Binh sĩ Trung Quốc học với máy tính - Ảnh: AFP |
Trong cuộc tranh luận đối mặt truyền hình trực tiếp tối 26-9 vừa qua ở New York, hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã đề cập đến vấn đề tấn công mạng có liên quan đến hoạt động bầu cử ở Mỹ.
Chẳng là trước đó không lâu, nhiều lần phía Mỹ đã lên tiếng về chuyện cơ sở dữ liệu của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ bị tin tặc tấn công và phía Mỹ không ít lần ám chỉ việc đó do tin tặc Nga.
Tại cuộc tranh luận, ứng viên Donald Trump chất vấn về chuyện này (cũng có thể suy đoán rằng ông muốn đề cập sâu vì trước đó dư luận cho rằng ông mến chuộng Tổng thống Vladimir Putin và thậm chí kêu gọi tin tặc Nga tấn công phía Mỹ) và nêu ra một đáp án khác: "Bà ấy (Hillary Clinton) suốt ngày cứ nói 'Nga, Nga, Nga'. Biết đâu đó lại Trung Quốc".
Dĩ nhiên người ta có thể cho rằng ông Trump không ưa gì Trung Quốc - đất nước đã "lấy cắp công ăn việc làm của người Mỹ" - nên chỉa mũi dùi vào đất nước châu Á xa xôi. Nhưng cũng không phải thấy rằng "không có lửa thì làm sao có khói".
Những chứng cứ rõ ràng
Theo CNN, hồi đầu năm nay, các gián điệp mạng của Trung Quốc đã bị cáo buộc xâm nhập vào hàng chục trạm làm việc và máy chủ ở Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).
Tháng 7-2015, tin tặc Trung Quốc đã bị cho là đã tấn công nhắm vào những lỗ hổng dữ liệu khổng lồ tại Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ, lấy cắp dữ liệu của hơn 21 triệu người Mỹ.
Vào tháng 5-2014, các công tố viên liên bang Mỹ từng kết tội một số thành viên của quân đội Trung Quốc với tội danh "dọ thám không gian mạng" cho các mục đích kinh tế.
Chính quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc về việc chính phủ nước này tài trợ cho các cuộc tấn công mạng. Nhưng các nhà phân tích lại cho rằng những hoạt động giám điệp trên không gian mạng của Trung Quốc là một mối nguy hiện hữu.
Ông Bryce Boland - Giám đốc công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở tại Mỹ, chỉ rõ: “Ngành tình báo của bên quân đội đã có một bước chuyển chóng vánh từ đời thực sang công nghệ số trong 15 năm qua… và Trung Quốc cũng không là ngoại lệ”.
Trong ít nhất mười năm trở lại đây, Trung Quốc đã tiến hành phát triển các kỹ năng công nghệ mạng cho bên quân đội. Và lực lượng đó của họ giờ đây đã được qui về một tổ chức đầu mối chiến lược duy nhất, không khác gì một quân chủng mới của quân đội nước này” |
Ông Bryce Boland - Giám đốc công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty an ninh mạng FireEye |
Ảnh minh họa về tin tặc Trung Quốc |
Chỉa mũi dùi sang các nước châu Á
Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, lãnh đạo hai nước đã nhất trí không tiến hành hoặc ủng hộ một cách có nhận thức các hoạt động gián điệp mạng cho mục đích kinh tế.
“Tôi nghĩ Trung Quốc, sau đó, vẫn đang nỗ lực tuân thủ thỏa thuận đã đạt được”, ông Tong Zhao thuộc Trung tâm Chiến lược Tòan cầu Carnegie - Thanh Hoa, trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. “Trung Quốc ngày càng nhận ra rằng chỉ càng có lợi nếu ủng hộ hệ thống hoạt động theo luật".
Kể từ khi thỏa thuận trên được thông qua giữa các lãnh đạo Mỹ-Trung, công ty FireEye cũng ghi nhận đã có một sự thay đổi đáng kể trong hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc.
“Chúng tôi nhận thấy một sự chuyển biến trong cách hành xử của phía Trung Quốc sau thỏa thuận giữa hai lãnh đạo Barack Obama và Tập Cận Bình. Các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ và các tổ chức phương Tây vì mục đích ăn cắp bí mật công nghệ đã giảm đáng kể", ông Bryce Boland cho biết.
Thế nhưng vị giám đốc công nghệ của Mỹ lại ghi nhận một hiện tượng đáng lo ngại khác: “Chúng tôi gần như đã thấy một sự 'xoay trục sang châu Á' của tin tặc Trung Quốc. Chúng tôi thấy có nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào việc thu thập thông tin và tin tức tình báo từ những quốc gia láng giềng với Trung Quốc - bất cứ nước nào có chung đường biên giới hay có tranh chấp trên biển với nước này. Và hoạt động ấy được tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực tình báo”.
Các gián điệp mạng Trung Quốc như vậy đang xoay chuyển mục tiêu tấn công của mình từ đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ sang thu thập thông tin tình báo ở khu vực đầy rẫy căng thẳng địa chính trị.
Chẳng hạn như Đài Loan. Quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh vẫn luôn căng thẳng từ sau chiến thắng áp đảo của bà Thái Anh Văn, nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, trong cuộc tổng tuyển cử ở vùng lãnh thổ này đầu năm nay. Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà có truyền thống nghiêng về ủng hộ một sự độc lập chính thức của Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Sau chiến thắng của DPP, trang chủ của đảng này đã bị tấn công và thay thế bằng một trang web giả mạo nhằm thu thập dữ liệu của người truy cập.
Hong Kong là một ví dụ khác. Hai năm sau phong trào dân chủ “Chiếc ô” ở Hong Kong, cuộc tổng tuyển cử nghị viện đầu tiên của vùng lãnh thổ này đã đưa một số nhân vật chính trị có tinh thần độc lập vào nghị trường.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu bầu cơ quan lập pháp hồi đầu tháng 9 vừa qua, hai cơ quan chính quyền Hong Kong đã trở thành mục tiêu của hai cuộc tấn công từ các tin tặc sử dụng công cụ mã độc. Theo công ty FireEye, cả hai vụ tấn công đều là sản phẩm của các tin tặc Trung Quốc được chính phủ tài trợ.
“Chúng tôi biết các cuộc tấn công ấy xuất phát từ Trung Quốc… Chúng rõ ràng là những cuộc tấn công mang động cơ chính trị”, ông Bryce Bolang khẳng định.
“Cách lý giải hợp logic duy nhất là chúng được tiến hành bởi một nhóm người có nhiệm vụ chính trị, vì thế chúng tôi tin rằng họ đã được chính phủ tài trợ”, vị lãnh đạo của công ty FireEye cho biết.
Theo CNN, một vụ đình đám khác là vụ các màn hình hiển thị thông tin chuyến bay tại sân bay lớn của Việt Nam bị xâm nhập và bị thay thế bằng các thông điệp bằng tiếng Hoa.
Tuy nhiên nhà phân tích Tong Zhao của Trung Quốc tin rằng các cuộc tấn công mạng nhằm vào sân bay Việt Nam không phải là sản phẩm của nhân viên chính quyền Bắc Kinh.
“Chúng ta từng cho rằng Trung Quốc là một quốc gia có thể chế chính trị rất tập trung, rằng chính quyền trung ương ắt hẳn phải kiểm soát mọi thứ. Tôi nghĩ giả thuyết đó không còn chính xác nữa”, ông Zhao bình luận.
Theo CNN, ông Zhao nói đúng. Không phải mọi chuyện tấn công mạng nhằm vào nước khác đều do chính quyền trung ương Trung Quốc bật đèn xanh.
Nhưng CNN của Mỹ nhận định rất nhiều cá nhân người Trung Quốc hoạt động trên không gian mạng có thể vì tinh thần dân tộc hợp tác vì một mục tiêu chung duy nhất: đảm bảo các lợi ích an ninh của Trung Quốc và củng cố vị thế của quốc gia này trong thời đại thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận