Tôi điền thống kê kết quả bài thi của học sinh vào trang cuối cùng của giáo án rồi nhẹ nhàng gấp lại. Vậy là được nghỉ hè rồi đó. Một cơn gió nam thoảng qua mát dịu, cảm giác thật khoan khoái dễ chịu.
Tôi bỗng mơ màng nhớ về những mùa hè ngày xưa, lúc tôi vẫn còn là một cậu học trò nông thôn nơi làng quê yên bình…
Cái cảm giác tự do khi không phải đến trường nó mới dễ chịu làm sao. Mặc cho ngoài vườn chim hót, mặc cho ánh nắng ban mai đã trải khắp sân, vẫn có thể ngủ nướng trong mùng với sự mơn man mát rượi của cơn gió nam buổi sáng.
Lục lọi cơm nguội ăn sáng xong cũng là lúc tụi bạn trong xóm đã tụ tập đầy đủ ở ngả ba đầu làng để bàn tán rôm rả hôm nay sẽ chơi những trò gì. Thôi thì đủ thứ trò chơi dân dã: hái lá dừa, lá dủ dẻ làm chong chóng; rồi thì đánh đáo, bắn bi, chơi chuông, ô làng (ô ăn quan), trốn tìm...
Đến khi chán lại chuyển sang trò mới: cắt giấy vở cũ để dán diều; làm cháng ná (sung cao su), ống thụt cùng nhau đánh trận giả... Chán chê thì đá bóng.
Mà thời ấy làm gì có bóng, lấy rơm cuộn lại, bọc nilon bên ngoài, bứt sợi dây chuối khô quấn cho tròn tròn rồi ra mấy đám ruộng mới gặt đầy gốc rạ mà quần nhau, đến khi bố mẹ gọi mới tất tả chạy về tắm rửa, ăn cơm.
Thích nhất là những buổi tối sáng trăng, người lớn pha trà ngồi nói chuyện, hóng mát còn bọn trẻ chúng tôi tụ tập lại tha hồ hò hét, vui đùa: Kéo co, nhảy búp sen, rồng rắn lên mây… Những đêm không trăng, ba mẹ và những cô bác lớn tuổi lại dạy cho chúng tôi những bài đồng dao, kể những câu chuyện cổ tích hay bày cho chúng tôi những trò chơi mới.
Nghĩ lại thời ấy sao mà vui, tụ họp lại với nhau, trẻ con chúng tôi chỉ cần hái vài cái lá, một miểng gạch vỡ… là chúng tôi có ngay những trò chơi suốt ngày không chán.
Buổi trưa, canh chừng bố mẹ ngủ là chúng tôi trốn đi trèo cây bắt tổ chim. Tổ chim cúm núm đơn sơ trên khóm lúa hay trong bụi cỏ lác, tổ chim sâu được kết lại bằng những chiếc lá trên cành mận trước sân…
Nhưng chúng tôi mê mẩn nhất là những tổ chim dồng dộc treo lơ lửng trên ngọn những bụi tre đầu làng, cạnh cánh đồng. Loài chim nhỏ bé ấy đi tước từng sợi lá lúa, lá mía kết thành những chiếc tổ thật kì công.
Những chiếc tổ đẹp đẽ ấy cứ treo lơ lửng, đu đưa trước những cơn gió nam nhưng chẳng rớt bao giờ. Có hôm, chúng tôi lại đầu trần ra đồng bắt cua, mò ốc hay chạy theo các anh lớn hơn trong làng để bắt chuột đồng.
Lại có những hôm khác, chúng tôi ra sông câu cá hay rủ nhau đi dọc theo những con đường làng để câu rắn mối, kỳ nhông… Đến lúc người đầy bùn và mồ hôi nhễ nhại, cả bọn lao ra sông tắm. Dòng nước mát lành, tiếng cười đùa rộn rã của lũ trẻ chúng tôi vang cả một khúc sông.
Một thú vui khác mà bọn trẻ chúng tôi thời ấy không bao giờ biết chán là hái trái cây. Thời bấy giờ, trái cây hiếm lắm, chúng tôi thường rủ nhau dạo trên các quả đồi để hái quả dại. Những chùm chim chim đỏ rực, dủ dẻ vàng ươm, quả ổi rừng chát ngắt, quả lá giang chua chua.. là những món quà quê mà thiên nhiên thường ban tặng nhất.
Thỉnh thoảng, chúng tôi mới hái được những chùm quả chà là hiếm hoi. Tìm được là chia nhau đồng đều từng quả để ăn, chỉ có đứa nhìn thấy quả trước tiên mới được thêm mấy quả còn thừa. Sau những cơn mưa mùa hạ, những chùm trâm rừng bắt đầu chín tím ngắt.
Loại quả này ăn vào có vị chua chua, chát chát và cả ngòn ngọt nữa. Vui nhất là ăn xong, miệng đứa nào cũng như dính đầy mực tím. Dọc theo những con đường làng quê tôi có những cây keo dại cổ thụ, lá nhỏ, thân và cành đầy gai. Không ngày nào là bọn trẻ chúng tôi không rủ nhau đi hái quả keo.
Không thể leo vì chúng có nhiều gai nhọn nên bọn tôi phải hái bằng cách dùng dây chuối khô cột những cây sào, cành tre lại với nhau để khèo, chúng tôi gọi chúng là cù nèo.
Để hái được những quả keo ngon ngọt nhất, có khi chúng tôi cột cù nèo dài đến 4-5m, cả một đám trẻ con khiêng đi trên đường làng, vừa đi vừa nói chuyện, hò hét rôm rả lắm. Sẽ rất tự hào nếu nhóm nào có cây cù nèo dài nhất, hái được những quả keo to và ngon nhất…
- Ba làm xong chưa?
Tôi giật mình quay lại. Đứa con trai nhỏ đứng sau lưng tôi tự bao giờ. Chắc có lẽ tôi đang mơ màng với những ký ức đẹp đẽ ngày thơ mà không biết nó đã đứng đó từ lúc nào.
- Ờ… ba làm xong rồi.
- Chiều nay ba có rảnh không?
Tôi hiểu cách nói nói chuyện lòng vòng của nó, chắc là cu cậu muốn tôi thưởng gì cho nó sau khi kết thúc năm học với kết quả đạt học sinh giỏi đây mà.
- Ừm…, ba rảnh. Có chuyện gì thế con?
- Tôi hỏi trong nghi ngờ.
- Mình về nội bắt cua đi ba! - Nó đề nghị.
Ra là thế… Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà tôi cũng đã quá nửa đời người rồi. Con tôi cũng đã là những cậu học trò nhỏ như tôi ngày xưa, nhưng chúng chẳng có được những mùa hè đầy kỉ niệm như tôi.
Chúng chỉ có tivi, máy tính, iPhone, iPad, điện thoại thông minh... Những khi bố mẹ vắng nhà, chúng chẳng biết chơi gì, chơi với ai. Nếu không đi học thêm, chúng sẽ bị nhốt cả ngày trong nhà cùng với những thiết bị điện tử ấy.
Thỉnh thoảng, tôi có thời gian mới chở chúng về quê, dẫn ra đồng chỉ cho chúng cách bắt cua, thả diều, câu cá để chúng không quên cái gốc rạ đồng quê, cho chúng biết đến ánh sáng trăng đêm rằm, cho chúng có tuổi thơ để sau này khoe cùng chúng bạn...
Ấy vậy mà, chúng lại mê mẩn những trò chơi dân dã ấy, như tôi đã từng mê đến tận bây giờ.
Tôi dắt xe ra cổng, ba bố con hướng thẳng về quê, nơi có cánh đồng, có dòng sông, có những con đường làng rợp bóng mát của hàng keo đang reo vui trong gió nam buổi sáng…
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận