19/04/2016 08:50 GMT+7

Nhiều chuyện từ chính chúng ta

TTO
TTO

TTO - Đó là ý kiến của hầu hết bạn đọc phản hồi về những hành vi không hay của học viên, sinh viên người nước ngoài trong bài “Vì sao ở Việt Nam họ ứng xử khác?” (Tuổi Trẻ ngày 18-4).

Sinh viên VN không xếp hàng, chen lấn nhau để lên xe buýt tại một trạm xe buýt trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.Định
Sinh viên VN không xếp hàng, chen lấn nhau để lên xe buýt tại một trạm xe buýt trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.Định

Ý kiến chung là trong nhiều trường hợp chúng ta đã làm gương xấu. Cũng có ý kiến chúng ta chưa cương quyết với những hành vi không tốt của các “vị khách”.

Nên có biện pháp xử lý

Tôi nghĩ dù là ai, ở đâu đến học đại học tại VN - trước hết phải là một con người có văn hóa. Điều đó thể hiện trong cách cư xử, trong hòa nhập cộng đồng, trong mọi sinh hoạt ở trường cũng như ngoài phố...

Nền giáo dục của các nước có những đặc điểm riêng nhưng đều chung một chuẩn: có thầy - có trò. Không thể đưa những cách đối xử kiểu tùy tiện như bài báo đã nêu.

Nhưng “Trách người một, trách ta mười/ Bởi ta tệ trước cho người tệ sau” - mình cũng nhìn lại mình để xem chúng ta đã có những việc làm nào chưa chuẩn để các bạn sinh viên nước ngoài bắt chước. Thói quen ăn uống trong lớp học ở ta đã có “truyền thống” từ lâu. Ăn xong đút ngay hộp xốp, ly nước vào hộc bàn. Sinh viên vẫn còn nhiều bạn không bỏ rác đúng nơi quy định...

Có lẽ các bạn sinh viên nước ngoài thấy ở ta quá tùy tiện, dễ dãi trong nhiều việc nên có hành vi như thế. Nhưng theo tôi, đối với những hành vi không tốt của sinh viên nước ngoài, chúng ta cần có biện pháp xử lý và biện pháp giáo dục tích cực nhằm bảo vệ những nét đẹp của văn hóa VN.

LÊ ĐỨC ĐỒNG (Sóc Trăng)

Có thể có cú sốc ngoài giảng đường

Tôi nghĩ trước những hành động của các bạn sinh viên nước ngoài như thế đã làm tác giả là một thầy giáo ức chế lắm. Nhưng vẫn phải đặt câu hỏi tại sao những hành vi thiếu chuẩn mực như khạc nhổ, tè bậy, nói năng bạt mạng, chửi thề, thích gây hấn với người khác (kể cả những người đáng được kính trọng) vẫn diễn ra thường xuyên?

Trước khi đến đất nước VN, chắc chắn họ - các du học sinh - đã có những thông tin cơ bản về nơi mình sẽ sinh sống, học tập. Đương nhiên họ không đến đây với mục tiêu duy nhất là để tiếp nhận tri thức trên ghế nhà trường, mà còn trải nghiệm cuộc sống, văn hóa địa phương.

Có lẽ họ đang phản ứng lại những hình ảnh không tốt đập vào mắt họ. Những ứng xử của người VN đã dành cho họ nơi họ từng đi qua, ở ngoài giảng đường. Và đó có phải là cách họ bày tỏ thái độ của mình với cuộc sống mặc dù điều đó không đẹp lắm! Có thể đã có một cú sốc nào đó trong tâm lý của các du học sinh này.

TRƯƠNG QUỐC VŨ (TP.HCM)

Không dừng lại ở mức trăn trở

Có lẽ do môi trường sống, do thái độ ứng xử, thực thi quy tắc chưa nghiêm, thậm chí là do cả nể. Thói quen của chúng ta chỉ “đóng cửa dạy nhau”, còn với “khách” thì thường du di, dễ dãi!

Tôi hiểu nỗi trăn trở của thầy Trần Mai Nhân, nhưng không biết thầy đã làm gì và có động thái nào hay chưa với những hình ảnh khó coi đó. Với vị trí của thầy, cái tôi cần là một thái độ dứt khoát hơn là... sự trăn trở. Đó cũng là trách nhiệm, là vai trò của các sinh viên trong trường.

Tôi không có dịp học tập cùng các sinh viên đến từ các nước tiên tiến mà chỉ tiếp xúc với sinh viên đến từ Lào và Campuchia. Cũng người này người khác nhưng rồi chính môi trường sống, sự tiếp xúc, giao du đã “biến đổi” họ theo kiểu gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Vì thế sân trường chúng tôi làm gì có khói thuốc, làm gì có chuyện vô tư ăn uống trong giờ học... Một tiếng chuông điện thoại reo còn bị thầy cô nhắc nhở thì làm gì có cảnh... khó coi!

VÂN THANH

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên