16/10/2017 15:51 GMT+7

Nhiều bất ngờ trong vụ doanh nghiệp dọa đánh hiệu trưởng

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TTO - Hợp đồng ký kết kéo dài 7 năm, sau được hiệu trưởng cũ tăng thêm 3 năm. Doanh nghiệp nói chỉ có đôi co chứ không dọa đánh hiệu trưởng mới...

Nhiều bất ngờ trong vụ doanh nghiệp dọa đánh hiệu trưởng - Ảnh 1.

Kiểm tra trước buổi ăn tại nhà ăn Trường tiểu học Hùng Vương - Ảnh: K.T.

Bà Dương Thị Ngọc Diễm, trưởng Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết sáng 16-10 đã yêu cầu hiệu trưởng Trường tiểu học Vùng Vương mời chủ doanh nghiệp, chính quyền địa phương, công đoàn, ban thanh tra nhân dân và đại diện cha mẹ học sinh đến làm việc xung quanh phản ánh của phụ huynh.

Nội dung làm việc tập trung hai vấn đề: chế độ dinh dưỡng, khẩu vị và những điều khoản trong hợp đồng đã ký trước đó. "Sau khi làm việc, có biên bản và ý kiến các bên, chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm", bà Diễm nhấn mạnh.

Hợp đồng kéo dài 10 năm

Bà Diễm cho biết trước nhu cầu tổ chức bán trú ngày càng cao, thành phố Sóc Trăng có chủ trương tận dụng cơ sở vật chất hiện có xây nhà ăn, nhà ngủ cho học sinh. Riêng với những điểm trường chỉ có mặt bằng, thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn sau.

Theo đó, ngày 24-6-2013, ông Lý Hùng Kiệt, hiệu trưởng Trường tiểu học phường 6 (nay đổi tên thành Trường tiểu học Hùng Vương) ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Vườn ẩm thực 36 do bà Trịnh Yến Ngọc là đại diện.

Theo hợp đồng, mỗi suất ăn trị giá 22.000 đồng/ngày, trong đó bao gồm tiền chênh lệch 4.000 đồng/suất ăn/ngày nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư ban đầu.

Nhiều bất ngờ trong vụ doanh nghiệp dọa đánh hiệu trưởng - Ảnh 2.

Một suất ăn của học sinh Trường tiểu học Hùng Vương - Ảnh: K.T.

Không có gì để nói nếu bản hợp đồng này không xuất hiện những điều bất thường. Đầu tiên là hợp đồng có giá trị thời hạn đến 7 năm, bắt đầu từ năm học 2013-2014 cho đến hết năm học 2019-2020. 

Không chỉ vậy, khi hết hợp đồng, nhà trường được đấu thầu theo quy định, trong đó sẽ dành quyền ưu tiên đối với Vườn ẩm thực 36. Trong quá trình hoạt động, nhà trường còn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng một phần sân phía sau nhà ăn để mở căngtin, mức đóng góp tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động cụ thể.

Điều bất ngờ nữa là chưa đầy 2 tháng sau, ông Kiệt lại ký chấp thuận tăng thời gian hợp đồng thêm 3 năm, tức lên 10 năm, với nhận xét "là hợp lý".

Theo điều khoản thể hiện trong hợp đồng, số tiền doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư nhà ăn trên 464 triệu đồng, tuy nhiên không hề có hồ sơ thiết kế hay thẩm định của cơ quan chức năng mà chỉ có duy nhất bảng kê khai tài sản xây dựng nhà ăn học sinh của doanh nghiệp.

Phóng viên Tuổi Trẻ Online và Trưởng phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng làm một phép tính nhỏ: năm học 2017-2018, Trường tiểu học Hùng Vương có 550 em ở bán trú, thu 4.000 đồng/em/ngày được 2,2 triệu đồng, nhân 22 ngày của tháng thành 48,4 triệu đồng, sau đó nhân với 9 tháng, tổng số tiền trên 435 triệu đồng.  Như vậy, chỉ tính riêng năm học này, doanh nghiệp cơ bản thu hồi gần đủ số vốn đã đầu tư.

Năm lần năn nỉ hiệu trưởng?

Tôi làm doanh nghiệp, làm ăn chứ không đi kiếm chuyện, tôi đâu có ngu như vậy"

Đại diện doanh nghiệp tư nhân Vườn ẩm thực 36

Theo bà Diễm, có nhiều bất cập trong hợp đồng. Ngoài những gì đã phân tích, hợp đồng cũng không ràng buộc trách nhiệm khi doanh nghiệp để xảy ra sự cố.

"Chúng tôi yêu cầu điều chỉnh lại hợp đồng, nếu doanh nghiệp không hợp tác sẽ xin ý kiến UBND thành phố để xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích cho phụ huynh và học sinh", bà Diễm cho hay.

Sau nhiều lần liên lạc, trưa 16-10, phóng viên đã gặp được ông Trần Công Long, đại diện doanh nghiệp Vườn ẩm thực 36. Ông Long nói rằng chỉ làm bằng cái tâm, nếu tính kỹ thì không có lời. "Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi không được tăng thêm tiền ăn trong khi mọi thứ đều tăng giá", ông Long than thở.

Ông Long cũng cho biết, là doanh nghiệp, phải tốn rất nhiều chi phí không chính thức như quà cáp, biếu xén ngày lễ, kỷ niệm. "Mỗi ngày tôi cũng dành trên 30 suất ăn tặng cho cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của trường, nhưng tôi có tính toán gì đâu", ông Long tiết lộ. 

Khi được hỏi suất ăn của giáo viên có được trích từ tiền học sinh hay không, ông Long nói tự ông bỏ tiền túi.

Đề cập đến việc thầy Lâm Văn Hải, hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương phàn nàn từng bị ông đe dọa, ông Long nói mình không ngu đến mức như vậy. "Tôi làm doanh nghiệp, làm ăn chứ không đi kiếm chuyện", ông Long trần tình.

Theo ông Long, sau khi được phân công làm hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, thầy Hải nhiều lần góp ý về suất ăn, nay thì nói này, mốt nói nọ. Ông đã 5 năm lần năn nỉ thầy Hải nhẹ tay, có gì góp ý trực tiếp, ông lắng nghe và khắc phục, nhưng thầy Hải cứ làm khó. 

"Mục đích của thầy là tống tôi ra khỏi trường, không cho tôi cung cấp suất ăn cho học sinh nữa. Tôi làm ăn có hợp đồng và làm đúng thì chẳng có gì để sợ", ông Long nói.

"Dù đã khắc phục nhưng thầy Hải vẫn không tha, quá bức xúc tôi có lên phòng thầy Hải đôi co. Hôm đó tôi nói không cho thầy Hải nói lời nào. Do mất bình tĩnh, tôi có lớn tiếng với thầy Hải. Sau đó, cô trưởng Phòng GD-ĐT có mời hai bên lên hòa giải", ông Long phân bua.

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên