07/12/2023 13:11 GMT+7

Nhiều địa phương Quảng Nam đề xuất tăng giá đất ở 50-100%

Nhiều huyện, thành phố tại Quảng Nam đề xuất điều chỉnh bảng giá đất thời kỳ 2020-2024, với mức tăng rất cao đối với đất ở, có nơi đề xuất tăng trên 100%.

Khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, nơi tập trung nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, nơi tập trung nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, khi lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung quy định giá đất, bảng giá đất thời kỳ 2020-2024, hàng loạt địa phương đều đề xuất tăng giá đất ở.

Giá đất ở tăng rất cao

Theo đó, hầu hết các địa phương đề xuất điều chỉnh tỉ lệ tăng bình quân giá đất trên 20% đối với đất ở đô thị và trên 25% đối với đất ở nông thôn.

Một số địa phương đề xuất tăng giá đất ở đô thị ở mức cao là: Quế Sơn (83%), Phú Ninh (58,8%), Duy Xuyên (55%). Một số địa phương đề xuất tăng giá đất ở nông thôn ở mức cao là: TP Tam Kỳ (83,6%), Núi Thành (109%). Nam Trà My (92%).

Được biết, việc điều chỉnh giá nhằm cập nhật giá đất cụ thể để bồi thường, giá đất tái định cư, kết quả trúng đấu giá; bổ sung giá đất của các dự án khu dân cư, khu đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào bảng giá đất; bổ sung giá đất các tuyến đường mới đầu tư, điều chỉnh giá đất các tuyến đường nâng cấp…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, giá đất các địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung không vượt khung giá đất Chính phủ quy định. Riêng TP Hội An có mức giá tối đa trong bảng giá đất vượt khung giá Chính phủ quy định nhưng không vượt quá mức cho phép.

Về giá đất các vị trí giáp ranh, cơ quan này cho biết tỉ lệ giáp ranh đối với các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum tương đối ổn định. Riêng TP Đà Nẵng, tỉ lệ chênh lệch cao hơn mức quy định (104% đến 72%). Trong đợt điều chỉnh lần này, đơn giá giáp ranh không thay đổi để đảm bảo tính ổn định.

Không sửa đổi giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh

Trong lần điều chỉnh này, hầu hết các địa phương không đề xuất sửa đổi, bổ sung giá đất thương mại dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung phân vạch chiều sâu đối với các loại đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Dù vậy, sau khi rà soát quy định hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi trường không thấy có nội dung quy định về phân vạch chiều sâu đối với các loại đất nêu trên. Vì vậy cơ quan này cho rằng không có cơ sở pháp lý xem xét, đề xuất quy định phân vạch chiều sâu đối với các loại đất này.

Phố cổ Hội An, nơi có mức giá đất ở đắt đỏ nhất tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Phố cổ Hội An, nơi có mức giá đất ở đắt đỏ nhất tỉnh Quảng Nam - Ảnh: TẤN LỰC

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bảng giá đất thương mại dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sẽ được quy định riêng. Điều này giúp tổ chức thuê đất có thể dự liệu trước về số tiền thuê đất cần trả, hoạch định kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Cơ quan này đánh giá việc điều chỉnh bảng giá đất tiệm cận giá thị trường tạo minh bạch về giá và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, tạo nguồn thu ngân sách, đảm bảo hài hòa quyền và nghĩa vụ tài chính người sử dụng đất.

Tuy nhiên việc tăng giá đất, nhất là các địa phương điều chỉnh tăng cao đột biến sẽ gây khó khăn cho người dân khi làm các nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích, chuyển nhượng, tách thửa. Bảng giá đất tăng cao cũng làm khó cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Giá đất cản trở thu hút đầu tư, kinh doanh

Được biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị xem xét lại bảng giá đất và cách tính tiền thuê đất. Một số doanh nghiệp du lịch có mức tăng tiền thuê đất từ 450%-1.000% gây áp lực rất lớn tới hoạt động kinh doanh.

Một số doanh nghiệp thuộc diện này là Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ Hội An, Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, Công ty TNHH Sài Gòn, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Vĩnh Hưng, Khách sạn Công đoàn Hội An...

Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị tỉnh có giải pháp giảm tiền thuê đất để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An kêu cứu vì tiền thuê đất tăng cao đột biến - Ảnh: TẤN LỰC

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội An kêu cứu vì tiền thuê đất tăng cao đột biến - Ảnh: TẤN LỰC

Trong khi đó, lãnh đạo một địa phương tại tỉnh này cho rằng điểm nghẽn thu hút đầu tư hiện nay là giá đất. Hiện phương pháp tính giá đất thương mại dịch vụ dựa theo tỉ lệ % so với giá đất ở, nhưng giá đất ở hiện đã rất cao. Nhiều dự án sẽ không còn khả thi để đầu tư nếu tính theo phương án giá đất hiện nay.

Tương tự, một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đánh giá vấn đề khó trong thu hút đầu tư tại tỉnh có nguyên nhân chính vẫn là giá đất. Vị này nhận định hiện nay so sánh giữa các địa bàn thì giá đất thương mại dịch vụ Quảng Nam vẫn cao.

Trong cách tính giá đất còn nhiều bất cập như giá đất chưa phân lớp theo chiều sâu, chưa phân biệt giá đất mặt đường và giá đất bên trong. Việc điều chỉnh hệ số tính giá đất chưa linh động và phù hợp diễn biến giá đất thị trường.

"Ví dụ giá đất TP Hội An rất cao, nếu lấy giá đó tính tiền thuê đất thì nhiều dự án và nhà đầu tư sẽ gặp khó, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư. Cần tính toán đưa hệ số tính tiền thuê đất xuống dưới 1 như 0,8 hoặc 0,9. Nếu không, khi các ưu đãi giảm tiền thuê đất sau dịch của Chính phủ kết thúc thì sẽ rất khó khăn với nhiều doanh nghiệp đang thuê đất" - vị này nói.

Đừng để tiền thuê đất cản trở kinh doanhĐừng để tiền thuê đất cản trở kinh doanh

Việc Đà Nẵng tăng tiền thuê đất gây sốc cho các dự án nghỉ dưỡng ven biển, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần thay đổi cách tính tiền thuê đất phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh không chỉ ở Đà Nẵng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên