Ban ngày dạy học, ban đêm các cô giáo tranh thủ đến thăm và trao đổi tình hình học tập của học sinh với phụ huynh làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định) - Ảnh: LÂM THIÊN
1. Ngày tôi học lớp 1, hình ảnh cô giáo trong mắt tôi đẹp lắm. Tôi không còn nhớ nổi cô đã dạy tôi biết đọc bằng cách nào, cô đã giảng cho tôi cách đánh vần ra sao. Nhưng tôi lại nhớ như in hình ảnh của cô mỗi sớm mai ngồi bên đống lửa giữa sân ngôi trường lợp lá nằm trên một ngọn đồi.
Cô nhóm lửa sẵn, đợi chúng tôi đến hơ tay cho ấm rồi mới vào học. Và trong khi chờ chúng tôi đến đầy đủ, tay cô luôn thoăn thoắt đan len, khi thì cái áo, khi thì cái khăn choàng cho những bạn nghèo không đủ áo ấm đến trường. Tôi thấy cô thật giống cô tiên trong những câu chuyện cổ tích và hình ảnh ấy đã khiến tôi ước mơ trở thành cô giáo.
Rồi gia đình tôi chuyển vào Nam định cư, vẫn lại là một miền núi hẻo lánh khác. Ở đây không có mùa đông nên thầy cô không phải nhóm lửa sẵn để đợi trò đến hơ tay rồi mới vào lớp học, mà thay vào đó là những cơn mưa dai dẳng rồi đến một mùa nữa là nắng và gió triền miên.
Thầy cô của tôi ở dưới xuôi lên dạy học, con đường chông chênh bằng chuyến xe đò mỗi ngày một chuyến ngược xuôi. Cái đói khiến chúng tôi không còn đủ kiên nhẫn với từng con chữ, chúng tôi bỏ học, theo cha mẹ lên rẫy.
Cô giáo của tôi, buổi tối đến từng nhà vận động chúng tôi đến trường nhưng lại không dám về vì đường rừng âm u đáng sợ. Chúng tôi lại phải đốt đuốc, rồng rắn đưa cô về. Tôi cũng không nhớ dưới ánh sáng của ngọn đuốc đi giữa đường rừng ngày xưa ấy, cô đã thuyết phục chúng tôi như thế nào. Chỉ biết là sau khi đưa cô về khu nội trú của trường thì chúng tôi tự bảo nhau đi học đầy đủ, đừng để cô buồn.
Buổi học bên vệ đường của cô giáo vùng cao trong khi vận động học sinh đến trường - Ảnh: TRẦN MAI
2. Tôi trở thành nữ sinh trung học, những cơn mưa rừng lũ cuốn thường chắn lối chúng tôi đến lớp, bữa học bữa nghỉ. Thầy tôi lại gom một lũ, tìm phòng cho mà trọ, thầy dạy thêm không lấy tiền, chỉ yêu cầu đi học đủ, chăm học cho thầy nhờ.
Có hôm chúng tôi lười học, chậm hiểu bài, thầy phạt học đến trưa, khi nào thuộc mới cho về. Tôi cũng không còn nhớ những bài học mà thầy bắt học đi học lại cho thật thuộc ấy cụ thể như thế nào. Tôi chỉ nhớ lời thầy hỏi rằng có đói chưa? Chúng tôi đứa nào cũng tiu nghỉu gật đầu, nhưng thầy bảo rằng đói chữ khủng khiếp hơn đói một bữa cơm. Phải cố gắng học, học cho đến nơi đến chốn để sau này còn biết đường kiếm cơm thì mới ấm bụng được.
Tôi là một sinh viên sư phạm với nhiều mơ ước. Tôi cùng ba bạn đi tình nguyện về một buôn làng hẻo lánh của tỉnh Đắk Lắk. Ở đó, tôi gặp ba người thầy hơn tôi tầm một, hai tuổi (vì học lớp 9 xong, thay vì học tiếp như tôi thì các anh đi học trung cấp 9 + 3 rồi xung phong đến mảnh đất này và trở thành giáo viên cấp một).
Mùa hè, ba anh không về quê tận Nghệ An mà ở lại đây cùng những sinh viên chúng tôi thực hiện chương trình Ánh sáng văn hóa hè. Ban ngày thì đi giúp dân làm đường, sửa đường, hoặc lên rừng chặt cây làm nhà, sửa nhà cho dân, giúp dân chăm sóc hay thu hoạch mùa màng. Ban đêm mới dùng cái đèn măng xông dạy học cho các em.
3. Gần đây nhất, tôi theo chân một đoàn tình nguyện về một xã miền núi để trao quà Tết cho các em nhỏ. Chúng tôi được gặp một cô giáo, người dẫn đường đi đến các buôn làng. Có một điều đặc biệt là ở đây các em được dạy rất tốt về chuyện đề phòng người lạ vào buôn, làng. Thấy người lạ, các em rủ nhau chạy biến cả.
Chúng tôi có gọi kiểu gì, đem kẹo bánh ra dụ dỗ kiểu gì cũng không hiệu quả. Nhưng khi cô ấy lên tiếng, gọi bằng cả tiếng Kinh và tiếng Ê Đê thì các em chạy ra vây quanh cô ngay không thiếu một em. Cô bảo gì cũng nghe. Chúng tôi ngạc nhiên trước cái cảnh cô thật gần gũi, trìu mến với các em và các em cũng rất vâng lời, cứ quấn lấy cô không rời.
Tôi trầm trồ cô hay thật đấy, cô thông thạo tiếng Ê Đê luôn? "Ừ em, không phải ai ở đây cũng biết tiếng Kinh, nên phải biết để nói chuyện với phụ huynh và cũng để dễ dạy các em hơn".
Tôi cứ hình dung cô như "ma ma tổng quản" vậy, cô biết từng ngôi nhà của từng học trò khó khăn trong trường mình dạy. Nhà em ấy có hoàn cảnh như thế nào, bao nhiêu anh chị em, cha mẹ ra sao, gia đình nào bệnh tật gì, thiếu thốn gì, cô như thuộc nằm lòng hết.
Cô dẫn đoàn chúng tôi đi từng ngôi nhà, kể chuyện gia đình từng em cho chúng tôi biết. Đến đâu tôi cũng thấy sự mừng rỡ của học trò khi gặp cô. Đến đâu cũng thấy phụ huynh các em nhìn cô với ánh mắt tin tưởng, tôn trọng.
Nhìn cô trìu mến gọi học trò khi vừa đến trước ngõ nhà các em, rồi nhìn các em nhanh nhẹn leo xuống cầu thang sà vào lòng cô, nhất nhất vâng lời cô, tôi tin cô đã dạy học bằng cả trái tim của mình. Vì chỉ những gì xuất phát từ trái tim thì mới ấm áp, tràn đầy yêu thương và có sức lan tỏa như thế.
Thật nhiều những hình ảnh tươi đẹp về người thầy đã đi qua đời tôi mà tôi chưa thể kể hết, nhưng chừng ấy cũng đủ cho tôi thấy nghề cầm phấn thật đáng tự hào và những người thầy, người đồng nghiệp của tôi dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đã luôn làm tốt sứ mệnh của mình bằng cả trái tim.
Chính những hình ảnh ấy đã nâng bước chân tôi vững dần từng ngày trên bục giảng. Để tôi yêu hơn, tự hào hơn nghề giáo và thấy mình cần cố gắng nhiều hơn trước những người học trò thân yêu của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận