14/03/2017 09:51 GMT+7

Internet bị mất kiểm soát, đầy tin giả và chính trị hóa?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Khi mạng toàn cầu (World Wide Web - www) bước vào “tuổi” 28, cha đẻ của nó, nhà khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee đã có một bức tâm thư chia sẻ về tình trạng lâm nguy của nó.

*** Error ***
Nhà sáng lập mạng World Wide Web, ông Tim Berners-Lee -  Ảnh: Reuters

Cách đây 28 năm, ngày 12-3-1989, ông Tim Berners-Lee đã viết ra bản thiết kế đầu tiên cho www.

Chứng kiến những diễn biến bất ổn của đời sống mạng, nhà khoa học này đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ rất lớn đang đe dọa mạng www.

Ba mối nguy của www

Trong bức tâm thư gửi đi từ thủ đô London (Anh), ông Tim Berners-Lee chia sẻ ông đã từng hình dung khi thiết kế www là biến nó trở thành một diễn đàn mở, cho phép mọi người, dù ở bất cứ đâu, cũng có thể chia sẻ thông tin, tiếp cận bình đẳng các cơ hội và hợp tác với nhau xuyên qua các biên giới địa lý cũng như sự đa dạng của các nền văn hóa.

Nhìn theo nhiều phương diện, sau 28 năm phát triển và trưởng thành của www, "cha đẻ" của nó cho rằng www đã đáp ứng được phần nào đó kỳ vọng ban đầu của ông.

Nhưng "trong 12 tháng qua, tôi đã ngày càng lo lắng hơn về ba xu hướng mới, những xu hướng mà tôi tin rằng chúng ta cần phải giải quyết để www thực hiện đầy đủ chức năng của nó là một công cụ phục vụ toàn thể nhân loại".

Trước hết, nhà khoa học máy tính chỉ ra một thực tế đã và đang khá phổ biến: "Chúng ta đã mất kiểm soát với dữ liệu cá nhân".

Theo đánh giá của ông, rõ ràng nhiều trang web hiện nay hoạt động theo phương thức cung cấp các nội dung miễn phí để đổi lấy việc thu thập thông tin cá nhân của người dùng.

Không phải cư dân mạng nào cũng hiểu và chấp nhận một cách có ý thức trong việc này.

Nhiều người hoàn toàn không hay biết các thông tin cá nhân họ cung cấp cho trang web đã bị sử dụng như thế nào, thậm chí đã bị lạm dụng ra sao trong một số trường hợp.

Khi các dữ liệu cá nhân ngày càng bị thu thập với quy mô và tần suất cao, đương nhiên người ta không thể kiểm soát được chúng và hệ lụy của nó không chỉ dừng lại ở những cuộc điện thoại, email, chào hàng, tiếp thị, nó còn trở thành "vũ khí" có thể bị những kẻ xấu lợi dụng để gây áp lực, kiểm soát, theo dõi, gây ảnh hưởng đáng kể tới tự do ngôn luận...

Nguy cơ thứ hai mà ông Tim Berners-Lee mô tả như một đại dịch đang lan tràn "hệt như cháy rừng" là nạn tin tức giả.

Đương nhiên cha đẻ của mạng Internet hiểu rằng ngày nay người ta có thể tìm thông tin và đọc tin tức từ rất nhiều mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm.

Các trang này kiếm tiền từ việc người dùng bấm chuột chọn vào các đường link họ bày ra trước mắt.

Điều đáng ngại ở chỗ, nhờ những thuật toán có khả năng đoán biết tâm lý người dùng thông qua thu thập dữ liệu cá nhân và theo dõi hành vi người dùng trên mạng, Internet đang nắm trong tay một quyền lực có thể khiến người dùng chỉ đọc những gì họ cung cấp và muốn cung cấp.

Đó chính là mảnh đất màu mỡ để tin giả, tin phục vụ mục đích chính trị có cơ hội phát tán.

Có thông tin cho hay trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016, mỗi ngày có khoảng 50.000 phiên bản quảng cáo khác nhau được tung lên Facebook, một tình huống có thể nói là gần như không thể kiểm soát

Ông TIM BERNERS-LEE

Và đây là lý do để ông Tim Berners-Lee tiếp tục nói về nguy cơ thứ ba của mạng Internet là sự thiếu minh bạch và thiên vị trong cách thức "chính trị hóa" tin tức của các đảng phái ở nhiều nước.

Nhà khoa học người Anh nhận định: "Quảng bá chính trị trên mạng đã nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp tinh vi, phức tạp”.

“Bởi một lẽ đơn giản, nhìn chung phần lớn mọi người đều chỉ tiếp cận tin tức thông qua một vài nền tảng thông tin quen thuộc với họ.

Theo đó, từ thực tế phát triển ngày càng tinh vi hơn của những thuật toán "đoán ý" người dùng, cho tới công nghệ thu thập thông tin cá nhân ngày càng phát triển, các chiến dịch vận động chính trị ngày nay cũng đã được triển khai theo cách "cá nhân hóa" tới từng đối tượng” - ông Tim Berners-Lee nói.

Làm gì để “cứu” net?

Ông Tim Berners-Lee, 61 tuổi, năm 2009 đã thành lập Quỹ Web để đưa việc nâng cấp www trở thành một phần trong kế hoạch 5 năm.

Đứng trước những thách thức đặt ra cho mạng www ở tuổi 28, ông thừa nhận việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề không đơn giản.

Tuy nhiên ông cũng khẳng định đã có một vài "lối đi thông thoáng tiến tới sự tiến bộ" khá rõ ràng.

Theo đó, ông khẳng định các tập đoàn công nghệ hoạt động trên mạng Internet cần trả lại quyền kiểm soát dữ liệu công bằng cho người dân, tìm kiếm thêm các mô hình khai thác lợi nhuận trên mạng như tính phí thuê bao hoặc các hình thức thanh toán vi mô.

Chuyên gia người Anh cũng cho rằng công luận cần lên tiếng chống lại việc các chính phủ sử dụng mạng Internet để do thám người dân.

Ứng phó với nạn tin giả, theo ông Tim Berners-Lee, cần khuyến khích sự vào cuộc của các tập đoàn giữ vai trò "gác cửa" kiểu như Google hay Facebook trong cuộc chiến này.

Tuy nhiên ông Tim Berners-Lee cực lực phản đối việc thiết lập các bộ phận đóng vai trò trung tâm để quyết định tin tức nào là đúng hay sai.

Những điều thú vị về www

1. Trang web đầu tiên lên mạng ngày 6-8-1991 và chỉ chứa 153 từ. Cho tới nay thế giới đã có hơn 1 tỉ trang web.

2. Số thiết bị có kết nối mạng Internet đã nhiều hơn số cư dân trên Trái đất. Ước tính có hơn 8,7 tỉ thiết bị hiện kết nối mạng và dự tính lên tới 40 tỉ thiết bị vào năm 2020.

3. 1,7 tỉ người dùng Internet là người châu Á. Những thành phố kết nối mạng tốt nhất thuộc về Hàn Quốc và Nhật Bản.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên