27/08/2024 19:57 GMT+7

Nhiều quốc gia cho phép người lao động 'ngắt kết nối' sau giờ làm

Không chỉ Úc, nhiều quốc gia ở châu Âu cũng đã áp dụng điều luật cho phép nhân viên từ chối giải quyết các yêu cầu công việc sau giờ làm để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Nhiều quốc gia cho phép người động “ngắt kết nối” sau giờ làm - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia cho phép người lao động từ chối các yêu cầu công việc sau giờ làm - Ảnh: SRI LANKA MIRROR

Ngày 26-8, Úc đã trở thành quốc gia mới nhất cho phép người lao động có quyền từ chối trả lời email, tin nhắn, cuộc gọi ngoài giờ làm việc không hợp lý từ cấp trên.

Việc xác định lý do từ chối hợp lý hay không sẽ do Ủy ban Công bằng lao động (FWC) quyết định. Họ sẽ cân nhắc vai trò, hoàn cảnh cá nhân của nhân viên và cách thức cũng như lý do liên lạc từ phía công ty.

Ngoài Úc, đã có nhiều quốc gia châu Âu khác cũng cho phép người lao động từ chối yêu cầu làm việc ngoài giờ từ cấp trên nếu yêu cầu đó không phù hợp.

Pháp

Năm 2017, Pháp thông qua điều luật cho phép nhân viên có quyền từ chối trả lời email từ cấp trên ngoài giờ làm việc.

Các công ty có từ 50 nhân viên trở lên được yêu cầu phải đàm phán với đại diện người lao động, từ đó đưa ra quyết định khi nào công ty được liên lạc với nhân viên qua các phương tiện truyền thông điện tử.

Pháp được biết đến là một trong những quốc gia có thị trường lao động được quản lý chặt chẽ nhất, phần lớn đến từ quy định thời gian làm việc 35 giờ/tuần với người lao động.

Bỉ

Từ năm 2022, Bỉ đã cho phép nhân viên có quyền được từ chối trả lời các tin nhắn công việc sau giờ làm.

Ban đầu, quy định chỉ được áp dụng đối với các công chức nhà nước, nhưng sau đó nó được phổ biến rộng rãi và áp dụng cho cả nhân viên làm việc ở các cơ sở tư nhân với quy mô từ 20 người trở lên.

Bỉ cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép nhân viên có thể làm việc 4 ngày/tuần.

Bồ Đào Nha

Tháng 11-2021, Bồ Đào Nha ban hành một loạt các quy định mới nhằm cải thiện điều kiện làm việc, trong đó bao gồm quyền “được nghỉ ngơi” của người lao động.

Theo đó, cấp trên không được phép liên lạc với nhân viên ngoài giờ làm việc, trừ trường hợp khẩn cấp.

Người lao động ở Bồ Đào Nha cũng có quyền được nghỉ ngơi ban đêm ít nhất 11 tiếng liên tục và không bị làm phiền trong khoảng thời gian này, ngoại trừ những tình huống đặc biệt nghiêm trọng.

Tây Ban Nha

Năm 2018, Tây Ban Nha đã thông qua điều luật “ngắt kết nối”, yêu cầu các công ty tôn trọng quyền của nhân viên, không liên lạc ngoài giờ làm việc đã thỏa thuận.

Chiến dịch toàn quốc do Viện An toàn và sức khỏe lao động quốc gia của Tây Ban Nha khởi xướng nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà tuyển dụng trong việc tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong một môi trường lành mạnh hơn.

Chiến dịch là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Tây Ban Nha để tăng cường nhận thức và đảm bảo rằng các nhà tuyển dụng tuân thủ quy định này.

Ireland

Ireland đã áp dụng một bộ quy tắc cho phép nhân viên không phải giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc sau giờ làm. Phía công ty cần tôn trọng quyền này bằng cách chỉ liên lạc, trao đổi với người lao động trong thời gian làm việc.

Bộ quy tắc này áp dụng cho tất cả các hình thức công việc, từ làm việc từ xa đến làm việc tại các địa điểm cố định.

Ý

Tại Ý, điều luật áp dụng cụ thể hơn đối với công việc từ xa.

Luật yêu cầu mọi thỏa thuận làm việc từ xa phải quy định rõ ràng các khoảng thời gian nghỉ ngơi và nêu rõ các biện pháp cần thiết để nhân viên có thể ngừng sử dụng các thiết bị liên quan đến công việc sau giờ làm.

Nhiều quốc gia cho phép người động “ngắt kết nối” sau giờ làm - Ảnh 3.Úc cho phép nhân viên từ chối email, cuộc gọi sau giờ làm việc

Úc vừa thông qua điều luật cho phép người lao động có quyền từ chối các cuộc gọi, email và tin nhắn ngoài giờ làm việc không hợp lý từ cấp trên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên