27/10/2022 13:45 GMT+7

Nhờ ứng dụng y tế thông minh, hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ thoát tàn phế

THU HIẾN - CẨM NƯƠNG
THU HIẾN - CẨM NƯƠNG

TTO - Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), nhờ ứng dụng y tế thông minh, hàng ngàn bệnh nhân bị đột quỵ thoát cảnh tàn phế, trở lại cuộc sống bình thường.

Nhờ ứng dụng y tế thông minh, hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ thoát tàn phế - Ảnh 1.

Tham dự đoàn giám sát ngoài thành viên Ban Văn hóa - Xã hội còn có các sở ngành khác như Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ... cùng lãnh đạo bệnh viện, đại diện đội ngũ y bác sĩ - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Sáng 27-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại Bệnh viện Nhân dân 115 về tình hình triển khai thực hiện Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.

Tại buổi giám sát, bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết trong giai đoạn thực hiện đề án y tế thông minh, bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong điều trị ngoại trú và nội trú.

Cụ thể là tăng cường công tác số hóa, chuyển đổi thanh toán điện tử; ứng dụng công nghệ trong đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nhiều phần mềm đã được ra đời như: quản lý giường bệnh, quản lý sự cố sai sót và báo cáo sự cố sai sót…

Đồng thời bệnh viện còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị đột quỵ bằng phần mềm RAPID của Đại học Standford, Hoa Kỳ.

"Đây là phần mềm điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân nhồi máu não trong cửa sổ thời gian đến 24 giờ thay vì trong vòng 6 giờ như trước đây. Qua đó giúp hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ thoát cảnh tàn phế, trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Sóng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh các bước tiến đạt được, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết hiện tại bệnh viện đang gặp khó khăn khi nguồn nhân lực công nghệ thông tin y tế còn thiếu; chế độ chính sách đãi ngộ thu hút nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin không cao.

Ngoài ra, hạ tầng, trang thiết bị cũng đang trong tình trạng phát triển riêng rẽ, thiếu đồng bộ giữa các đơn vị, do đó khó tích hợp và tương thích theo xu hướng phát triển phần mềm.

Bác sĩ Sóng đề xuất cần bổ sung ngân sách đầu tư hạ tầng và ứng dụng các phần mềm y tế thông minh cho các bệnh viện và triển khai các chính sách đãi ngộ đối với nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin.

Đối với công tác nâng cao nhân lực, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay sở đã có công văn dự trù công tác đào tạo về mảng an ninh bảo mật, quản lý vận hành bệnh viện ứng dụng vào năm 2023.

Sắp tới sẽ có nhiều buổi tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề và dự kiến cuối tháng 11-2022, sở sẽ có hội thảo về công tác chia sẻ dữ liệu.

Bác sĩ phải được tập trung chuyên môn

IMG_3477 (2)

Ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM - phát biểu kết luận buổi giám sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM - đề nghị bệnh viện đầu tư quan tâm quản lý trung tâm dữ liệu, thực hiện theo chuẩn quốc tế, kịp thời điều chỉnh bổ sung nâng cấp theo chuẩn chung.

Vấn đề bệnh án điện tử phải được tiếp tục quan tâm, thực hiện theo đúng đề án của Bộ Y tế, tích hợp thẻ thông minh, quan tâm đến quy trình bệnh viện thực hiện.

“Ứng dụng y tế thông minh một cách tốt nhất để bác sĩ không làm việc không tên khiến thời gian nghiên cứu chuyên sâu bị giảm, giúp bác sĩ tập trung chăm sóc bệnh nhân, tập trung chuyên môn. Đồng thời quản lý hệ thống bảo mật phải tốt, trao đổi định kỳ với ngành công an có cơ chế chặt chẽ”, ông Bình cho biết.

Thiếu nhân sự chất lượng để thực hiện đề án y tế thông minh Thiếu nhân sự chất lượng để thực hiện đề án y tế thông minh

TTO - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh viện có 12 nhân sự công nghệ thông tin nhưng phải quản lý gần 700 máy tính, đây là một thách thức khi triển khai đề án y tế thông minh.

THU HIẾN - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên