PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM - nhận định một trong những thách thức lớn nhất các trường đại học đối mặt trước bối cảnh công nghệ mới là sự tự chủ.
"Chẳng hạn về tài chính - ông Quân dẫn chứng - do bị giới hạn bởi mức trần học phí, nhiều trường đại học phải chạy đua tuyển sinh rất nhiều để đủ kinh phí hoạt động và trả lương cho giảng viên. Như thế chúng ta đang đi ngược, bởi tuyển sinh càng nhiều thì chất lượng khó lòng được đảm bảo".
Ngoài ra, cũng theo ông Quân, do nhiều áp lực, phần lớn thầy cô phải làm nhiều công việc khác nhau, không thể tập trung chuyên môn vào một thế mạnh. "Nhiều trường cũng chưa thể trả lương thầy cô đúng theo mức độ đóng góp, dẫn đến việc khi có điều kiện, giảng viên sẽ xin ra các đơn vị, tổ chức khác. Cần có đột phá về cơ chế mới có thể nói những câu chuyện tiếp theo" – ông Quân nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Quyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM - chia sẻ trường hiện tại phải chịu sự chi phối của cả hai bộ là Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bị ràng buộc nhiều quy định. Do cơ chế khiến chưa thể linh hoạt, trường rất khó đón đầu các xu thế bằng việc đầu tư trang thiết bị, cán bộ giảng viên và nhất là chương trình đào tạo.
Theo ông Quyền, nếu sự tự chủ vẫn chưa mở, các trường công lập có thể ngày càng đi xuống trong khi trường dân lập tự chủ nhiều sẽ phát triển nhanh hơn. "Nhà quản lý các trường đại học hiểu câu chuyện này. Chúng ta đào tạo con người cho công nghiệp 4.0 nhưng luôn luôn đi sau. Đó là khó khăn thật sự" - ông Quyền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận