
Sao Hoa ngữ lao đao vì quảng cáo sai sự thật - Ảnh: Weibo
Những ngày qua, thông tin về hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh vì liên quan quảng cáo kẹo rau củ Kera là vấn đề dư luận quan tâm.
Tình huống của Thùy Tiên không phải trường hợp hiếm trong showbiz Việt nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung. Tại Trung Quốc, không ít sao Hoa ngữ cũng lao đao, suýt mất sự nghiệp vì quảng cáo sai sự thật.
Loạt bê bối quảng cáo sai sự thật chấn động xứ Trung
Cảnh Điềm là một trong những trường hợp tiêu biểu, chịu hậu quả nặng nề do quảng cáo sai sự thật. Sau cú hích trong Tư đằng, danh tiếng của nữ diễn viên nhanh chóng tăng vọt, trở thành gương mặt được nhiều nhãn hàng săn đón.
Vào tháng 4-2021, Cảnh Điềm trở thành đại sứ cho một sản phẩm thực phẩm, quảng cáo rằng đây là viên "trái cây vô hạn", có khả năng giúp giải ngấy dầu mỡ và giữ dáng đẹp nếu dùng đều đặn sau mỗi bữa ăn.

Cảnh Điềm nhận trái đắng vì quảng cáo sai sự thật - Ảnh: Sohu
Với danh tiếng vào thời điểm đó, viên trái cây của Cảnh Điềm được nhiều người tin tưởng sử dụng. Các thông tin, quảng cáo về sản phẩm xuất hiện dày đặc tại nhiều website nổi tiếng.
Trên Zhihu, một số khách hàng đặt câu hỏi về hiệu quả giảm cân của sản phẩm này. Người hâm mộ Cảnh Điềm khẳng định: "Cảnh Điềm chắc chắn đã tìm hiểu kỹ trước khi làm đại diện, nếu không cô ấy sẽ không chọn sản phẩm này".
Theo tờ Ifeng, chiến dịch quảng cáo này giúp nữ diễn viên nhận một khoản thù lao khổng lồ lên đến hàng triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, Cảnh Điềm nhanh chóng nhận trái đắng khi bị khui quảng cáo sai sự thật.

Mỹ nhân Tư đằng phải nộp phạt hơn 7 triệu nhân dân tệ, đồng thời cam kết không quảng cáo sai lệch trong tương lai - Ảnh: Weibo
Cuối năm 2021, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc phát hiện ra rằng quảng cáo mà Cảnh Điềm tham gia có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo.
Sản phẩm không có tác dụng ngừng hấp thụ dầu mỡ và đường như quảng cáo. Sau đó Cảnh Điềm phải nộp 7,22 triệu nhân dân tệ tiền phạt, đồng thời tuyên bố không bao giờ làm đại sứ cho bất kỳ sản phẩm nào quảng cáo sai lệch.
Cũng trong năm 2021, Mã Y Lợi vướng ồn ào chấn động trong sự nghiệp vì thương hiệu trà sữa Chazhilan - thương hiệu cô làm người đại diện - dính cáo buộc lừa đảo quy mô lớn, thu hút đối tác nhượng quyền để chiếm đoạt đầu tư. Tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 7 tỉ nhân dân tệ.

Dù lên tiếng xin lỗi, Mã Y Lợi vẫn không lấy lại được sự tin tưởng từ công chúng - Ảnh: Weibo
Ngoài Cảnh Điềm và Mã Y Lợi, MC Đỗ Hải Đào cũng từng bị kiện quảng cáo sai sự thật cho nền tảng đầu tư trực tuyến Wang Li Bao với khẩu hiệu "đầu tư vào Wang Li Bao, nằm không cũng kiếm tiền".
Theo đó, một người họ Mục vì tin tưởng nam MC nên đã đầu tư 46.000 nhân dân tệ vào nền tảng này. Sau khi Wang Li Bao phá sản, người này không thể rút được tiền nên quyết định khởi kiện Đỗ Hải Đào.

Dù là MC nổi tiếng, Đỗ Hải Đào (trái) cũng không tránh khỏi quảng cáo sai sự thật - Ảnh: Weibo
Ngày 15-3-2023, truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự cố vệ sinh an toàn thực phẩm tại hai chi nhánh của Công ty Half Day Devil ở tỉnh An Huy - thương hiệu do Trương Nhất Sơn làm đại diện. Các cơ sở này trước đó đã bị phạt vì vấn đề này tại các chi nhánh ở Đông Dương, Thanh Đảo và Bắc Kinh.
Xin lỗi là chưa đủ
Theo tờ China Consumer News, việc quảng cáo mang lại cho nghệ sĩ một khoản thù lao khổng lồ. Đứng trước mức cát sê khủng, một số sao sẵn sàng bán đi danh dự để quảng cáo cho mọi sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng hay độ uy tín của chúng.
Thông thường nghệ sĩ sẽ xin lỗi và chấm dứt hợp đồng sau khi sự việc bị phát giác. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại khó lòng đòi lại được khoản thiệt hại vì tin lời quảng cáo của người nổi tiếng. Do đó, việc xin lỗi sau khi bị phát giác quảng cáo sai sự thật là không đủ với những gì họ gây ra.

Xin lỗi sau khi bị phát giác quảng cáo sai sự thật là không đủ - Ảnh: Weibo
Để giải quyết tình trạng này, tại Trung Quốc, vào tháng 10-2022, Tổng cục Quản lý thị trường và 7 cơ quan khác đã đồng ký ban hành "Hướng dẫn về việc quy định hoạt động quảng cáo đại diện của người nổi tiếng".
Trong đó yêu cầu sao Trung Quốc phải sử dụng sản phẩm mình đại diện đầy đủ và thực tế nhằm tránh việc mua sắm sản phẩm tượng trưng để làm thủ tục.
Dựa trên hướng dẫn này, gần đây Cục Quản lý thị trường Bắc Kinh cũng phát hành "Hướng dẫn về hành vi quảng cáo của người nổi tiếng tại Bắc Kinh".
Văn bản nêu rõ các yêu cầu cụ thể như nghệ sĩ phải theo dõi sản phẩm mình quảng cáo trong suốt thời gian làm đại sứ.
Nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề chất lượng nghiêm trọng hoặc doanh nghiệp vi phạm pháp luật, nghệ sĩ cần kịp thời kiểm tra, đánh giá và có thể chấm dứt hợp đồng hoặc đưa ra tuyên bố cá nhân để sửa chữa.

Người nổi tiếng cần phải theo dõi sản phẩm mình quảng cáo trong suốt thời gian làm đại sứ là một trong những yêu cầu tại Trung Quốc - Ảnh: Weibo
Li Lingyun - luật sư tại Công ty Luật Bắc Kinh - cho biết các quy định này sẽ giúp hạn chế những hành vi "lách luật", đồng thời tăng cường trách nhiệm của nghệ sĩ trong quảng cáo.
Người nổi tiếng sẽ phải thực hiện trách nhiệm thẩm định sản phẩm và chỉ đại diện cho những sản phẩm có chất lượng và hợp pháp. Nếu không làm đúng, cơ quan chức năng có thể xử phạt theo điều 61 của Luật Quảng cáo, yêu cầu nộp lại lợi nhuận có được từ quảng cáo sai sự thật và có thể bị phạt tiền gấp đôi số tiền đó.
Ngoài ra, theo điều 38, khoản 3 của Luật Quảng cáo Trung Quốc, nghệ sĩ bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật sẽ bị cấm tham gia hoạt động quảng cáo trong vòng 3 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận