Một số ngân hàng đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với những kế hoạch cho năm 2024, trong đó có phương án chia lợi nhuận chưa phân phối năm 2023.
Các nhà băng tính chia cổ tức
Năm 2023, Ngân hàng TMCP Nam Á (NAB) ghi nhận sự tăng trưởng trong quy mô hoạt động khi tổng tài sản đạt gần 210.000 tỉ đồng, lợi nhuận vượt mốc 3.300 tỉ đồng, gấp 1,5 lần năm 2022.
Lãi lớn, NAB trình kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 25% dựa trên lợi nhuận chưa phân phối dùng để phân phối cổ phiếu là hơn 2.645 tỉ đồng, tương đương phát hành thêm 264,5 triệu cổ phần.
Ngoài ra, NAB cũng trình kế hoạch tăng vốn từ phát hành cổ phiếu ESOP (phát hành cho người lao động) với giá trị 500 tỉ đồng, tương ứng 50 triệu cổ phần.
Với việc phát hành cổ phiếu thưởng và cổ phiếu ESOP, nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua và phát hành thành công, NAB sẽ tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỉ đồng lên 13.725 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2023, NAB cũng đã hoàn thành phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 2.116 tỉ đồng.
Năm 2024, NAB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.000 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2023. Hàng loạt kế hoạch mới được trình lên đại hội đồng cổ đông như góp vốn mua cổ phần công ty chứng khoán, phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ…
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tổng lợi nhuận trước thuế mà ngân hàng này đạt được trong năm 2023 là 20.068 tỉ đồng, vượt kế hoạch và tăng trưởng 17% so với kết quả năm trước.
ACB cũng tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng 10% cho năm nay, hướng đến lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỉ đồng.
Với kết quả đạt được, ACB trình lên kế hoạch chia cổ tức 25% năm 2023 với tổng giá trị là 9.710 tỉ đồng, trong đó chia bằng cổ phiếu 15% và tiền mặt 10%.
ACB dự kiến phát hành thêm 582,6 triệu cổ phiếu, theo đó vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm 5.826 tỉ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ACB đạt 44.666 tỉ đồng. ACB sẽ chi ra khoảng 3.884 tỉ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Cùng với mục tiêu lợi nhuận 2024 là 22.000 tỉ đồng, ACB cũng dự kiến kế hoạch chia cổ tức năm 2024 tương đương năm 2023 với tỉ lệ 25%, giá trị 11.166 tỉ đồng.
Nhiều nơi vẫn ưu tiên giữ lại lợi nhuận?
Những năm trước, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vẫn đều đặn chia cổ tức 35% cổ phiếu hoặc cổ phiếu và tiền mặt thì với năm 2023, ngân hàng đang đề xuất chia cổ tức tỉ lệ 29,5%, trong đó cổ phiếu 17% và tiền mặt 12,5%.
Năm 2023, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 10.704 tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ 1,2% so với năm trước đó. Sau khi dự kiến trích lập các quỹ, lợi nhuận dự chi trả cổ tức bằng tiền tối đa 12,5% là 3.171 tỉ đồng. Trước đó, ngân hàng đã trả tạm ứng cổ tức lần 1 với tỉ lệ 6% trong tháng 2 vừa qua.
Ngoài kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 17%, tương đương tăng thêm 431,2 triệu cổ phần thì VIB cũng dự tính phát hành thêm hơn 11 triệu cổ phiếu ESOP. Nếu kế hoạch được thông qua và hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 25.368 tỉ đồng lên 29.791 tỉ đồng.
Nhiều ngân hàng khác vẫn chưa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên cụ thể, tuy nhiên xu hướng chung tại các nhà băng vẫn là trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm gia tăng vốn điều lệ, nâng cao các chỉ số an toàn tài chính.
Ở một số nhà băng nhỏ hơn, việc giữ lại lợi nhuận cho kinh doanh được ưu tiên. Ví như tại ABBank, năm 2023, nhiều chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 513 tỉ đồng, giảm gần 70% so với năm trước và chỉ đạt 18,2% kế hoạch.
Do đó, dù sau khi chia các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 298 tỉ đồng song ABB đề xuất trình đại hội đồng cổ đông để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại của năm 2023 nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Dù đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỉ năm 2024, tương đương tăng gấp đôi kết quả năm ngoái, song ABB cũng cho rằng dự báo các khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024 khi bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam chưa thực sự khởi sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận