19/05/2019 10:16 GMT+7

Nhiều ưu đãi thanh toán thẻ khi mua hàng online

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) đang tích cực thay đổi để tạo niềm tin cho khách mua, đồng thời tung chiêu khuyến khích người dùng chuyển sang hình thức thanh toán trực tuyến thay cho việc trả tiền mặt khi nhận hàng.

Nhiều ưu đãi thanh toán thẻ khi mua hàng online - Ảnh 1.

Nhiều người mua hàng online vẫn giữ thói quen nhận hàng và trả tiền mặt, dù thanh toán qua thẻ được nhiều ưu đãi hơn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thanh toán không dùng tiền mặt chiếm dưới 10% trong tổng lượng thanh toán của toàn ngành TMĐT Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, theo các chuyên gia, thanh toán bằng thẻ có độ an toàn, chính xác và bảo mật cao, tra soát dễ dàng hơn so với dùng tiền mặt.

Thói quen tiền mặt hay thiếu niềm tin?!

Ông Trần Tuấn Anh - giám đốc điều hành sàn TMĐT Shopee Việt Nam - cho biết tỉ lệ thanh toán COD (cash on delivery) - dịch vụ giao hàng thu tiền hộ - đang giảm dần thời gian qua, nhưng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong lĩnh vực TMĐT. Theo thống kê của Hiệp hội TMĐT (VECOM), 90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt.

Theo ông Tuấn Anh, thực trạng thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay phản ánh tâm lý, thói quen trong hành vi mua hàng của người Việt ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, kể cả mua hàng online. Thực tế không chỉ sàn TMĐT, mà ngay tại các siêu thị cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người theo thói quen rút tiền từ máy ATM để thanh toán, trong khi máy thanh toán thẻ được đặt ngay trên quầy hàng siêu thị.

Mức độ tiếp cận của người dân với các phương thức thanh toán mới còn đang rất hạn chế, cũng như tâm lý lo ngại rủi ro trong giao dịch thanh toán trực tuyến. Nhiều nhà kinh doanh TMĐT thừa nhận thói quen sử dụng tiền mặt đang là một trong những trở ngại lớn nhất mà các sàn đối mặt hiện nay do chi phí phát sinh cao.

Bà Lưu Hạnh - phụ trách truyền thông của Lazada - cho rằng tình trạng mua hàng qua mạng nhưng lại chọn trả tiền mặt chủ yếu do người tiêu dùng còn cảm giác lo lắng thanh toán thẻ phức tạp, khó theo dõi, không dễ dàng và trực quan như thanh toán tiền mặt. Hơn nữa, không ít người vẫn hoài nghi vấn đề bảo mật, sợ lộ số thẻ có thể bị mất tiền.

"Nhưng rào cản lớn nhất là người dùng chưa tin tưởng chất lượng hàng hóa trên sàn, họ muốn thấy hàng mới trả tiền. Những nghi ngại này khiến tốc độ dịch chuyển của thị trường không tiền mặt chậm chạp" - bà Hạnh nói. Nhiều người tiêu dùng cũng thừa nhận chưa tin vào dịch vụ hậu mãi, sau bán hàng của các sàn.

Chị Mai Hương (quận 7, TP.HCM) cho biết các mặt hàng bày bán trên mạng hiện nay tốt xấu lẫn lộn, không ai quản lý hoặc quản lý không xuể dẫn đến hàng nhái, hàng dỏm tràn lan. "Nếu người mua thanh toán bằng thẻ trước khi nhận hàng sẽ gặp khó trong việc đổi trả. Nhiều người phát hiện sản phẩm được giao không giống với hình ảnh và nội dung quảng cáo nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy được trả hàng, hoàn tiền" - chị Mai Hương nói.

Tạo niềm tin cho người mua hàng

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT thuộc Cục TMĐT và kinh tế, kết quả khảo sát cho thấy người mua đang e ngại trả tiền trước khi mua hàng qua mạng là do hàng hóa thường được mô tả nhiều về sản phẩm nhưng lại thiếu chi tiết xuất xứ. Người tiêu dùng sợ mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Tuy nhiên, hiện thị trường TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh và thu hút các dòng vốn đầu tư lớn. Một số dự báo cho rằng doanh thu thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam có thể cán mốc 10 tỉ USD vào năm 2020, sớm hơn cả dự kiến của người làm chính sách. 

"Lúc đó thói quen thanh toán bằng tiền mặt sẽ trở nên đáng ngại cho việc phát triển thị trường, hoạt động kinh doanh TMĐT của doanh nghiệp..." - ông Tuấn nói.

Để tháo gỡ tâm lý này, các sàn TMĐT đang nỗ lực tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng, nhất là chính sách đổi trả hàng hóa. Chẳng hạn tại Lazada, các mặt hàng đều có thời gian đổi trả từ 3-15 ngày. Theo bà Lưu Hạnh, việc đổi trả khi khách thanh toán thẻ nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với thanh toán tiền mặt bởi khi khách hàng tạo đổi trả, hệ thống sẽ tự động dừng việc thanh toán cho người bán và hoàn tiền theo quy trình.

Trong khi đó, nếu thanh toán tiền mặt, thời gian sẽ lâu hơn vì nhiều công đoạn không thể thực hiện tự động. Lazada cũng kết hợp với các ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ để thực hiện các chương trình khuyến mãi kép hấp dẫn cho người tiêu dùng, gồm khuyến mãi trên Lazada và khuyến mãi của ngân hàng khi thanh toán thẻ.

Tại Shopee, ngoài việc hợp tác với các ngân hàng để mang đến những ưu đãi cho người dùng khi thanh toán thẻ, Shopee cũng đã tích hợp cùng AirPay - ứng dụng ví điện tử trên di động - ra mắt phương thức thanh toán mới với tên gọi Ví AirPay ngay trên ứng dụng mua sắm Shopee. 

Đây là một bước tiến mới từ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Shopee và AirPay nhằm thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt chung của toàn cầu và ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Trong đó với tính năng tiện lợi của ví điện tử, người dùng sẽ nạp tiền vào ví AirPay thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ATM (thẻ ghi nợ nội địa) của các ngân hàng đang liên kết với ví để có thể thanh toán cho các giao dịch mua hàng trên Shopee.

"Việc tích hợp ví AirPay trên sàn hứa hẹn mang đến trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và thuận tiện không chỉ cho khách hàng khi tham gia giao dịch trên Shopee, mà còn cho các nhà bán hàng. Nhà bán hàng sẽ tin tưởng hơn về mức độ thành công của đơn hàng khi khách hàng thanh toán trước qua ví AirPay, hạn chế được tỉ lệ đổi trả và hoàn trả hàng" - ông Tuấn nói.

Chính xác, an toàn và dễ tra soát

Theo ông Alban Villani - tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của hệ thống quảng cáo trực tuyến mở Criteo, để tăng tỉ lệ người sử dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt, các sàn TMĐT cần cho người mua nhận thấy những lợi ích của nó. Thực tế thanh toán thẻ an toàn, chính xác và có độ bảo mật cao, tra soát dễ dàng hơn so với dùng tiền mặt.

Đặc biệt, khi thanh toán trên các trang TMĐT uy tín, mức độ bảo mật càng cao hơn, chưa kể không mất phí rút tiền mặt. Theo báo cáo Hành vi người dùng điện thoại thông minh 2017 của Nielsen Việt Nam, tỉ lệ người sở hữu điện thoại thông minh tại Việt Nam lên tới hơn 70% dân số, nên tiềm năng cho thanh toán không tiền mặt qua phương thức ví điện tử sẽ là rất lớn.

Ông Lê Hải Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam:

Giao hàng và quẹt thẻ

Ngoài việc đa dạng các phương thức thanh toán, sàn TMĐT cũng cần xác định nguyên nhân cản trở người mua hàng online nhưng không mặn mà với thanh toán qua thẻ. Phần lớn do yếu tố niềm tin, họ dùng hình thức ship COD, tức nhận hàng và trả tiền mặt vì muốn thấy hàng mới chịu trả tiền.

Do đó, có thể nên định nghĩa lại COD và tính đến phương án thanh toán. Chẳng hạn, thay vì nhận tiền mặt, người giao hàng cầm theo máy POS để người mua hàng cà thẻ trả tiền hoặc thanh toán bằng ví điện tử, quét mã QR...

Bỏ quyền kiểm tra trước khi nhận hàng, ai bảo vệ người mua sắm online? Bỏ quyền kiểm tra trước khi nhận hàng, ai bảo vệ người mua sắm online?

TTO - Hiện nhiều sàn thương mại điện tử bỏ quy định khách được kiểm tra hàng trước khi trả tiền nên rủi ro càng nhiều với người mua hàng online.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên