07/10/2018 14:49 GMT+7

Mua hàng online nhưng trả tiền mặt

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Bất chấp đà tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử, tốc độ xê dịch từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt sang các phương thức thanh toán trực tuyến khác của người tiêu dùng vẫn khá ì ạch.

Mua hàng online nhưng trả tiền mặt - Ảnh 1.

Khách mua hàng trực tuyến của VN vẫn thích trả tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, có 82% người mua hàng trực tuyến VN vẫn chọn hình thức giao hàng trả tiền trong năm 2017, điều này đang tạo ra những rủi ro về vận hành cho doanh nghiệp cũng như cản trở sự phát triển chung của thị trường thương mại điện tử.

Trả tiền mặt, bỏ hàng cao

Kinh doanh bán hàng online trên mạng xã hội được 7 năm, chị Thanh Hòa (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết một trong những ác mộng mà giới bán hàng online đối mặt chính là việc khách sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ. 

Nhóm khách thường lấy lý do mua hàng không biết chất lượng thế nào nên hay chọn hình thức này. Khi nhận hàng, người mua "check" xong mới phải thanh toán.

"Nhiều khách lúc đặt đồ thì nói chắc như đinh đóng cột, nhưng đến giao hàng thì không thấy tăm hơi. Có nhiều lý do, từ địa chỉ khó tìm khiến người đi giao tìm không ra, đến không liên lạc được với khách, khách dời lịch giao... Những lần như vậy shop sẽ bị mất phí vận chuyển hai chiều, hàng thì không bán được, tội nhất là người đi giao hàng" - chị Hòa nói.

Tại cửa hàng của chị Hòa, tỉ lệ khách thanh toán tiền mặt chiếm 85%, còn lại 15% chủ yếu chuyển khoản dù với hóa đơn trên 3 triệu đồng, cửa hàng áp dụng chính sách tặng quà cho khách trả thẻ. 

Không chỉ các cửa hàng tư nhân, những sàn thương mại điện tử lớn ở VN cũng đang đầu tư giải quyết bài toán nâng cao tỉ lệ thanh toán phi tiền mặt, vì điều đó cũng đảm bảo cho tỉ lệ bỏ hàng của khách thấp nhất.

Theo ông Trần Tuấn Anh - giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Shopee VN, tỉ lệ thanh toán COD (cash on delivery) - dịch vụ giao hàng thu tiền hộ - ở VN là rất cao, gần như là tuyệt đối và cao hơn hẳn so với các thị trường lân cận. 

Trong khi đó, các hình thức thanh toán khác như trả bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ còn rất hạn chế. 

Theo ông Tuấn Anh, lý do dùng COD nhiều chủ yếu là do thói quen tiêu dùng của người Việt, tiền mặt vẫn là thông dụng nhất nên thay đổi thói quen vẫn là một thử thách. Không những vậy, người tiêu dùng cũng cần thời gian để thật sự bị thuyết phục bởi sự tiện lợi, an toàn và lợi ích của thanh toán phi tiền mặt. 

"Nhiệm vụ của các nhà thương mại điện tử hiện nay là làm sao tăng thêm nhiều hình thức thanh toán cho khách hàng thì COD mới giảm" - ông Tuấn Anh nói.

Đại diện sàn Lotte.vn cũng cho biết những ngày đầu vào VN, tỉ lệ khách mua hàng trên sàn thanh toán bằng tiền mặt đến hơn 90%, hiện tỉ lệ này đã giảm dần nhưng vẫn còn trên 80% dù nhà bán lẻ liên tiếp tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi dành cho khách hàng là chủ thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến... 

"Ban đầu các chuyên gia Hàn Quốc nghĩ lý do có thể do sàn còn mới nên người tiêu dùng chưa tin tưởng, họ muốn tránh cảnh nhận một món hàng chẳng giống như trên ảnh, mà tiền thì đã chuyển trước rồi. Nhưng thời gian trôi qua, dù đơn hàng tăng lên, tỉ lệ thanh toán bằng thẻ vẫn khá thấp" - đại diện Lotte.vn chia sẻ.

Mua hàng online nhưng trả tiền mặt - Ảnh 2.

Người tiêu dùng vẫn có thói quen cầm món hàng trên tay rồi mới trả tiền mặt, thay vì thanh toán bằng thẻ khi đặt hàng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Khuyến khích phi tiền mặt

Ông Alban Villani - tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của nền tảng quảng cáo trực tuyến mở Criteo - cho rằng một trong những lý do các nhà thương mại điện tử chưa dám nhảy mạnh vào VN đến từ vấn đề thanh toán ở VN. 

Nếu VN xây dựng được hệ thống thanh toán phù hợp gắn với hệ sinh thái của nó sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Điều đáng mừng là tỉ lệ thanh toán phi tiền mặt của VN đang tăng trưởng tốt. Theo ông Villani, năm 2017 tỉ lệ thanh toán trực tuyến khi mua hàng online của người VN tăng trưởng 22%, lên mức 6,14 tỉ USD và được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022. 

"Thanh toán thuận lợi sẽ tăng quyết định mua hàng của khách hàng, giảm tỉ lệ bỏ hàng, cho nên càng có nhiều kênh thanh toán càng tốt" - ông Alban Villani nói.

Trong cuộc khảo sát trên mạng 12 tháng qua của Criteo, khi được hỏi "Bạn đã dùng phương thức nào để thanh toán cho các giao dịch mua hàng trên mạng?", 37% số người được hỏi trong khảo sát cho biết đã mua hàng trực tuyến bằng cách sử dụng phương thức trả tiền mặt khi giao hàng.

18% số người được hỏi thì cho biết thanh toán bằng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Cũng con số này thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán kết nối với thẻ nội địa (ATM). Có 11% người được hỏi thanh toán qua thẻ tín dụng, chưa đến 10% số người được hỏi sử dụng các hình thức khác.

Ông Villani cho biết tình hình này cũng khá tương đồng với các thị trường khác như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khiến chi phí vận hành của doanh nghiệp bị đẩy lên, mất đi tính cạnh tranh.

Tại hội nghị CEO & CFO Việt Nam 2018 do Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM gần đây, bà Christy Trang Lê, giám đốc quốc gia Facebook Việt Nam, cho rằng khoảng 90% dân số mua sắm dạng offline, nhưng 60% lại quyết định mua hàng khi nhìn thấy sản phẩm đó khi online. 

Hai "thế giới" online - offline nếu kết nối với nhau sẽ rất hữu hiệu, cùng với quá trình này là việc cung cấp đa dạng hình thức thanh toán của nhà bán hàng để giúp khách hàng không bỏ lại đơn hàng của mình.

Theo Hội Thẻ ngân hàng VN, 40% dân số VN hiện đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% trong số này chi tiêu hằng ngày bằng cách sử dụng tiền mặt và 99% dùng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng. 

Để tăng thêm tính năng động cho thị trường, các loại ví điện tử là một hình thức thanh toán trực tuyến an toàn và được nhiều chuyên gia để ý.

Ông Charles Brewer, tổng giám đốc điều hành DHL eCommerce, nói tâm lý nhìn thấy hàng mới trả tiền cũng khiến hình thức giao hàng thu tiền hộ phát triển. Nhiều vụ việc khách hàng mua đồ nhưng phát hiện hàng không giống với hình ảnh và nội dung quảng cáo đã xảy ra. 

Do đó, khi nhận và kiểm tra hàng, nếu chọn hình thức COD, khách hàng sẽ có thể từ chối thanh toán món đồ không như ý.

Tuy vậy, khi mức độ tin cậy của người tiêu dùng đối với hàng hóa trên kênh thương mại tăng lên, họ có thể chuyển sang thanh toán trực tuyến. 

"Các nhà bán lẻ một mặt cần cải thiện thêm chất lượng bán hàng, mặt khác cung cấp cho người dùng đa dạng phương thức thanh toán, tăng thêm lựa chọn" - ông Charles Brewer nói.

Thị trường 6,2 tỉ USD

Theo Sách trắng thương mại điện tử VN 2018, doanh thu ngành thương mại điện tử VN trong năm 2017 đạt 6,2 tỉ USD, tăng trưởng 24%. Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến ở VN đã tăng lên 33,6 triệu người.

Trung bình giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người khoảng 186 USD, tăng 16 USD so với năm trước, độ tuổi 18-25 đang là khách hàng nhiều tiềm năng nhất của thị trường này.

Mặt hàng được người Việt mua nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm. Tuy vậy, so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, thương mại điện tử đến nay cũng chỉ mới chiếm 3,6%.

Báo cáo sách trắng của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cũng ghi nhận COD đang là hình thức thanh toán phổ biến của người dùng VN với tỉ lệ lên đến 82%, sau đó mới đến chuyển khoản 48%, các hình thức sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, ví điện tử lần lượt chiếm 19% và 7%.

Ngân hàng đón nhận xu hướng ‘không tiền mặt’ ra sao? Ngân hàng đón nhận xu hướng ‘không tiền mặt’ ra sao?

TTO - Không còn lấy phát hành thẻ làm thước đo, gần đây, để bắt kịp sự phát triển, các ngân hàng không ngừng ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chiến lược ngân hàng số, đa dạng các kênh thanh toán không tiền mặt nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại VN

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên