GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng do các nhóm nghiên cứu có vai trò rất quan trọng trong công bố quốc tế - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức đang diễn ra sáng nay 22-4, tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học và quản lý các trường đại học cả nước.
Theo kết quả khảo sát của nhóm thực hiện đề tài với 216 giảng viên là các TS, TSKH, PGS, GS ở 40 trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, có hơn 58% khẳng định đang tham gia các nhóm nghiên cứu; 2,2% trả lời không có nhu cầu tham gia nhóm nghiên cứu và 17,5% cho biết chưa rõ lợi ích của việc tham gia các nhóm nghiên cứu.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số lượng công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu còn khá khiêm tốn. Có 37,5% số thầy cô được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus. Số giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ 34,2%.
Đáng chú ý, có đến 16,7% cán bộ giảng viên được hỏi trả lời chưa từng tham gia hội nghị quốc tế nào (được tổ chức ở trong cũng như ngoài nước).
"Nguyên nhân chính của những hạn chế tồn tại trên xuất phát từ chủ quan của các giảng viên còn chưa ý thức được đầy đủ việc gắn kết công tác đào tạo với nghiên cứu, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn thông qua nhóm nghiên cứu", GS Đức nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay bộ đang tập trung đề xuất xây dựng các nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục đại học.
"Đây là cơ hội rất tốt để thúc đẩy hoạt động chung của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có hoạt động khoa học và công nghệ. Tại hội thảo này, các nhà khoa học sẽ trao đổi, thảo luận và góp ý vào các dự thảo cơ chế, chính sách mới trên", ông Phúc cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận