09/04/2025 16:17 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc giảm giờ làm, khuyến khích nhân viên tan làm đúng giờ

Trong bối cảnh lo ngại khối lượng công việc quá tải và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, một số doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc đang áp dụng quy định tan ca đúng giờ và cấm làm thêm ngoài giờ.

Trung Quốc - Ảnh 1.

Một tòa nhà văn phòng ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn còn sáng đèn vào buổi tối 27-3 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters ngày 9-4, một số tập đoàn lớn tại Trung Quốc, bao gồm Midea, Haier và DJI, đi ngược lại truyền thống làm việc cường độ cao, áp dụng quy định tan ca đúng giờ và cấm làm thêm ngoài giờ.

Động thái này được xem là bước chuyển lớn trong văn hóa làm việc của đất nước vốn nổi tiếng với mô hình "996" - làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần.

Tại hãng sản xuất đồ gia dụng Midea, nhân viên được yêu cầu rời công ty trước 18h20, và công ty công khai khuyến khích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, cũng yêu cầu nhân viên rời văn phòng trước 21h, trong khi hãng đồ gia dụng Haier áp dụng tuần làm việc 5 ngày.

Những thay đổi này khiến nhiều nhân viên bày tỏ sự hài lòng, chia sẻ niềm vui trên mạng xã hội.

Sự chuyển mình này phần nào xuất phát từ các quy định mới của Liên minh châu Âu, cấm nhập khẩu hàng hóa sản xuất bằng lao động cưỡng bức - bao gồm cả việc làm thêm quá mức. Các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là những công ty xuất khẩu, buộc phải thích nghi để không mất đơn hàng quốc tế.

Đáng chú ý, chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi các doanh nghiệp tuân thủ giới hạn 44 giờ làm việc mỗi tuần theo quy định, đảm bảo quyền được nghỉ ngơi, nghỉ phép có lương và khuyến khích nghỉ lễ cho người lao động.

Mục tiêu của loạt thay đổi này nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do các rào cản thương mại từ Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Shujin Chen của tập đoàn Jefferies nhận định, dù chính phủ có thiện chí thay đổi, nhưng khi thu nhập không đủ và việc làm bấp bênh, người lao động khó có thể thực sự "nghỉ ngơi và tiêu dùng" như kỳ vọng.

Dù còn hoài nghi về tính bền vững, các chính sách mới của doanh nghiệp và định hướng từ chính phủ đang mở ra hy vọng cho một môi trường làm việc nhân văn hơn tại Trung Quốc - nơi "sống sau giờ làm" đang dần được xem là một phần quan trọng của chất lượng sống.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, trong năm 2024, trung bình mỗi tuần người lao động Trung Quốc làm 46,1 giờ - cao hơn đáng kể so với Hàn Quốc (38,6 giờ), Mỹ (38 giờ) và Nhật Bản (36,6 giờ).

Thậm chí, số liệu từ chính phủ Trung Quốc vào tháng 1 năm nay cho thấy con số thực tế có thể lên tới 49,1 giờ mỗi tuần. Sự gia tăng mạnh mẽ này được cho là do nỗi lo mất việc, khiến nhiều người sẵn sàng làm thêm giờ.

Công ty Trung Quốc giảm giờ làm, khuyến khích nhân viên tan làm đúng giờ - Ảnh 3.Trung Quốc siết chặt quản lý livestream bán hàng

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc là một trong những nước đi đầu thế giới về lĩnh vực livestream bán hàng. Livestream bán hàng không chỉ là một công cụ tiếp thị mà đã trở thành một ngành kinh tế thực thụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên