21/08/2017 12:11 GMT+7

Nhiều tàu chở nix thải 'mất tích'

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Hơn bốn năm qua đã có 309 chuyến tàu chở gần 400.000 tấn nix thải từ Nhà máy Hyundai Vinashin (HVS) ở tỉnh Khánh Hòa đi các nhà máy ximăng để xử lý. Thế nhưng nhiều tàu đã "mất tích", chứ không đến nhà máy.

Đối chiếu hồ sơ tàu rời cảng HVS và các cảng vụ ở Quảng Bình, hiện còn 7 tàu chở nix thải khai báo đến cảng Lèn Bảng và cảng Hòn La ở tỉnh Quảng Bình nhưng... “mất tích”  - Ảnh: V.TR.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm đến các bến cảng và nhà máy ximăng ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nam, Kiên Giang để điều tra xem các tàu này có đến nhà máy ximăng thật hay không.

“Rất lạ”

Chuyến tàu đầu tiên chở nix thải từ HVS đi các nhà máy ximăng được ghi nhận ngày 16-10-2013 là tàu Thành Đô chở 1.000 tấn nix thải đi Quảng Bình.

Tính đến đầu tháng 8-2017 đã có 309 tàu chở gần 400.000 tấn nix thải đến các nhà máy ximăng. Trong đó, 131 tàu được Cảng vụ hàng hải Nha Trang cấp phép đi Quảng Bình, 109 tàu đi Ninh Bình, 23 tàu đi Đồng Nai, 22 tàu đi Vũng Rô (Phú Yên), 4 tàu đi Quy Nhơn (Bình Định), 9 tàu đi TP.HCM...

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt nghi vấn đối với 22 tàu đến Vũng Rô và 4 tàu đến Quy Nhơn. Tổng khối lượng nix thải mà 26 tàu này khai báo chở đến Vũng Rô và Quy Nhơn lên tới 29.364 tấn.

Các tàu này chở nix thải đến đây làm gì trong khi những nhà máy ximăng nhận xử lý nix thải mà HVS ký hợp đồng không hề đặt ở hai tỉnh này?

Đầu tháng 8-2017, chúng tôi đến cảng Vũng Rô xác minh. Ông Nguyễn Hồng Lộc - trưởng phòng kế hoạch cảng - đã in toàn bộ danh sách tàu đến cảng từ đầu năm 2016 đến nay để đối chiếu với danh sách của Cảng vụ hàng hải Nha Trang.

Sau gần một giờ rà soát rất kỹ, ông Lộc quả quyết: “Không có tàu chở nix thải nào đến giao hàng tại cảng Vũng Rô trong hai năm qua. Toàn bộ 22 tàu khai báo đến Vũng Rô nhưng thực tế không có”.

Tương tự, sau khi đối chiếu danh sách này, ông Liễu Minh Hoài - phó giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn - rất bất ngờ.

“Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn có chức năng quản lý các cảng tại Vũng Rô và Quy Nhơn. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay chúng tôi không ghi nhận bất cứ tàu chở nix thải nào. Chuyện này rất lạ” - ông Hoài khẳng định.

26 tàu đã chở nix thải đi đâu?

Khi liên hệ với các chủ tàu Hoàng Sa, Hà Dương, Hoàng Ngân... thì được trả lời các tàu chở nix thải mà chúng tôi đang tìm đã đến giao hàng tại cảng Lèn Bảng (Quảng Bình) và Vissai - Ninh Bình chứ không đến Vũng Rô, Quy Nhơn.

Vì sao khai báo là Vũng Rô, Quy Nhơn mà tàu lại đến Quảng Bình, Ninh Bình? Ông Hưng, chủ tàu Hà Dương 08, nói: “Chắc là bên cảng vụ nhầm”. Tuy nhiên, Cảng vụ hàng hải Nha Trang khẳng định tờ khai của 26 chiếc tàu “mất tích” ở cảng Vũng Rô và Quy Nhơn vẫn còn lưu giữ đầy đủ, không có chuyện nhầm.

Từ thông tin của chủ tàu, chúng tôi đến cảng Lèn Bảng, Hòn La (Quảng Bình) và Vissai - Ninh Bình để xác minh. Cảng vụ hàng hải Quảng Bình và Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 tại Hà Nội đã trích xuất toàn bộ dữ liệu tàu chở nix thải từ Khánh Hòa đến các cảng ở hai tỉnh này từ năm 2013 đến nay.

Từ các danh sách này chúng tôi đã tìm ra dấu vết 26 tàu “mất tích”, trong đó có 10 tàu đến cảng Lèn Bảng giao cho Nhà máy ximăng Sông Gianh, 15 tàu đến cảng Vissai - Ninh Bình và 1 tàu đến Hà Nam giao cho nhà máy ximăng Công ty tập đoàn Hoàng Phát Vissai.

15 tàu “mất tích”?

Ông Lê Đức Cường - phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 - cho hay: “Đối chiếu danh sách của Cảng vụ hàng hải Nha Trang và HVS, chúng tôi thấy còn thiếu 7 tàu không đến Quảng Bình và 8 tàu ở Ninh Bình”. Tổng khối lượng nix thải mà 15 tàu này chở lên tới 27.757 tấn.

Bước đầu đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 tại tỉnh Ninh Bình xác định danh tính 8 tàu chở nix thải không đến tỉnh này từ tháng 3-2015 đến tháng 9-2016 gồm các tàu XT, BD, ĐM, HL... Còn các tàu không tìm thấy ở Quảng Bình ghi nhận vào thời điểm từ tháng 11-2013 đến tháng 4-2016 gồm BM, TĐ, TM, PL, TL, TA...

Theo hợp đồng với HVS, Công ty Mascon tại Hà Nội chịu trách nhiệm chuyển nix thải đến tỉnh Quảng Bình. Bà Nguyễn Thị Yến - đại diện công ty - cho biết đã thuê Vinafco miền Trung vận chuyển nên không biết tên tàu. Chúng tôi đề nghị cung cấp số liệu giao hàng tại Quảng Bình nhưng bà Yến từ chối với lý do: “Phần mềm kế toán bị hỏng không trích xuất dữ liệu được”.

Còn Công ty Đông Đô ký hợp đồng với HVS vận chuyển nix thải đến kho vật tư của Công ty tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Địa chỉ Công ty Đông Đô ghi trong hợp đồng không có số nhà, chỉ ghi chung chung đường Triệu Việt Vương, P.Bích Đào, TP Ninh Bình. Thế nhưng chúng tôi đi tìm cả buổi sáng không có.

Gọi trực tiếp cho lãnh đạo công ty này là ông Phạm Đức Minh, ông nói đang đi công tác, phóng viên hỏi vì sao tàu khai báo chở nix thải về Ninh Bình nhưng tìm không được, ông Minh trả lời: “Cái này đưa về nhà máy ở Ninh Bình và Hà Nam hết. Nhưng ở Ninh Bình chỉ có 30% thôi, chủ yếu là nhập về Vissai Hà Nam chiếm 70%”.

Tuy nhiên, theo thống kê của đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 tại Hà Nam, vào các năm 2013, 2014 và 2017 không có tàu nào chở nix thải đến cảng Vissai Hà Nam. Năm 2015 có 4 tàu chở từ Ninh Bình ra với khối lượng 7.492 tấn. Năm 2016 có 6 tàu chở 8.471 tấn ra Hà Nam.

Như vậy, Nhà máy ximăng Vissai Hà Nam chỉ nhận 15.963 tấn, chiếm chưa tới 10% khối lượng mà HVS đã giao cho Công ty Đông Đô. Khi được hỏi chuyện này, ông Minh nói bận và tắt máy.

Nghi vấn hợp thức hóa dữ liệu

Một con tàu chở 3.000 tấn hạt nix rời cảng HVS (Khánh Hòa) đến Nhà máy ximăng Insee (Kiên Giang) Ảnh: TIẾN TRÌNH
Một con tàu chở 3.000 tấn hạt nix rời cảng HVS (Khánh Hòa) đến Nhà máy ximăng Insee (Kiên Giang) Ảnh: TIẾN TRÌNH

Khi phát hiện có tàu chở nix thải “biến mất”, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với HVS.

Ngày 10-8, HVS phản hồi cho biết: “Công ty Mascon và Công ty Đông Đô vừa báo cáo đã tìm được 14/15 tàu. Chỉ còn tàu Thành Đô chở 1.000 tấn nix thải rời cảng HVS đi Quảng Bình vào tháng 11-2013 vẫn chưa tìm được”.

Hôm sau HVS tiếp tục báo đã tìm được tàu Thành Đô đến cảng Lèn Bảng ngày 17-11-2013, nhưng hồ sơ phóng viên có được cho thấy tàu này chở 1.000 tấn đến Lèn Bảng ngày 15-11-2013. Không thể có chuyện tàu này cập cảng hai lần trong ba ngày.

Còn hai tàu Bình Minh 136 bị coi là “mất tích” tháng 4-2014 thì HVS cho biết đều cập cảng Hòn La (tỉnh Quảng Bình) ngày 18-4-2014 và 8-5-2014. Thế nhưng dữ liệu của Cảng vụ hàng hải Quảng Bình năm 2014 thể hiện tàu Bình Minh 136 rời Khánh Hòa ngày 28-4, đến cảng Hòn La ngày 30-4 và dỡ hàng đến ngày 9-5 mới rời đi.

Hay như tàu Xuân Thắng 88 chở 862 tấn nix thải rời Khánh Hòa ngày 7-3-2015 đi Ninh Bình nhưng không có tên trong hồ sơ của đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 tại Ninh Bình. Sau đó Công ty Đông Đô trả lời tàu này đi cảng... Vissai Hà Nam. Thế nhưng trong hồ sơ của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 không có thông tin tàu này đến Hà Nam.

Cảng vụ: 10 tàu chưa tìm được dấu vết

Trước nghi vấn các doanh nghiệp “phù phép” để hợp thức hóa các tàu “mất tích”, ông Lê Đức Cường đã đến đại diện cảng vụ tại Ninh Bình trực tiếp rà soát hồ sơ gốc. Ngày 14-8, ông Cường có văn bản xác nhận chỉ tìm được 5/8 tàu “mất tích” ở tỉnh Ninh Bình.

Mặc dù vậy, vẫn còn thiếu 3 tàu không đến Ninh Bình gồm: Xuân Thắng 99 (tháng 9-2015), Xuân Thắng 66 (tháng 6-2016) và Xuân Thắng 88 (tháng 9-2016). Một tàu trong số này được thông báo đến Chu Lai, nhưng chưa được kiểm chứng.

Như vậy tính đến ngày 16-8, căn cứ hồ sơ của các bên, vẫn còn 10 tàu chở nix thải đến Ninh Bình và Quảng Bình “mất tích”.

Vì sao nix thải của HVS nguy hại?

Theo ông Đỗ Thanh Bái - chuyên gia Hội Hóa học VN, hạt nix cũng giống như xỉ sắt, thu được trong quá trình luyện đồng. Về bản chất, nó là oxit silic (SiO2) và oxit sắt (Fe2O3), không phải là chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, khi dùng hạt nix để phun làm sạch vỏ tàu cũ thì nix thải đang tồn kho tại HVS không còn như trước mà có lẫn những vật chất thuộc các nhóm chất thải nguy hại. Vỏ tàu thường được phủ một lớp sơn có độc tính cao đối với sinh vật sống trên biển (hà) để chúng không bám vào. Sơn chống hà là một hợp chất của thiếc, rất chậm tan. Khi con hà bám vào thì nó sẽ chết. Vì thế nó cũng độc đối với sinh vật, trong đó có con người.

Ngoài ra, người ta cũng dùng chất màu hữu cơ rất độc để sơn vỏ tàu, vừa chống hà vừa để trang trí. Các chất hữu cơ đó thường thuộc gốc chì, crom, đồng, cadimi… Khi dùng hạt nix phun vào vỏ tàu cũ thì lúc bắn trở ra nó sẽ mang theo những chất độc trong mảnh vụn sơn.

Nix thải ở đâu ra?

 - Nhà máy tàu biển HVS (vịnh Vân Phong, thuộc địa bàn xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) chính thức hoạt động từ tháng 3-1999. Trong hai tháng đầu, nhà máy dùng cát để bắn làm sạch vỏ tàu trước khi sơn.

Tuy nhiên biện pháp này không hiệu quả nên HVS xin phép và được Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường lúc đó cho phép sử dụng hạt nix để làm nguyên liệu làm sạch vỏ tàu từ tháng 11-1999.

Chỉ trong hơn một năm HVS đã nhập về hơn 800.000 tấn hạt nix từ Hàn Quốc để sử dụng. Từ năm 2011 trở đi HVS chỉ đóng tàu mới và dùng bi thép làm sạch bề mặt vỏ tàu nên không còn nhập hạt nix nữa.

 - Tháng 4-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đồng ý cho phối trộn 10% nix thải của HVS vào bêtông nhựa nóng để thử nghiệm thảm nhựa mặt đường ở tỉnh này.

Tháng 5-2004, HVS phối hợp với Công ty CP Xây dựng 505 tiến hành phối trộn nix thải thảm nhựa 1km đường Trần Hưng Đạo, Nha Trang. Tuy nhiên sau đó hai bên dừng hợp tác do dư luận lo ngại nix thải là chất thải nguy hại sẽ ảnh hưởng đến công trình.

 - Đến tháng 6-2017, HVS tiếp tục ký hợp đồng với Công ty CP Sao Vàng tại TP Nha Trang sử dụng nix thải phối trộn với bêtông để sản xuất gạch cung cấp cho các công trình dân dụng và giao thông.

Trong hai năm, Công ty Sao Vàng đã sử dụng 1.781 tấn nix thải để sản xuất gạch. Khoảng năm 2009, hai bên ngừng hợp tác cũng do khách hàng e ngại sử dụng sản phẩm có nix thải.

 - Từ năm 2013 đến nay, “núi” nix thải của HVS teo tóp dần nhờ có một số doanh nghiệp sản xuất ximăng nhận làm nguyên phụ liệu thay thế cho quặng sắt.

10 tàu đang ở đâu?

Phóng viên Tuổi Trẻ đã làm việc với Cục Hàng hải VN và Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 để tìm lời giải cho câu hỏi “10 chiếc tàu chở nix thải đi đâu?”. Tuy nhiên, đến thời điểm này không cơ quan nào trả lời được bởi từ trước đến nay các tàu này không được theo dõi qua hệ thống AIS (Auto Identify System).

Đầu năm 2017, phóng viên Tuổi Trẻ đã theo dõi và truy được lịch sử hải trình tất cả các tàu chở cát từ Việt Nam đi Singapore qua trang www.marinetraffic.com. Nhờ vậy có đủ căn cứ khẳng định không có chuyện tàu chở cát bán cho Trung Quốc như tin đồn.

Tuy nhiên, khi vào trang này để truy lịch sử hải trình của các tàu chở nix thải từ năm 2013 đến nay thì không có bất cứ dữ liệu nào. Chính vì vậy, chúng tôi không thể xác định được 10 chiếc tàu chở nix thải từ Khánh Hòa đi Quảng Bình và Ninh Bình theo khai báo nhưng “mất tích” đã đi đâu, đổ ở đâu. Việc này cần phải có các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh.

Trước mắt, Cục Hàng hải cho biết sẽ chỉ đạo các cảng vụ theo dõi tất cả tàu chở nix thải trong thời gian tới qua hệ thống AIS.

Đón xem loạt phóng sự truyền hình trên tv.tuoitre.vn và chương trình “toàn cảnh 24h” lúc 18h30 ngày 21-8 trên kênh vtv9. 

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên