07/11/2018 07:24 GMT+7

Trường đại học vất vả chạy theo... trí tuệ nhân tạo

LÊ THANH HẢI (Theo New York Times)
LÊ THANH HẢI (Theo New York Times)

TTO - Thiết kế chương trình dạy riêng, mở phòng thí nghiệm... các đại học khắp nước Mỹ đang vất vả tìm cách tốt nhất để dạy sinh viên về trí tuệ nhân tạo.

Trường đại học vất vả chạy theo... trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

GS Shawn Blanton (trái) đang giảng dạy về trí tuệ nhân tạo tại ĐH Carnegie Mellon ở Pittsburgh - Ảnh: New York Times

Khoảng 18 tháng trước, Shawn Blanton - giáo sư môn kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, đã gặp một số sinh viên sau đại học của mình để thiết kế lại khóa học về trí tuệ nhân tạo (AI).

"Chúng tôi cần phải thay đổi khóa học này để làm cho nó có liên quan hơn với cuộc sống bên ngoài", ông nói.

Bỏ ra cả tỉ đô vì AI

Chỉ mới ba năm sau khi giáo sư Blanton bắt đầu lớp học này, trí thông minh nhân tạo giờ đây có mặt khắp mọi nơi, từ những thứ tưởng tượng chỉ có trong phim ảnh đến thực tế sử dụng hàng ngày, nên các trường đại học trên khắp nước Mỹ đang vất vả tìm ra những cách tốt nhất để dạy nó.

Năm nay, Carnegie Mellon cho biết họ đã trở thành trường đại học đầu tiên ở Mỹ cung cấp một chương trình riêng biệt về AI. Tháng trước, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) cũng công bố kế hoạch thành lập một trường đại học cho AI, với vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD.

Và việc mở rộng không chỉ ở các trường khoa học và công nghệ hàng đầu của Mỹ. Đại học Rhode Island vào mùa thu này đã mở một phòng thí nghiệm AI do thư viện của họ điều hành.

Nhưng sự tăng trưởng này cũng đồng nghĩa với những thách thức mới, như phải tìm ra cách dạy môn học này theo cách dễ hiểu đối với những người không theo chuyên ngành khoa học máy tính; giải quyết các vấn đề về đạo đức do công nghệ tạo ra như quyền riêng tư và chuyển đổi việc làm...

Emily Fox - giáo sư về khoa học máy tính, kỹ thuật và thống kê tại Đại học Washington, cho biết: "Chúng tôi phải bắt đầu dạy cho các sinh viên - những người sẽ hành nghề và sử dụng trong phạm vi rộng của AI, chứ không chỉ là các nhà khoa học máy tính".

Giáo sư Fox đã phát triển một khóa học AI dành cho dân không chuyên và đã được áp dụng lần đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái. Để đủ điều kiện theo học, sinh viên phải hoàn thành các khóa học về xác suất và lập trình cơ bản.

Và điều bất ngờ là bà đã phải giới hạn việc ghi danh ở con số 110 sinh viên vì khóa học này nhận được sự quan tâm rất lớn.

Demi Tu - một sinh viên năm cuối khoa công nghệ thông tin tại Đại học Washington, cho biết mình đã nắm bắt những gì được dạy trong lớp học của giáo sư Fox và có thể theo đuổi nó sau đại học.

"Trước khi tham gia lớp học, tôi không biết AI là gì. Tôi chỉ muốn được tiếp cận ở mức cơ bản, nhưng lớp học đã thực sự mở ra một con đường khác cho tôi", Tu nói.

Nhiều thách thức từ AI

Trường đại học vất vả chạy theo... trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

Bên trong không gian sáng chế Tech Spark tại ĐH Carnegie Mellon - Ảnh: New York Times

Năm nhất đại học có thể đã là quá muộn để bắt đầu dạy AI. Vào năm 2015, Fei-Fei Li - giám đốc phòng thí nghiệm AI của Đại học Stanford và Phòng thí nghiệm Tầm nhìn Stanford, đã bắt đầu một chương trình hè ba tuần dành cho học sinh trung học, tập trung vào việc cung cấp sự tiếp xúc sớm với AI cho các nữ sinh.

Sau đó, cô đồng sáng lập AI4ALL, một tổ chức phi lợi nhuận. Năm nay, sáu trường đại học đã điều hành các chương trình tiếp xúc với công nghệ dành cho học sinh trung học, đặc biệt là nữ giới, học sinh da màu và những em đến từ các vùng nông thôn.

Về phần mình, Đại học Rhode Island đã cố gắng làm cho AI dễ tiếp cận hơn với nhiều sinh viên bằng cách mở phòng thí nghiệm ngay trong thư viện của họ. Ở đó, sinh viên được cung cấp các máy trạm để học tập trong các lĩnh vực như robot, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhà thông minh, cũng như để thiết kế những dự án của riêng các em.

Ngoài ra còn có một không gian nơi mà sinh viên, giảng viên và các thành viên cộng đồng có thể học hỏi, thảo luận và tranh luận về đạo đức và tương lai của AI.

Levent Burak Kara - một giáo sư môn kỹ thuật cơ khí tại Carnegie Mellon, lưu ý: "Có một sự căng thẳng trong việc giảng dạy AI, giữa hai vấn đề: đảm bảo người học hiểu được về môn này và những gì mà ngành công nghiệp muốn".

Cạnh đó, các nhà giáo dục trên khắp nước Mỹ đang phải "vật lộn" với các vấn đề đạo đức do AI mang lại như sự riêng tư, an ninh, chuyển đổi việc làm...

Nhiều giáo sư và sinh viên còn cho rằng cần phải làm nhiều điều hơn trong các lớp học AI - chứ không chỉ trong các khóa học đạo đức riêng biệt, để đảm bảo rằng sinh viên sẽ trở thành những người có ý thức sâu sắc về vai trò của AI.

"Ví dụ, chúng ta nghĩ rằng trong 20 năm tới những chiếc xe tự lái sẽ lăn bánh trên đường, nhưng theo đà hiện nay thì điều đó sẽ sớm hơn rất nhiều. Chúng ta cần chính sách - nếu chiếc xe đó đụng phải người đi bộ, thì ai chịu trách nhiệm?", Dillon Pulliam - người đang học thạc sĩ về kỹ thuật điện và máy tính tại Carnegie Mellon, bày tỏ ý kiến.

Trung Quốc dùng trí tuệ nhân tạo chấm bài luận của học sinh Trung Quốc dùng trí tuệ nhân tạo chấm bài luận của học sinh

TTO - Gần 1/4 trường học ở Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ chấm điểm bài luận có khả năng đánh giá mọi thứ từ văn phong, kết cấu bài viết cho đến yếu tố lô gích… và đưa ra lời phê tương tự giáo viên.

LÊ THANH HẢI (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên