Nhà vệ sinh công cộng miễn phí vừa đưa vào sử dụng ở công viên Gia Định (TP.HCM) do Sacombank đầu tư xây dựng - Ảnh: N.C.T. |
112 nhà vệ sinh công cộng miễn phí này sẽ được xây dựng, bố trí ở các công viên, bến xe tại các quận, huyện TP.HCM.
Thiếu trầm trọng
Tại TP.HCM, hiện hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở các công viên, đường phố không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng kém. Một số công viên như Bàu Cát (Q.Tân Bình), Âu Lạc (Q.5), 23-9 (Q.1)... người dân phải rất vất vả trong việc tìm nhà vệ sinh khi có nhu cầu.
Anh Nguyễn Văn Hảo (sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM) phản ảnh: “Tại một số công viên, dù đã thu phí vệ sinh 2.000 đồng/lượt nhưng chất lượng phục vụ rất kém. Chuyện vào nhà vệ sinh nhưng vòi nước hỏng, không có giấy vệ sinh là thường”.
Tại công viên Văn Lang (Q.5), chị Đỗ Thị Tâm - một người dân sống gần công viên - lắc đầu ngán ngẩm: “Nhà vệ sinh ở công viên này đã cũ lại không được thường xuyên dọn dẹp nên nhếch nhác, bốc mùi hôi khó chịu. Nhiều khách ra vào phải bịt khẩu trang”.
Công viên 30-4 là nơi có nhiều bạn trẻ đến mỗi ngày, nhất là những ngày cuối tuần, lễ tết. Thế nhưng dạo quanh một vòng công viên này rất khó để tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng dù là có thu phí.
Phần lớn những người ngồi tại công viên này khi có nhu cầu vệ sinh cá nhân thường đi bộ một quãng đường khá xa tới Nhà văn hóa Thanh niên để sử dụng nhà vệ sinh tại đây.
Đặc biệt, tại các bến xe lớn như bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh), Miền Tây (Q.Bình Tân), An Sương (Q.12) dù lượng khách đến đây có khi lên đến hàng chục ngàn người nhưng nhà vệ sinh ít ỏi nên không thể đáp ứng.
“Vào lúc cao điểm, khách tại bến xe Miền Đông phải xếp hàng chờ đi vệ sinh” - nhân viên bến xe cho biết.
Chưa kể, do nhà vệ sinh tại các bến xe đều có thu phí nên một số hành khách, tài xế xe ôm hoạt động quanh bến xe không vào trong bến để đi vệ sinh mà “làm luôn” ở các góc khuất quanh bến xe. Bức tường phía trước bến xe Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh) luôn trong tình trạng mùi khai nồng nặc.
Còn nhiều băn khoăn
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, thời gian qua đã có 10 nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân miễn phí được xây dựng tại một số khu vực trung tâm TP, bao gồm các công viên 23-9, Gia Định, Lê Văn Tám, Tao Đàn, bến xe Đầm Sen và bến xe Chợ Lớn. Sau hơn nửa năm đưa vào sử dụng đã được đa số người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải cho biết còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải được khắc phục trước khi triển khai đại trà.
Về tình hình an ninh trật tự còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều đối tượng sử dụng hệ thống nhà vệ sinh công cộng cố tình phá hoại, gây hư hỏng và mất mát trang thiết bị nội thất bên trong.
Còn nhiều đối tượng sử dụng ma túy trong nhà vệ sinh công cộng gây ảnh hưởng đến người khác khi vào nhà vệ sinh.
Đối với một số hạng mục dành cho người khuyết tật sử dụng vẫn chưa “thân thiện”. Điển hình như lối lên xuống có độ dốc khá cao, người ngồi xe lăn không thể tự di chuyển vào trong và mặt nền lối lên xuống trơn, láng dễ gây tai nạn.
Trong nhà vệ sinh không có những ký hiệu bằng chữ nổi để người khiếm thị nhận biết, không có hệ thống báo động nhằm giúp người khuyết tật gọi trợ giúp khi gặp sự cố...
Trong khi đó, một công ty quảng cáo tại TP.HCM cho rằng để thu hút được nhà đầu tư cần phải chọn vị trí đặt nhà vệ sinh có mặt tiền đẹp, nơi nhiều người qua lại. Nhưng việc này lại khó với cơ quan quản lý nhà nước vì thường nhà vệ sinh phải được thiết kế tại các góc khuất.
Do đó, cần phải hài hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thì việc đầu tư mới hiệu quả và triển khai rộng rãi. Ngoài ra, cần phải linh động trong việc thiết kế mẫu mã nhà vệ sinh. Cần phải có những chính sách ưu đãi đối với các vị trí nhà vệ sinh nằm xa nội thành, những vị trí ít người qua lại.
Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Quý Cáp - phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM - cho biết ở góc độ quảng cáo, quan trọng nhất là vị trí, do đó khi triển khai nhà vệ sinh công cộng miễn phí có kèm theo biển quảng cáo cần phải lưu ý đến vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận