại hội thảo khoa học 'Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học'.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên