06/04/2020 13:36 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp được 'tiếp sức'

N.HIỂN - N.AN
N.HIỂN - N.AN

TTO - Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp được các ngân hàng "tiếp sức" bằng các gói tín dụng, khoanh nợ, giảm lãi suất...

Nhiều doanh nghiệp được tiếp sức - Ảnh 1.

Một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc gói hỗ trợ mạnh và có đặc thù cho một số ngành, như mảng nông nghiệp - Ảnh: T.P.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-4, ông Hoàng Tuấn Anh - tổng giám đốc Công ty CP Vua Nệm (người đã trả lời trong bài "Giãn nợ sẽ thành nợ xấu?", Tuổi Trẻ ngày 3-4) - cho biết doanh nghiệp (DN) này đã nhận được thông báo hỗ trợ từ phía các ngân hàng. Cụ thể, chiều 3-4, DN này nhận được thông báo hỗ trợ từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN - BIDV (văn bản phúc đáp đề ngày 1-4).

Theo ông Tuấn Anh, DN đề xuất cấp mới hạn mức tín dụng và khoanh nợ, giãn hạn công nợ. Hiện nay, DN này đã được chấp thuận cấp mới hạn mức tín dụng, khơi thông dòng tiền. Về chính sách lãi suất, các ngân hàng đều thông báo hỗ trợ bằng hình thức giảm lãi suất 1,5 - 2%. 

Ngoài BIDV, ông Tuấn Anh cho biết DN cũng làm việc với Vietcombank, hiện ngân hàng này đã chấp thuận hồ sơ của DN song chưa nhận được văn bản chính thức, dự kiến sẽ có các bước làm việc chính thức vào đầu tuần này.

Trước đó, sau khi nghe Chính phủ công bố các gói hỗ trợ DN, công ty này đã chủ động gửi công văn kiến nghị đến một số tổ chức tín dụng có hợp tác và sau đó 2-3 lần nhận phản hồi cần phải chờ xem xét, phê duyệt. Sáng 3-4, báo Tuổi Trẻ đã phản ánh những khó khăn của một số DN, trong đó có Vua Nệm khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - cho rằng ngành ngân hàng đã có những đóng góp rất tích cực. Gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng đã dấy lên tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh tế. 

Tuy vậy, cần phải có chính sách đặc thù cho ngành nông nghiệp, thậm chí có gói tín dụng dành riêng cho nông nghiệp và việc phân loại, phân nhóm DN để có các chính sách phù hợp là điều cực kỳ cần thiết.

Với DN đang có cơ hội, có đầu vào đầu ra thì cần ban hành chính sách tạm thời để gia hạn, giãn nợ trong thời gian dịch. Đặc biệt cấp bách nên có những phương thức hỗ trợ tăng nguồn vốn tạm thời trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 bằng các thủ tục đơn giản, có thể không dùng thế chấp tài sản mà thông qua cách thức đánh giá kết quả kinh doanh, tình hình đơn hàng…

"Chúng tôi vẫn đang mong chờ những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ và các bộ ngành, địa phương" - ông Hùng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Thu - giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An -cho hay với trường hợp của Công ty Nafoods (trong bài "Giãn nợ sẽ thành nợ xấu?", Tuổi Trẻ ngày 3-4), ngân hàng đã thực hiện giảm lãi ngay từ tháng 2-2020. 

"Sau thông tin phản ánh của DN, chúng tôi cũng đã đối thoại trực tiếp với DN để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm tìm phương án hỗ trợ hiệu quả nhất" - bà Thu nói.

Cũng theo bà Thu, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những vướng mắc nhưng ngành ngân hàng khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và sẽ thanh tra, kiểm tra các đơn vị đảm bảo thực hiện nghiêm túc yêu cầu, chỉ đạo của thống đốc trong triển khai hỗ trợ DN.

Khi cả ngân hàng và DN cùng bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch, theo bà Thu, việc chia sẻ lợi nhuận, cùng giúp nhau vượt qua là cần thiết, bởi ngân hàng cứu DN qua được giai đoạn này thì mới phát triển được giai đoạn tiếp theo.

Doanh nghiệp muốn gói hỗ trợ tín dụng đến tay kịp thời Doanh nghiệp muốn gói hỗ trợ tín dụng đến tay kịp thời

TTO - Gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 250.000 tỉ đồng đã được triển khai nhưng nhiều DN cho biết phải tự xoay xở, thậm chí "vay nóng" để duy trì hoạt động bởi rất khó được xem xét giãn, hoãn nợ...

N.HIỂN - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên