23/11/2018 09:48 GMT+7

Trách nhiệm nghiên cứu ở... trường đại học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Hội nghị chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2018 diễn ra mới đây rất "nóng" với vấn đề nghiên cứu trong trường ĐH.

Trách nhiệm nghiên cứu ở... trường đại học - Ảnh 1.

Nghiên cứu viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm việc trong phòng thí nghiệm của trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tại đây, nhiều chuyên gia thẳng thắn rằng một trường ĐH không chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng viên không chịu nghiên cứu thì đó chưa phải là trường ĐH. 

Nghiên cứu khoa học là mảng quan trọng tạo nên danh tiếng của một trường ĐH. Những thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học của trường ĐH được đánh giá là một yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo.

Khi đánh giá về uy tín của trường ĐH, người ta cũng thường chú ý nhiều đến khía cạnh nghiên cứu. Trên thực tế rất hiếm có trường ĐH đẳng cấp quốc tế mà không đồng thời là trường mạnh về nghiên cứu khoa học. Vai trò của nghiên cứu khoa học trong trường ĐH là rất lớn, không chỉ đối với riêng nhà trường mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

Thực tế những giảng viên nghiên cứu tốt, có nhiều sản phẩm khoa học cũng là những người dạy có uy tín. Đội ngũ giảng viên có chất lượng chủ yếu là yếu tố quan trọng bậc nhất để nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng giảng viên thì không thể rời hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Nghiên cứu khoa học đối với giảng viên còn là hoạt động biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Đây cũng là cơ sở cần thiết để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và là công cụ quan trọng để định hướng công tác giáo dục.

Các trường ĐH Việt Nam hiện nay đều xác định nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chính của giảng viên. Tuy nhiên, thực tế không ít giảng viên ở nhiều trường chỉ dồn sức "chạy show" giảng dạy, thậm chí có những tiến sĩ vài năm không tham gia nghiên cứu, không có bài báo khoa học, đặc biệt là các công bố quốc tế. 

Không chỉ ở giảng viên, tại nhiều trường phần nghiên cứu khoa học rất mờ nhạt, thời gian phần lớn dành để bàn về quy chế tuyển sinh, đào tạo quá nhiều.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia kiến nghị cần xây dựng và hoàn thiện quy chế quy định quyền và nghĩa vụ của giảng viên, quy rõ trách nhiệm trong thực hiện các công việc, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Ngoài ra, để nghiên cứu khoa học của giảng viên đạt hiệu quả, Bộ GD-ĐT cũng cần có quy định rõ chuẩn giờ giảng giảm bớt nhằm tránh tình trạng giảng viên chú trọng quá nhiều vào giảng dạy.

Bên cạnh đó, các trường ĐH cần nhanh chóng tập trung dành thời gian, công sức xây dựng chiến lược khoa học công nghệ bài bản. Các nhiệm vụ nghiên cứu cần gắn với quy hoạch công tác đào tạo, tránh tình trạng nghiên cứu một đằng đào tạo một nẻo, gây lãng phí nguồn lực. 

Hoạt động nghiên cứu phải từng bước có chiến lược và thiết thực, đưa ra được cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho cán bộ giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, các nhiệm vụ khoa học công nghệ dựa trên kết quả đầu ra.

Việc thí điểm khoán kinh phí căn cứ trên sản phẩm đầu ra là một trong các giải pháp vô cùng quan trọng nhằm tạo môi trường thông thoáng và hiệu quả, giúp khơi nguồn và phát huy sức sáng tạo khoa học trong trường ĐH.

Giảng viên không chỉ dạy mà phải nghiên cứu Giảng viên không chỉ dạy mà phải nghiên cứu

TTO - Đó là một trong những kiến nghị được nêu ra tại hội nghị chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2018 diễn ra ngày 21-11.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên