Đó là tình cảnh của rất nhiều chợ ở phố thị nhiều nơi thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.
"Chợ ma"
Chợ phường 4, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là một trong số đó. Ngôi chợ mới này được xây với hàng trăm ki ốt trong nhà lồng và những khu rộng hàng trăm mét vuông cho việc buôn bán hàng tươi sống.
Chợ mới bề thế vậy nhưng tiểu thương không chịu vào mua bán. Chợ cũ ở gần đó đã bị giải tỏa và di dời, người dân vẫn bám trụ để mua bán tưng bừng.
Nhiều khu 'chợ ma' ở miền Tây
Cũng tại TP Cà Mau, khu A chợ Tắc Vân được tư nhân đầu tư hơn 15 tỉ đồng, có khoảng 200 quầy, nhưng hiện chỉ có khoảng 20 quầy buôn bán. Một tiểu thương cho biết rất ít người đến mua, mua bán ế ẩm, vắng khách nên người dân gọi là "chợ ma".
Tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), tình trạng chợ phường bỏ hoang, thành "nhà kho" chứa hàng hóa của người dân cũng không hiếm.
Trong số này phải kể đến chợ phường 8 ở góc đường Phạm Hùng. Bị bỏ hoang nhiều năm, chợ này đã thành "trạm" nghỉ cho trâu bò.
Tương tự, chợ khóm 7, phường 2, đường Dương Kỳ Hiệp cũng không một bóng người kinh doanh, ngổn ngang đồ đạc không khác một nhà kho.
Cách đó chừng 500m, ngay ngã tư đường Võ Văn Kiệt (quốc lộ 1) và Dương Kỳ Hiệp, một khu chợ tự phát xôm tụ, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Dù có vị trí đẹp, ngay trung tâm TP Cần Thơ như quận Ninh Kiều với dân cư đông đúc, chợ An Cư (phường An Cư) cũng lâm vào cảnh đìu hiu.
Chợ này do Công ty TNHH Đầu tư phát triển chợ - siêu thị Việt Mai đầu tư xây dựng với cơ sở hạ tầng khá khang trang, hoạt động từ cuối năm 2013 với 280 lô sạp và 73 ki ốt. Tuy nhiên, đến nay tiểu thương đã trả lại 190 lô sạp và ki ốt.
Tiểu thương tại nhà lồng 2 của Trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều) cũng đang rơi vào tình cảnh mua bán ế ẩm. Bà Liên (bán quần áo) cho biết có khi 5 ngày không bán được món hàng nào!
Quá nhiều lý do chợ ế
Tiểu thương Nguyễn Thanh Nga (phường 4, TP Cà Mau) cho biết lý do khiến các tiểu thương không vào buôn bán tại chợ mới là do thiết kế ki ốt không phù hợp. "Một ki ốt chỉ rộng khoảng 5m² quá nhỏ, rất khó bố trí, bán hàng", bà Nga thở dài.
Chị Tô Yến Xuân cho biết những tiểu thương chấp nhận chủ trương dời vào chợ mới buôn bán bị thiệt đủ thứ, nào là tiền thuê mặt bằng, thuế, phí… trong khi những người bán tại chợ tự phát không phải đóng đồng nào.
"Lúc trước tôi bán chợ cũ mỗi ngày được 2 - 3 triệu tiền hàng, giờ về đây ngồi ngáp gió, kiếm tiền chục. Đà này chắc bán vài ngày nữa tui cũng kiếm chỗ khác bán, chớ vầy chịu không nổi" - chị Xuân chia sẻ.
Đề cập nguyên nhân chợ ế khách, ông Nguyễn Thành Phương, trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng TP Cà Mau, giải thích lý do chợ mới được xây dựng ở khu dân cư phường 4, trong khi khu này người dân ở chưa đông nên chợ vắng khách, rất khó vận động tiểu thương vào chợ mới.
"Sắp tới chúng tôi lại tiếp tục vận động người dân buôn bán ở chỗ cũ không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, lấn chiếm vỉa hè", ông Phương cho biết.
Xóa bỏ các chợ tự phát
Ông Dương Vũ Nam - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau - cho biết nhiều chợ được xây dựng mới ở vị trí khác với chợ hiện hữu, không thuận lợi cho kinh doanh mua bán của người dân.
Một số nơi quản lý chưa chặt chẽ nên xung quanh chợ hình thành nhiều khu kinh doanh mua bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.
Thời gian tới sẽ tăng cường xóa bỏ các điểm mua bán không hợp pháp, lấn chiếm lòng lề đường.
Chuyển chợ thành nhà kho cho thuê
Ông Lâm Duy Phúc, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư phát triển chợ - siêu thị Việt Mai, cho biết khu bán hàng tươi sống chợ An Cư (Cần Thơ) hiện vẫn trống 33 lô sạp vì cạnh tranh không nổi với chợ tự phát bên ngoài.
Việc mua bán còn khó khăn do cạnh tranh với hình thức bán hàng online, dù phía công ty đã có chính sách hỗ trợ tối đa để tiểu thương vào mua bán trong chợ.
Hướng tới công ty sẽ xin chuyển đổi một phần công năng nhà lồng bách hóa thành kho hàng hóa để cho thuê. Phía trước mặt tiền chợ sẽ cho thuê mặt bằng khi quận Ninh Kiều triển khai tuyến phố đi bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận