27/05/2017 10:04 GMT+7

Trò chơi tàn ác: bắn tin giả tìm người thân sau khủng bố

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Sau vụ đánh bom liều chết ở Manchester, hàng loạt thông báo tìm người thân xuất hiện trên mạng xã hội, không ít trong đó là tin giả.

Bé trai là người mẫu chụp ảnh cho công ty của chị Karen Bowersox bị kẻ xấu lấy lại rồi tung tin đó là một nạn nhân đang mất tích sau vụ tấn công ở Manchester - Ảnh: Twitter/Guardian
Bé trai là người mẫu chụp ảnh cho công ty của chị Karen Bowersox bị kẻ xấu lấy lại rồi tung tin đó là một nạn nhân đang mất tích sau vụ tấn công ở Manchester - Ảnh: Twitter/Guardian

Theo báo Guardian (Anh), những thông tin “tìm người nhà” sau khủng hoảng kiểu này thường có dạng: “Con trai tôi đang ở Manchester Arena hôm nay, nó không nghe điện thoại tôi gọi”; “Xin hãy giúp em gái tôi đang mất tích tại #Munich, nó đang làm việc ở cửa hàng Mcdonalds thì vụ xả súng xảy ra”; “Em gái tôi đang ở #Nice gần nơi xảy ra vụ việc, xin hãy giúp đỡ, mẹ tôi đang khóc”….

Tất cả những thông tin đó đều có một điểm chung: tất cả đều được gửi đi sau một vụ tấn công xảy ra tại nước nào đó ở châu Âu, và tất cả đều là giả.

Gắn kèm là bức ảnh của một ai đó không có mặt tại hiện trường, thậm chí là của một người không sống tại nước đó.

Tình trạng này vừa xảy ra với mức độ đáng báo động sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Manchester (Anh). Bên cạnh thực tế đúng là có một số gia đình thực sự tìm kiếm người thân của họ thông qua mạng xã hội, cũng có rất nhiều hình ảnh cắt ghép và tin nhắn tìm người nhà giả mạo cốt để lừa gạt truyền thông cho… vui hoặc trả thù cá nhân của những đối tượng vô lương tâm.

Bực bội, lo lắng

Vừa trải qua cơn phẫu thuật, chị Rachel Devine bàng hoàng khi nhận được tin nhắn của một người bạn hỏi thăm về tình hình cô con gái tên là Gemma của chị. Người đó đọc được thông tin trên mạng nói rằng Gemma đã tới xem chương trình ca nhạc tại Manchester Arena.

Tuy nhiên chuyện này là không thể vì chị Devine biết rõ Gemma không ở Manchester. Con chị đang học tại Melbourne, Úc.

Vừa sau ca phẫu thuật, sức khỏe còn yếu nên chị Devine không thể trả lời ngay. Nhưng sau khi tìm hiểu sơ qua thông tin về sự việc, chị tá hỏa khi thấy ảnh con gái và thông điệp cầu cứu đi kèm lan tràn trên mạng. Chưa kể là hình ảnh con chị đã xuất hiện ngay trên trang bìa của tờ Daily Mail cùng nhiều người khác cũng được cho là “nạn nhân” trong vụ việc ở Manchester.

Là một blogger, chị Devine thừa nhận từng nghe nhiều người cảnh báo về nguy cơ có thể xảy đến từ việc chia sẻ hình ảnh bản thân, con gái lên mạng. Tuy nhiên chị vẫn luôn cho rằng nhu cầu kết nối với những người thân là quan trọng nên lâu nay phớt lờ cảnh báo đó.

Trong một tình huống khác, tại bang Ohio (Mỹ), chị Karen Bowersox, kinh hoàng phát hiện thấy hình ảnh bé trai từng làm người mẫu ảnh cho loạt trang phục dành cho trẻ em bị hội chứng Down của chị bị tung lên mạng cũng với thông điệp xin trợ giúp vì em bé này mất tích trong vụ việc ở Manchester.

Chị Bowersox cho biết đã nhận được điện thoại của những người biết chị và công việc của chị, buộc tội chị đã tung ra bức ảnh đó. Mặc dù đã hết lời xin lỗi và giải thích cặn kẽ, nhưng chị Bowersox vẫn rất lo lắng vì chưa thể liên hệ với người mẹ của em bé mà chị tin sẽ rất buồn phiền khi biết chuyện.

Không những thế chị Bowerox còn lo những kẻ xấu có thể lợi dụng hình ảnh bé trai này để tổ chức quyên góp từ thiện lừa đảo.

Tin giả lấy hình của nhà báo Tây Ban Nha Susana Ye, nói đó là một nạn nhân bị mất tích trong vụ tấn công ở Munich tháng 7-2016 - Ảnh: Twitter/Guardian
Tin giả lấy hình của nhà báo Tây Ban Nha Susana Ye, nói đó là một nạn nhân bị mất tích trong vụ tấn công ở Munich tháng 7-2016 - Ảnh: Twitter/Guardian

Nhà báo cũng bị tấn công

Trong số những người bị lợi dụng hình ảnh để tung tin giả nhằm nhiều mục đích khác nhau của kẻ xấu, các nhà báo nữ là nhóm thường xuyên bị nhắm đến.

Nhà báo Tây Ban Nha Susana Ye cũng từng bị kẻ xấu lấy hình ảnh tung tin cô là một người đang mất tích sau vụ xả súng ở Munich, Đức.

Nhà báo Mexico Tamara de Anda cũng là nạn nhân của những tin đồn sau vụ tấn công ở Westminter, và một lần nữa bị tấn công kiểu đó đầu tuần này. Tuy nhiên cô Anda hiểu rất rõ vì sao mình bị hành xử như vậy. Tháng 3 năm nay cô vướng vào một tranh cãi trên mạng xã hội sau khi một tài xế taxi bị phạt vì đã la hét với cô.

Nhà báo Anda kể lại: “Những kẻ bắt nạt trên mạng làm mọi thứ có thể. Mọi dạng thức đe dọa: dọa giết, dọa cưỡng hiếp, đủ thứ cả. Nhưng sau khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra, chúng lại đăng tải hình ảnh của tôi. Bất cứ khi nào có chuyện xảy ra tại châu Âu, chúng đều làm vậy. Khi chuyện này lần đầu xảy ra, tôi thấy bực mình nhưng giờ thì tôi cảm thấy có thể chống lại được. Đó là một thủ đoạn mới mà tôi từng không biết. May mắn là không ai biết rõ tôi lại tin chuyện đó”.

Nhà báo Andrea Noel hoạt động tại Mexico cũng từng bị tấn công theo một dạng thức tương tự như vậy khi bị gom vào danh sách những nạn nhân trong một vụ tấn công. Cô vô cùng bức xúc khi giờ đây lại xuất hiện những thành phần vô lương tâm, “lợi dụng tới cả cái chết của những đứa trẻ ở một chương trình ca nhạc” để làm trò tiêu khiển.

Bài học cho truyền thông

Trong ít nhất một năm qua, cứ sau mỗi vụ tấn công nghi do khủng bố, rất nhiều thông tin giả mạo nói rằng các ngôi sao Internet hay các nhà báo là nạn nhân hay thủ phạm sẽ được tung lên mạng xã hội như Twitter.

Tình trạng này sau đó không chỉ giới hạn trong các vụ tấn công khủng bố. Ví như sau vụ tai nạn rơi máy bay của hãng EgyptAir tháng 5-2016, đài BBC đưa tin về những “tin vịt” nói về nạn nhân trong vụ việc, các tin này hầu hết đều bắt nguồn từ Mexico.

Những kẻ tung tin vịt sau đó nói với các nhà báo rằng họ đã dùng ảnh của một người đàn ông để phao tin anh này là nạn nhân trong vụ tai nạn đó vì anh ta đã lừa tiền của họ. Những người này nói: “Mục đích của chúng tôi là hủy hoại thanh danh của anh ta. Chúng tôi muốn cả thế giới biết rõ bộ mặt của hắn”.

Nhà báo Alastair Reid của hãng tin AP cũng phát hiện thấy bức ảnh tương tự của người này từng lan tràn trên mạng xã hội sau khi xảy ra vụ tấn công tại Brussels năm 2016.

Cũng như thế trong vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Nice, anh Alastair Reid cho biết: “Có khoảng từ 15 đến 20 cá nhân khác nhau được hàng chục tài khoản mạng xác nhận là các nạn nhân, nhưng tất cả đều là tin giả”.

Nhà báo Mexico Tamara de Anda cho rằng sở dĩ tình trạng tin giả kiểu này vẫn còn đất hoạt động và lan tràn là vì ngày càng nhiều người tỏ ra thích thú với những tin vịt kiểu vậy.

Tất cả những chuyện như thế này sẽ chấm dứt nếu truyền thông tiến hành các bước thẩm định thông tin cơ bản.

Nhà báo Tây Ban Nha Susana Ye chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng sẽ tiếp tục làm trò này cho tới khi nào chúng ta, những người làm truyền thông, còn tin chúng. Chúng cảm thấy chúng là những người chiến thắng”.

Bên cạnh sự nhắn nhủ tới truyền thông về một trách nhiệm cao hơn trong khâu kiểm chứng nguồn tin, công luận cũng chờ đợi một hành xử quyết liệt hơn nữa của các trang mạng xã hội, như Twitter, trong việc kiểm soát và ngăn chặn những tài khoản giả mạo chuyên tung tin thất thiệt tới cộng đồng.

Tuy nhiên theo Guardian, tới thời điểm này, ngoài việc gỡ bỏ và đình chỉ một số tài khoản như vậy, Twitter vẫn chưa có phản hồi cụ thể về chính sách của họ xung quanh việc xử lý những dạng thức tin giả kiểu này.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên