10/12/2009 08:21 GMT+7

Vấn nạn hạt nix là "vấn đề con người"

THÁI BÌNH thực hiện
THÁI BÌNH thực hiện

TT - Vấn đề ở chỗ là làm sao quản lý và xử lý chất thải nix để không gây ô nhiễm môi trường. Đó là nhận định của ông Lê Mộng Điệp - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa - sau khi Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy vừa được khởi công xây dựng tại tỉnh này.

Xây nhà máy xử lý chất thải nix

w3W3cdvR.jpgPhóng to

Đến ngày 8-12-2009, khu chứa hơn 1 triệu tấn chất thải nix tồn đọng của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin vẫn đang được đậy kín bằng bao nilông - Ảnh: Thái Bình

Ông Điệp nói:

- Khi đi vào hoạt động (dự kiến tháng 5-2011), nhà máy này mỗi năm xử lý khoảng 330.000 tấn chất thải nix từ Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin và các doanh nghiệp sửa chữa tàu biển khác. Ngoài chất thải nix, nhà máy còn xử lý cả các chất thải rắn công nghiệp khác nên sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Gắn liền với nhà máy là các dây chuyền hoàn nguyên sắt xốp, sản xuất ximăng, gạch ốp lát, bao bì, trạm khí hóa than... tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp.

* Thưa ông, công nghệ hoàn nguyên của nhà máy này có xử lý triệt để chất thải nix và quá trình đó có gây ô nhiễm môi trường không?

- Trước khi UBND tỉnh phê duyệt dự án, một hội đồng thẩm định gồm các cơ quan chức năng của tỉnh và các nhà khoa học đầu ngành (từ Hà Nội và TP.HCM) đã đánh giá tác động môi trường của công nghệ và các giải pháp mà nhà đầu tư đưa ra để giải quyết các tác động đó. Hội đồng thẩm định đã thông qua việc sử dụng công nghệ này với các giải pháp bảo vệ môi trường kèm theo. Công nghệ hoàn nguyên được sử dụng rộng rãi trên thế giới và được Bộ Khoa học - công nghệ khuyến nghị sử dụng trong việc xử lý chất thải rắn công nghiệp.

Chủ đầu tư (Công ty cổ phần Luyện kim khoáng sản Hà Nội) đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ này để xử lý chất thải nix và được Bộ Tài nguyên - môi trường kiểm tra, đánh giá, công nhận và đồng ý triển khai ứng dụng tại nhà máy vừa khởi công xây dựng.

XDyDhnAV.jpgPhóng to
Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy được khởi công ngay cạnh khu chứa hơn 1 triệu tấn chất thải nix của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin - Ảnh: Thái Bình

* Có ý kiến cho rằng việc cho phép xây dựng một nhà máy xử lý chất thải nix như thế là một cách hợp thức hóa việc ủng hộ công nghệ dùng hạt nix trong ngành sửa chữa tàu biển, vốn được xem là tác động tiêu cực với môi trường?

- Hạt nix là loại nguyên liệu bình thường, chỉ khi sử dụng để làm sạch vỏ tàu mới trở thành chất thải mà nếu phát tán sẽ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo tôi biết, sử dụng hạt nix trong sửa chữa tàu biển là công nghệ hiệu quả và kinh tế nhất, hiện đang được sử dụng trên thế giới.

Vấn đề ở chỗ là làm sao quản lý và xử lý chất thải nix để không gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy mà hạt nix không có tên trong danh mục cấm hay hạn chế nhập khẩu. Còn Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ yêu cầu nhà đầu tư phải trình các giải pháp bảo vệ môi trường nếu muốn sử dụng công nghệ hạt nix.

Mấy năm trước có việc người dân địa phương sống quanh khu vực Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin phản ứng gay gắt tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhưng theo tôi, đó không phải là lỗi của việc sử dụng công nghệ hạt nix mà là do việc quản lý kém để phát tán bụi thải nix.

Đó là lỗi của nhiều phía: chủ đầu tư (Hyundai Vinashin) đã không nghiêm túc thực hiện đúng cam kết về việc sử dụng các giải pháp ngăn chặn bụi thải nix phát tán ra môi trường. Các cơ quan chức năng cũng có lỗi khi thiếu kiểm soát và buộc doanh nghiệp phải thực hiện các cam kết. Gần đây, chúng tôi đã “siết” doanh nghiệp này, dự kiến trong năm 2010 sẽ đặt một trạm quan trắc môi trường tự động để theo dõi, kiểm soát ô nhiễm ở khu vực này.

Đối với Nhà máy xử lý chất thải nix Ninh Thủy cũng vậy, nếu khi đi vào hoạt động mà không nghiêm túc thực hiện các cam kết về giải pháp bảo vệ môi trường thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý, thậm chí có thể kiến nghị đóng cửa. Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển không phải là ngành công nghiệp sạch như một số ngành khác. Nếu còn phát triển ngành công nghiệp này thì phải chấp nhận ô nhiễm ở mức độ nào đó, nhưng không phải phát triển bằng mọi giá.

Nếu cơ quan bảo vệ môi trường làm tốt chức trách của mình và doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các cam kết bảo vệ môi trường thì công nghệ sử dụng hạt nix trong ngành tàu biển không quá đáng ngại. Theo tôi, vấn nạn chất thải nix là “vấn đề con người” chứ không phải công nghệ.

Hạt nix là chất thải

Nguyên liệu mà từ tháng 5-1999 Hyundai Vinashin đã nhập vào VN (gọi là hạt nix) để phun làm sạch vỏ tàu biển là một loại chất thải trong quá trình luyện đồng nên thường được gọi là xỉ đồng. Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) từng khẳng định: “Hạt nix là một loại chất thải công nghiệp... Thành phần hóa học của hạt nix có chứa các chất độc hại và không ổn định...”.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có báo cáo (vào ngày 20-10-2005): “Hạt nix thải (sau khi sử dụng bao gồm cả bụi nix từ nguyên liệu, bụi sơn, các loại gỉ sét kim loại, dầu mỡ...) là chất thải nguy hại nằm trong danh mục A (mã số A1010)...”.

Còn theo báo cáo giải trình lần đầu tiên của chính tổng giám đốc Hyundai Vinashin Pan Soo Kim vào ngày 11-11-1999: “Việc sử dụng hạt mài nix thay cát là không phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu”.

Đồng thời: “Trong bụi nix có chứa các thành phần ôxit kim loại, kim loại nặng có trong sơn. Trong đó phải kể đến chì, chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cộng đồng. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, nước uống, thực phẩm... Nếu không được xử lý có thể gây ô nhiễm nguồn nước, làm thay đổi chất đất...”.

H.M.

THÁI BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên