NVSCC di động phục vụ đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết Nguyên đán 2014 |
TP.HCM, đô thị lớn nhất nước với hơn 8 triệu dân, hàng triệu khách vãng lai và hàng ngàn tuyến đường... hiện chỉ có 208 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).
Mỗi lần đi Sài gòn tôi phải lên lộ trình... tiêu, tiểu
Tôi thử làm phép tính nếu “ưu tiên” hết chừng ấy NVSCC cho khu vực nội ô thì cũng chỉ đạt 1 NVSCC/1,5km2, trung bình cứ 5 con đường lớn nhỏ mới có một NVSCC, quả là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu “tối thiểu” của người đi đường. Đây chính là “điểm yếu” của sự phát triển đô thị.
Người dân thành phố và du khách mỗi khi ra đường thì ngoài nỗi lo bị kẹt xe, ngập đường còn mang nỗi ám ảnh khi cần “trút bầu tâm sự”. Nam giới nếu “bí” quá còn có thể làm liều, song phụ nữ càng khổ sở hơn.
Con người có thể nhịn ăn, nhịn uống chứ làm sao “nín” tiểu được? Tôi sống ở ngoại thành những lúc vào thành phố thường phải tìm hiểu trước “lộ trình” có NVSCC không?
Trường hợp không có phải chấp nhận đi đường vòng xa hơn miễn sao gặp được NVSCC. Đã có nhiều lần tìm mỏi mắt không ra NVSCC, tôi đành ghé vào chợ, siêu thị hay bệnh viện nào đó, chịu tốn tiền gửi xe để “giải quyết tồn đọng”.
Nhưng khổ nhất vẫn là những người mua ve chai, bán vé số dạo, lao động tự do… họ nào muốn đi vệ sinh không đúng nơi quy định, nhưng trong hoàn cảnh thiếu NVSCC thì đành phải nhắm mắt làm liều.
Nghịch lý nằm ở chỗ chúng ta đã có mức xử phạt đối với người tiểu tiện bừa bãi nhưng lại chưa thể giúp họ tránh vi phạm. Trong đó, việc bố trí NVSCC sẽ quan trọng không kém công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức.
Vì vậy, khi biết tin “TP.HCM đang kêu gọi đầu tư xây 112 NVSCC miễn phí”, tôi rất mừng. Tuy nhiên, đến nay dường như đó vẫn chỉ là “lời kêu gọi”, còn thực tế NVSCC trên địa bàn thành phố đang rất thiếu (chưa nói đến chất lượng). Ở các quận 1, 3 còn dễ tìm, nhưng càng đi đến những quận khác thì càng là “của” hiếm.
Ngoài ra, việc lắp đặt NVSCC hiện nay cũng chưa thật sự hợp lý. Nhiều tuyến đường khá dài, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất dày như: Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ… nhưng không có hoặc quá ít NVSCC. Ngay cả đường Phạm Văn Đồng đẹp và rộng là thế vậy mà vẫn thiếu NVSCC.
Trong khi có nơi lại bố trí NVSCC rất gần nhau. Đơn cử như trên đường Hậu Giang (đoạn từ chợ Bình Tây hướng về vòng xoay Hải Thượng Lãn Ông), chỉ 300m mà có đến hai NVSCC, dẫn đến lãng phí do hoạt động không hết công suất. Giá như mang “chia sẻ” cho những nơi khác thì tốt hơn.
Giải quyết "điểm yếu" đô thị đừng nên chậm trễ nữa
Tôi nghĩ trước mắt cơ quan chức năng nên khảo sát những con đường, địa điểm cần đặt NVSCC. Cố gắng thực hiện ngay việc bố trí NVSCC cho đủ về số lượng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Còn những nhà vệ sinh “năm sao” thì dành cho khu vực trung tâm như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà… Nên giao lực lượng thanh niên xung phong, các công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích đảm nhiệm quản lý.
Cũng cần thu phí tượng trưng 1.000 đồng/lượt để gắn trách nhiệm của người dân khi sử dụng, giáo dục người dân ý thức giữ gìn vệ sinh chung sẽ tốt cho cộng đồng và chính họ, nhưng nên miễn phí đối với người bán vé số, mua ve chai, người khuyết tật.
Tùy từng địa bàn có thể trang bị những NVSCC di động chỉ phục vụ ban ngày. Cho phép các doanh nghiệp in quảng cáo ở vách ngoài nhà vệ sinh để tăng thêm nguồn thu như trước kia chúng ta đã từng làm với xe buýt.
Tại các trạm, nhà chờ xe buýt, nơi công cộng cần lắp đặt sơ đồ bố trí NVSCC ở các tuyến đường xe buýt đi qua để hành khách chủ động hơn khi cần thiết. Đối với những NVSCC nằm ở vị trí khuất tầm nhìn, nên có các biển hướng dẫn, mũi tên chỉ đường cho người dân.
Trong NVSCC cần niêm yết nội quy để khách thực hiện: cấm sử dụng trái phép chất ma túy, không được tắm giặt, phải có ý thức tiết kiệm nước, giấy vệ sinh, xà phòng…
Mặt bằng để làm NVSCC phải đảm bảo có chỗ dựng được tối thiểu hai xe gắn máy. Nhân viên quản lý ở đây kiêm luôn việc giữ xe cho khách.
NVSCC - chuyện tưởng chừng rất “nhỏ” nhưng không hề nhỏ. Cách đây không lâu Chính phủ Ấn Độ từng chi hẳn 200 triệu USD để xây NVSCC, góp phần cải thiện môi trường, nhất là ý thức người dân nước này.
Vậy nên, chuyện bố trí thêm NVSCC ở thành phố đông dân nhất VN có lẽ không nên chậm trễ nữa.
Mời các bạn chia sẻ, góp ý, hiến kế phát triển đô thị nói chung và câu chuyện xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Thân mời bạn gởi chia sẻ ý kiến, hình ảnh, clip với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến email: tto@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận