20/10/2022 05:45 GMT+7

Bệnh viện vướng mắc khi thực hiện đề án y tế thông minh: không kinh phí, không nhân lực vận hành

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Nhiều bệnh viện đang bước vào giai đoạn triển khai hàng loạt hoạt động trong đề án y tế thông minh hỗ trợ cho người bệnh nhưng lại gặp khó khăn như không có kinh phí, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống.

Bệnh viện vướng mắc khi thực hiện đề án y tế thông minh: không kinh phí, không nhân lực vận hành - Ảnh 1.

Người bệnh đăng ký khám bệnh qua hệ thống ki ốt được đặt trước Bệnh viện Hùng Vương - Ảnh: THU HIẾN

"Dự án phát triển an ninh mạng và WiFi của bệnh viện vẫn chưa hoàn thành, đây là một trong những trăn trở lớn nhất mà tôi đã đeo bám ba năm vẫn chưa đạt được do nhiều yếu tố như không có hạ tầng công nghệ thông tin thì không thể làm gì được" - bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ.

Lo hồ sơ bệnh án bị lộ

Bệnh viện Hùng Vương là một trong các bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM triển khai hệ thống quản lý bệnh viện bằng công nghệ thông tin, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra về y tế thông minh.

Bà Tuyết cho biết bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các ứng dụng y tế thông minh. Mặc dù đã có phòng công nghệ thông tin, tuy nhiên số lượng nhân viên để vận hành hệ thống lại đang thiếu hụt trầm trọng vì không tuyển được nhân lực.

"Bệnh viện rất khó tìm đội ngũ công nghệ thông tin có năng lực cao, nguyên nhân chính là do lương thấp hơn rất nhiều so với bên ngoài.

Chính vì không có nhân lực chuyên môn cao, toàn bộ thông tin của bệnh nhân nếu không có an ninh mạng có thể dẫn đến lộ thông tin, vi phạm pháp luật. Bệnh viện đã có kế hoạch xin phép xây dựng hệ thống nhưng tiền đầu tư lên đến chục tỉ, chưa thực hiện được vì không có kinh phí", bà Tuyết nói.

Bà Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - chia sẻ hiện nay viện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đề án y tế thông minh như đồng bộ về phần mềm, điển hình như căn cước công dân có tích hợp bảo hiểm y tế khi bệnh nhân đến quét lại rất lệch, viện đang cố gắng xây dựng bệnh án điện tử nhưng phải chạy song song với bệnh án giấy.

"Viện gặp khó khăn khi tuyển nhân lực cho hệ thống công nghệ thông tin, lương cho đội ngũ tay nghề cao này rất cao mà bệnh viện chỉ có thể trả lương thấp, do đó họ rất khó trụ, có người thử việc xong lại nghỉ", bà Lan nói.

Theo bà Lan, khi triển khai y tế thông minh điều lo lắng nhất là hệ thống bảo mật, một khi làm bệnh án điện tử phải bảo mật thông tin cho bệnh nhân, giữ được số liệu và tính hiệu quả, hiện viện đang đăng ký gói máy chủ để lưu giữ thông tin.

Không có nguồn lực để triển khai

Ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) - cho biết khi ứng dụng y tế thông minh vào bệnh viện sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của nhân viên, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm được kinh phí.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hệ thống y tế thông minh này hiện nay rất tốn kém, đến nay bệnh viện vẫn chưa biết sẽ lấy kinh phí từ nguồn nào để đầu tư rồi sẽ thu lại từ đâu.

"Thành phố đã cho phép có thể xã hội hóa vay vốn kích cầu, đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin nhưng chưa có pháp lý để thu tiền. Đến nay bệnh án điện tử chỉ mới áp dụng thí điểm một số điểm ở các nơi trong bệnh viện.

Dự kiến đến năm 2023 tất cả các bệnh viện hạng một sẽ phải hoàn thành bệnh án điện tử nhưng kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin rất tốn kém. Nếu muốn hoàn thành phải tốn ít nhất thêm vài chục tỉ, nhưng chúng tôi lại không có nguồn kinh phí", ông Khanh nói.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề xuất tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp công nghệ thông tin trong cơ cấu giá; cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với công nghệ thông tin cần rõ ràng và chi tiết; chế độ lương, đãi ngộ cho nhân viên công nghệ thông tin làm việc tại các bệnh viện để thu hút nguồn lực...

Ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại các bệnh viện hiện nay hạ tầng cơ sở quá cũ kỹ, hệ thống công nghệ thông tin không tương xứng với kế hoạch, quy mô, tầm vóc của ngành y tế. Những phần mềm ứng dụng của hệ thống y tế chưa có tiếng nói chung, ngôn ngữ chung.

Một trong những vấn đề lớn đáng quan tâm hiện nay là bảo mật an ninh mạng, thông tin của người bệnh, hồ sơ bệnh án được coi là thách thức lớn. Ở các bệnh viện, đa số nguồn lực công nghệ thông tin rất khó khăn, bệnh viện rất cần đội ngũ công nghệ thông tin chuyên nghiệp phải có kiến thức gắn kết.

Bên cạnh đó, không phải nhân viên y tế ai cũng có thể hội nhập, chuyển đổi số, nhiều người vẫn còn giữ thói quen sử dụng bệnh án giấy. Người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ.

Đến hết năm 2023 hoàn thành 4 mục tiêu

Ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết thêm, trong giai đoạn từ nay đến 2023, giai đoạn chuyển đổi số ngành y tế thành phố đã có kế hoạch triển khai thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, khi đó sẽ nắm và quản lý được tình hình sức khỏe của người dân, tiến tới quản lý mô hình bệnh không lây nhiễm.

Tiếp đến là các cổng kết nối vào kho dữ liệu chung của ngành y tế sẽ có chuẩn kết nối, như chuẩn quốc tế hoặc chuẩn phù hợp với Bộ Y tế ban hành. Khi các hồ sơ sức khỏe điện tử được thiết lập, các bệnh viện sẽ được đồng bộ về dữ liệu, có tiếng nói chung trong việc điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài ra, ngành y tế sẽ phát triển thêm mô hình cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115...

Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Y tế thông minh cho thành phố thông minh Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Y tế thông minh cho thành phố thông minh

TTO - Y tế thông minh là một hệ sinh thái trong đó nguồn lực xã hội, công lập hay tư nhân, được huy động và kết nối xuyên suốt và tối ưu, hướng đến mục đích cuối cùng là giúp người dân quản lý được tình trạng sức khỏe của mình một cách chủ động.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên