10/01/2015 15:26 GMT+7

Nhiều điểm “nóng” về ma túy đã bình yên

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Từ chỗ người nghiện tràn lan, ngang nhiên mua bán, hút chích nơi công cộng, đến nay không còn những tụ điểm công khai như trước, người dân đã an tâm hơn.

Cơ sở xã hội Bình Triệu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) làm hồ sơ tiếp nhận người nghiện ma túy - Ảnh: Tiến Long

Sau hơn một tháng TP.HCM đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, từ chỗ người nghiện tràn lan, ngang nhiên mua bán, hút chích nơi công cộng, đến nay không còn những tụ điểm công khai như trước, người dân đã an tâm hơn.

Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Du - chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM.

Xóa các điểm “nóng”

Ông Du cho biết các tụ điểm như bến xe An Sương, ngã tư Ga... đã vắng bóng người nghiện lang thang và tình trạng người nghiện tập trung đến Q.8 mua bán cũng còn rất ít. Đồng thời người nghiện được đưa vào các cơ sở xã hội điều trị sức khỏe đều đảm bảo.

Theo người dân ở khu vực bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), hiện nay người nghiện đã giảm rất nhiều.

Cô Nguyễn Thị Mai (ngụ ấp Đông Lân, xã Bà Điểm), mở cửa hàng bán bún gần bến xe, cho biết: “Mười phần đã giảm hết tám rồi đó. Hồi trước họ ở đầy hai bên đường này, ngồi chích ngay con lươn giữa đường, sáng dậy kim tiêm vứt đầy bãi cỏ, nhiều người dân quanh đây mất đồ mất đạc liên miên. Giờ khỏe rồi”.

Bà Phạm Thị Lan, bán nước gần sân khấu Sen Hồng tại công viên 23-9 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1), cũng cho biết thời gian gần đây ít thấy người nghiện lảng vảng trong công viên.

“Hồi trước họ ngồi xung quanh chỗ tui bán nước, xin cả nước lọc để chích nữa. Nay đỡ lắm rồi nên tui thấy an tâm hơn nhiều” - bà Lan nói.

Anh Thiên Định - đội trật tự du lịch (lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) làm nhiệm vụ tại công viên - cho biết trước đây người dân dựng xe, treo nón, treo đồ trên xe cũng bị lấy mất, nhiều sinh viên và du khách ngồi trong công viên cũng bị xin tiền nhưng gần đây chuyện này đã giảm rất nhiều.

Theo số liệu thống kê của UBND TP.HCM, tính đến ngày 8-1-2015, 24 quận huyện đã kiểm tra hơn 5.200 trường hợp nghi nghiện ma túy, trong đó có trên 3.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ba cơ sở xã hội đã tiếp nhận điều trị gần 1.700 trường hợp để lập hồ sơ tình trạng nghiện, chờ các quận huyện xác minh nơi cư trú, lập hồ sơ chuyển tòa án.

Đến nay, đã có gần 500 hồ sơ chuyển tòa án và gần 300 người nghiện có quyết định của tòa án quận huyện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tại công viên Phú Lâm (P.13, Q.6), theo người dân trong khu vực, tình trạng người nghiện hút ma túy tập trung xung quanh công viên đã giảm rõ.

“Giờ đâu còn người nghiện nữa, cứ “ló” ra là công an phường tới đưa về phường test luôn rồi” - ông Nguyễn Minh Tư, người làm nghề bơm vá xe cạnh công viên Phú Lâm, cho biết.

Chưa xử lý được trường hợp có con nhỏ

Theo thông tin từ các quận huyện, từ khi bắt đầu chương trình tập trung người nghiện lang thang vào các cơ sở xã hội đến nay, đối với người nghiện là phụ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, sau khi xác minh, các quận huyện đều đưa về lại nơi cư trú hoặc thông báo cho gia đình bảo lãnh, không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên khi về lại địa phương, họ vẫn tiếp tục nghiện ngập, bế con đi xin tiền chích hút.

Người dân đã gọi đến báo Tuổi Trẻ thắc mắc trường hợp hai phụ nữ bế con ngồi ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm (Q.5) xin tiền, đã báo đường dây nóng tập trung người ăn xin, lang thang vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội nhưng không thấy xử lý.

Về vấn đề này, đại diện phòng bảo trợ xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết quận huyện cũng đã tiếp cận ngay khi nhận được thông tin nhưng không thể đưa hai người này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội theo chương trình tập trung người ăn xin không có nơi cư trú vì xác định được người mẹ đang nghiện và cũng không thể đưa vào cơ sở xã hội để cai nghiện vì thuộc trường hợp người nghiện có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Trường hợp này, theo ông Trần Ngọc Du, phương án của TP đưa ra là nếu xác định người nghiện không có nơi cư trú sẽ tách mẹ và con ra để đưa người mẹ vào cơ sở xã hội, đưa trẻ nhỏ vào cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Còn trường hợp người nghiện có nơi cư trú tại TP.HCM, khi đưa về quận huyện, địa phương có trách nhiệm quản lý, vận động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên theo ông Du, đến nay hầu hết quận huyện đều chưa thực hiện được. Thành phố đã gửi công văn yêu cầu các quận huyện đẩy mạnh cai nghiện tại cộng đồng.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên