Chi hàng nghìn tỉ chia cổ tức bằng tiền mặt
Nội dung mà cổ đông ngân hàng đặc biệt quan tâm tại đại hội đồng cổ đông thường niên là tỉ lệ chia cổ tức. Năm nay, nhiều ngân hàng đã thông qua phương án trả cổ tức.
Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, không chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều ngân hàng còn chia bằng cả tiền mặt.
Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông SHB diễn ra chiều nay 25-4, phương án chia cổ tức đã được chốt tỉ lệ là 16%.
Trong đó, 11% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt tương ứng với khoảng 1.800 tỉ đồng.
Còn Techcombank, sau 10 năm không chia cổ tức bằng tiển mặt, ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng này, cho biết năm nay sẽ quay lại chia cổ tức tiền mặt với tỉ lệ 15% và chia tiếp cổ phiếu với tỉ lệ 1:1.
Tỉ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỉ lệ là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc 3 năm nay.
Với tỉ lệ cổ tức nói trên, ước tính Techcombank sẽ phải chi khoảng 5.284 tỉ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng MB vừa được tổ chức tuần trước, cũng đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023.
Theo đó, tỉ lệ chi trả cổ tức là 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Cụ thể, ban lãnh đạo MB dự kiến chi hơn 2.600 tỉ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỉ lệ 5%.
Cùng với đó, Ngân hàng MB cũng phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ thêm gần 7.800 tỉ đồng.
Cổ đông lo cổ phiếu bị pha loãng
Dù được chia cổ tức cả bằng tiền và cổ phiếu, song nhiều cổ đông của ngân hàng cũng băn khoăn về việc chia cổ tức để tăng vốn sẽ khiến cổ phiếu bị loãng, hay nói cách khác là giá cổ phiếu sẽ giảm.
Về chia cổ tức tăng vốn, cổ phiếu có bị pha loãng hay không, trả lời cổ đông, ông Jens Lottner - tổng giám đốc Techcombank - cho rằng giá cổ phiếu có thể giảm đôi chút nhưng đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu TCB với giá phù hợp.
Nếu là ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Quan trọng là đánh giá về giá trị của doanh nghiệp.
Còn ông Đỗ Quang Hiển - chủ tịch hội đồng quản trị SHB - cho rằng ngoài cổ tức bằng tiền mặt, chúng ta phải nâng cao sức khỏe của ngân hàng. Như vậy ngân hàng mới phát triển bền vững.
Tăng vốn lên để góp phần phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng. Giá trị cổ phiếu lại nâng lên. Cho nên cần phải song song và ưu tiên nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Đó là tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận