16/02/2017 17:08 GMT+7

​Nhiều đại biểu quốc hội còn ngại phát biểu

MAI HOA
MAI HOA

TTO - “Có cảm giác chúng ta làm việc lặng lẽ, tổ chức góp ý văn bản luật, còn những vấn đề bức xúc xã hội, đại biểu có tiếng nói với công luận còn ít. Các đại biểu kiêm nhiệm rất ngại phát biểu”.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trò chuyện cùng các đại biểu QH tại Hội nghị Tổng kết hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017, ngày 16-2-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trò chuyện cùng các đại biểu QH tại Hội nghị Tổng kết hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017, ngày 16-2-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn ĐBQH TP.HCM năm 2016, triển khai chương trình công tác năm 2017, được tổ chức chiều 16-2.

“Tôi không muốn xuất hiện quá nhiều trên báo”

Ông Trương Trọng Nghĩa được biết đến là một đại biểu rất tích cực bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn quốc hội và trên báo chí. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chia sẻ nhiều lần các phóng viên hỏi ông, ông nói: Đoàn ĐBQH TP có tới hơn 30 người, cả nước có 500 người, sao chỉ hỏi mình tôi?

“Tôi chỉ cho là nên đi hỏi người này người kia, nhưng phóng viên nói là liên hệ với các vị ấy rất khó, hoặc hỏi mà họ không trả lời”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, nhiều vấn đề rất nóng, người này nói, người kia nói rất nhiều, nhân dân chờ đợi tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trên báo chí, nhưng tiếng nói của các vị rất ít.

“Như vừa rồi, vấn đề môi trường, tôi thấy chỉ cần hai đại biểu có ý kiến trên diễn đàn quốc hội thôi, rồi báo chí đăng tải lên, đồng bào cử tri rất phấn khởi. Nó có tác động rất lớn trong xã hội, làm cho những người có trách nhiệm ở các cấp các ngành giải quyết vấn đề nhanh hơn” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, những vấn đề người dân đang quan tâm, bức xúc mà đại biểu quốc hội cho ý kiến kịp thời, báo chí đăng lên liền sẽ rất tốt.

Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017, ngày 16-2-2017 - Ảnh Tự Trung
Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017, ngày 16-2-2017 - Ảnh Tự Trung

Thà mất lòng với bộ ngành còn hơn về đối mặt với cử tri

Ông Trương Trọng Nghĩa vừa phát biểu xong, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, trưởng đoàn ĐBQH TP bất ngờ đặt câu hỏi cho đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.

“Vừa rồi vấn đề nước mắm, tôi nói chị Phong Lan phải lên tiếng sớm đi để người dân yên tâm. Nhưng mà ĐB Phong Lan cứ ngại ngùng cái gì ấy?”, ông Thăng nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan trả lời: “Ngay khi đó, tôi đã nói nếu phát biểu với tư cách đại biểu Quốc hội thì tôi có thể nói ngay. Nhưng nói với tư cách người của ngành y tế thì phải theo đúng sự phân công của tổ chức. Sau đó Bộ Y tế đã phát biểu kịp thời. Tôi không ngại gì, cái gì mình nhận thức mình đúng thì phải bảo vệ. TP.HCM là nơi rất sôi nổi, không có sự cản trở, e ngại nào cả”.

Bà Lan cũng thẳng thắn chia sẻ thêm: “Lời thật mất lòng, nhưng thà mất lòng với bộ ngành còn hơn về đối mặt với cử tri, nhiều khi thấy rất xấu hổ vì chưa làm được hết nguyện vọng cử tri”.

Bà Lan cho rằng, ĐBQH mà nói bậy thì hậu quả sẽ rất lớn, cho nên thận trọng cũng là điều quan trọng. “Tuy nhiên cũng phải có cơ chế làm sao để ĐBQH có cơ hội tiếp cận thông tin, tránh trường hợp chỉ nghe báo cáo, nhiều khi chỉ toàn màu hồng, cái gì cũng tốt hết nhưng khi đi vào thực tế mới thấy những vấn đề khác”, bà Lan nói.

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017, ngày 16-2-2017 - Ảnh Tự Trung
Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khoá XIV năm 2016 và triển khai chương trình công tác năm 2017, ngày 16-2-2017 - Ảnh Tự Trung

Phải có đội ngũ luật sư, chuyên gia hỗ trợ cho đại biểu quốc hội

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng Văn phòng đoàn ĐBQH có bộ phận nhắc việc, nhưng có lẽ phải có kế hoạch liên hệ với đoàn luật sư TP để hỗ trợ cho đoàn, phải có nhóm luật sư để tư vấn, hỗ trợ cho đại biểu, bởi không phải vấn đề nào đại biểu cũng nắm hết.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần phải thí điểm việc thuê chuyên gia tư vấn cho đại biểu quốc hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tôi tự hào được làm Đại biểu của TP.HCM

“Những khóa trước, tôi tham gia Quốc hội ở những địa phương khác. Khi đó, qua những kỳ họp tôi luông ngưỡng mộ và đánh giá cao hoạt động của đoàn ĐBQH TP. Nhiều gương mặt đại biểu để lại trong lòng cử tri những tình cảm tốt đẹp. Nên tôi rất vinh dự khi khóa này được trở thành đại biểu đơn vị TP.HCM".

"Tuy thời gian chưa dài, nhưng hoạt động của đoàn đã làm được rất nhiều việc, duy trì được truyền thống, hoạt động rất nề nếp, có nhiều đóng góp với tinh thần trách nhiệm rất cao, trên nhiều lĩnh vực".

"Chúng ta phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, từ công tác lập pháp, giám sát, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân… vì cử tri gửi gắm rất nhiều”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên