Kể từ lần thông qua gần nhất là năm 2007, đến nay Bộ Tài chính mới có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Gần 16 năm qua, việc triển khai luật này đã cho thấy có nhiều bất cập, cần thay đổi.
Có một số vấn đề Bộ Tài chính cùng các đơn vị có liên quan nên xem xét, bổ sung vào dự Luật Thuế thu nhập cá nhân mới.
Giảm trừ cho người làm cha, mẹ đơn thân, được không?
Trước hết cần nghiên cứu, bổ sung các khoản chi phí giảm trừ.
Hiện nay ngoài các khoản bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, giảm trừ gia cảnh bản thân đã được tự động gộp vào và loại trừ khỏi thu nhập chịu thuế, một số người còn được giảm trừ cho người phụ thuộc và giảm trừ các chi phí liên quan đến đóng góp cho quỹ từ thiện, khuyến học.
Thế nhưng trên thực tế ngoài các khoản bảo hiểm nói trên, nhiều người hiện nay cũng đang phải chi trả không ít cho các gói bảo hiểm sức khỏe cá nhân, bảo hiểm nhân thọ.
Đây đều là các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân nhằm bảo vệ toàn diện cho bản thân và gia đình. Các khoản chi phí này tính ra cũng không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến y tế, nằm viện, khám chữa bệnh hằng năm cũng tiêu tốn không ít nhưng đều không được tính vào khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân.
Thực tế cho thấy Nhật Bản và Thái Lan đều loại trừ các chi phí mua gói bảo hiểm sức khỏe cá nhân, bảo hiểm nhân thọ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Nhật Bản khấu trừ các khoản chi phí khám chữa bệnh nếu trong một năm chi tiêu cho y tế hơn 100.000 yen/người (khoảng 16,5 triệu đồng/năm). Thái Lan cho phép khấu trừ đến 60.000 baht/trường hợp (khoảng 45 triệu đồng) với các chi phí thai sản.
Cả hai quốc gia này cũng cho phép tính chi phí lãi vay ngân hàng với trường hợp vay thế chấp tài sản vào khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Như vậy những người đang vay thế chấp qua ngân hàng cũng giảm được phần nào gánh nặng thuế thu nhập cá nhân.
Một khoản giảm trừ khác mà tôi nghĩ khá nhân văn mà Nhật Bản đang áp dụng là khoản giảm trừ dành cho người làm cha, mẹ đơn thân, giúp họ bớt thuế, thêm thu nhập thực tế để trang trải các chi phí khi một mình lo cho con cái.
Tại Việt Nam, hiện có không ít trường hợp như thế nhưng chưa được đề cập trong các văn bản xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Thống nhất một mức giảm trừ gia cảnh?
Tiếp theo nữa là vấn đề giảm trừ gia cảnh.
Hiện nay mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khi mà chi phí chăm sóc người cao tuổi, chi phí giáo dục cho con cái dưới 18 tuổi, và hàng tá các chi phí khác trong cuộc sống đều đã tăng lên một cách đáng kể.
Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất mức giảm trừ bản thân nên nâng lên đến 18 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc nên tăng lên thành 8,8 triệu đồng/tháng, cao gấp hai lần so với hiện nay.
Mức giảm trừ này nên áp dụng đồng nhất trên cả nước thay vì tính trên GDP của các địa phương như một số đề xuất.
Không thể vì GDP địa phương cao thì yêu cầu người lao động ở đó đóng thuế thu nhập cá nhân cao hơn.
Việc áp dụng một mức giảm trừ gia cảnh trên cả nước đảm bảo tính đồng nhất của pháp luật, không tạo sự phân biệt, tránh tình trạng ai cũng "tranh nhau" là địa phương mình nghèo, cố hạ mức GDP xuống để giảm thuế.
Chưa kể các tỉnh thành phố lớn thường cơ hội việc làm nhiều hơn, thu nhập thực tế cũng tốt hơn và điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng tốt hơn các địa phương khác nhưng mức chi phí sinh hoạt cao hơn.
Một vấn đề bất cập nữa là việc điều chỉnh các khoản chi phí giảm trừ, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, hay nhìn rộng hơn là điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn tương đối chậm.
Việc này ảnh hưởng đến đời sống của không ít người nộp thuế khi mà chi phí thực tế trong cuộc sống tăng nhanh, còn việc điều chỉnh lại chạy theo không kịp.
Vì vậy người dân rất mong mỏi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có thể bổ sung điều khoản sao cho việc điều chỉnh các mức giảm trừ được linh hoạt, phù hợp với tình thực tiễn.
Việc điều chỉnh có thể áp dụng theo từng năm hoặc khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở, thay vì phải đợi vài năm mới thực hiện một lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận