12/02/2023 11:41 GMT+7

Nhớ căn hộ vừa túi tiền!

Nói đến tuyệt chủng, ta thường liên tưởng đến loài khủng long. Từ đó đến nay vẫn có thêm nhiều loài động, thực vật... khác tuyệt chủng. Nhưng "tuyệt chủng" đã lan ra với vật chất, đó là căn hộ vừa túi tiền.

Trước đây Tuổi Trẻ đã dùng từ "tuyệt chủng" để nói về thực trạng doanh nghiệp ồ ạt bán căn hộ hạng sang, siêu sang, họ không còn xây căn hộ vừa túi tiền. Nay lâm cảnh khó khăn, biết đâu, họ sẽ ồ ạt xây

Đang có tranh luận cứu hay không cứu doanh nghiệp bất động sản? Gặp người khó ai chẳng muốn chìa tay. Nhưng cứu thế nào. 

Đổ vốn vào cứu? Không được vì vốn có hạn. Có người thắc mắc, sao Ngân hàng Nhà nước cứ "ky bo" cái "room" tín dụng làm gì, mở phắt ra cho vốn chảy ào ào? Kẹt nỗi không thể quản lý kinh tế kiểu vậy được. 

Giờ ngân hàng bung ra cho vay như đề nghị của doanh nghiệp bất động sản, tiền ra nhiều quá, lạm phát phình lên, đầu tiên nó đánh vào giá thực phẩm - hàng tiêu dùng thiết yếu, người nghèo lãnh đủ. 

Ở trường hợp này, giúp một nhà, phá cả làng. Mà ngân hàng nói đâu siết tín dụng, chủ yếu do dự án không đủ điều kiện để cho vay, quá rủi ro, không khéo lại kéo cả ngân hàng vào vũng lầy.

Vậy nếu cứu doanh nghiệp bất động sản, liệu "khủng long - căn hộ vừa túi tiền" có sống lại? Nhìn lại ba lần sẩy chân sốc nhất của thị trường bất động sản trong 20 năm qua để suy nghĩ.

Năm 2008 nổ ra khủng hoảng tài chính thế giới, Nhà nước phải cứu doanh nghiệp bằng chính sách hỗ trợ 4% lãi suất. Dù không thuộc diện nhưng doanh nghiệp vẫn tranh thủ đảo nợ, vốn lại chảy vào bất động sản, chủ yếu là đất đai. 

Sau bốn năm, dư nợ vay bất động sản tăng khủng vì ngoài vay vốn đảo nợ, họ còn vay thêm một khoản để trả lãi ngân hàng trong vài năm chờ bán được bất động sản, một hình thức vay để nuôi, đầu cơ dự án.

Đến năm 2012 thị trường lại khó, hàng loạt người đầu cơ phá sản. Từ giai đoạn này, nền kinh tế khởi sắc, thị trường bất động sản hồi phục, do đã khai thác cạn quỹ đất, doanh nghiệp chuyển qua làm chung cư nhưng lại xa rời căn hộ giá bình dân. 

Và trong 5 - 7 năm gần đây, họ chỉ bán thứ mà người mua không cần, chủ yếu phục vụ đầu tư như căn hộ hạng sang, siêu sang, biệt thự nghỉ dưỡng. Mua để đầu tư là câu slogan của mọi nhân viên môi giới bất động sản. Ai cũng đầu tư, đẩy giá. 

Có thống kê, giá căn hộ trong năm năm gần đây đã tăng 80 - 100%. Với tốc độ tăng này, nếu chỉ làm công ăn lương, không "đánh quả", thì khi nghỉ hưu cũng chưa có nhà ở.

Năm 2022, doanh nghiệp bất động sản lại sẩy chân khi thị trường trái phiếu đóng băng. Nguyên nhân, ngoài vướng pháp lý, bán thứ mà người mua không cần, còn có vung tay quá trán (ít vốn nhưng vay ngắn hạn để đầu tư bất động sản), đầu tư dàn trải, thậm chí là đầu tư "ngoài ngành", trái tay.

Quá tam ba bận. Liệu sau phục hồi, doanh nghiệp bất động sản có nhìn ra được khách hàng sẽ nuôi sống mình bền vững, đó là số đông giới trung lưu và cả người có thu nhập thấp, họ đang cần căn hộ hợp túi tiền!?

Chưa ai nói trước được.

Thị trường bất động sản là một bộ phận của nền kinh tế. Vì vậy phải cứu thị trường bất động sản. Trong đó chính quyền phải tăng tốc cứu doanh nghiệp bất động sản bằng pháp lý. Gỡ pháp lý, nhiều dự án sẽ quay được vòng vốn. 

Còn vốn, chỉ có cứu bằng cơ chế thị trường, không đủ năng lực thì phải bán bớt dự án, thậm chí phải "thay áo đổi chủ". Một khi qua "cơn bĩ cực", doanh nghiệp bất động sản đừng quên ba lần sẩy chân, có thế căn hộ hợp túi tiền mới có thể sống lại.

Căn hộ hợp túi tiền sắp Căn hộ hợp túi tiền sắp 'tuyệt chủng'

TTO - Trong 5 năm qua, từ 2015 - 2020, những căn hộ bình dân có giá 1-2 tỉ đồng lần lượt biến mất khỏi thị trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên