11/02/2017 11:12 GMT+7

Nhẹ tư duy pháp luật

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTO - Bắt đầu từ cái tin: con tôm hùm đỏ “được” một cá nhân lặng lẽ nhập vào Việt Nam là một “sinh vật lạ”, đã gây tác hại cho mùa màng hoa màu, thậm chí có thể đục khoét làm vỡ đê điều.

Nhiều bình luận được đưa ra, những là đây là một bài học kinh nghiệm về việc thiếu hiểu biết, những là đây là một sự cảnh báo về hậu quả của việc tùy tiện nhập khẩu sinh vật lạ...

Nghe thế thì thấy các phương tiện thông tin đại chúng bình luận rất nhiều, rất nhanh chóng, và cũng nói được đôi ba ý. Nhưng các bình luận cho thấy dân ta chưa quen với tư duy luật pháp. Đúng ra, những phản ứng tức thời phải vạch rõ được ngay khía cạnh mang tính luật pháp.

Thứ nhất, việc một công dân nào đó tự ý nhập những sinh vật lạ như tôm hùm đỏ hôm nay và ốc bươu vàng ngày trước có vi phạm luật pháp hay không.

Thứ hai, việc công dân ấy có thể đi thoát qua cửa khẩu là sự qua mặt hải quan và các cơ quan chức năng. Vậy trách nhiệm hành chính và trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan này phải được quy kết ra sao.

Nếu trả lời được ngay những câu hỏi như vậy, thì việc xử lý bằng luật pháp sẽ được thực hiện một cách sáng rõ kịp thời, có tác dụng răn đe và giữ nghiêm pháp luật.

Nhớ chuyện ở cửa khẩu nhiều nước, hành khách chỉ cần mang theo một quả táo trong túi xách thôi, bị máy soi chiếu phát hiện, nhân viên hải quan mang găng tay nylon liền nhặt quả táo, bỏ vào một cái túi, nói: Tôi được phép tịch thu quả táo này và sẽ đem đi đốt. Nó có thể mang virus gây hại cho mùa màng ở đất nước tôi.

Rất nhã nhặn, và đầy đủ thông tin: pháp luật nước họ cấm việc mang thực phẩm tươi sống vào mà chưa qua kiểm dịch, lý do là nó có thể gây tác hại trên diện rộng.

Trở lại ý đã nói ở trên, trước một vấn đề, xem thế thì thấy dân ta không mạnh về tư duy pháp luật, mà những phản ứng đầu tiên chỉ thiên về cảm tính, mới chỉ là tư duy đơn giản sơ lược mà thiếu đào xuống chiều sâu, mới chỉ có vài luận cứ thứ yếu mà thiếu luận điểm cơ bản.

Thiếu tư duy luật cũng là một trong những lý do trước nhiều vấn đề cần giải quyết, người ta nghĩ ngay đến việc lách luật, thỏa thuận cùng có lợi với người làm luật, hoặc luật pháp chỉ là cái cớ để đe dọa nhau chứ không phải để chấp hành.

Mấy cái vụ “sinh vật lạ” này, cần phải được xử lý về pháp luật với người nhập lậu và cả với bộ phận chức năng đã không làm tròn nghĩa vụ của mình.

Hay trong trường hợp “sinh vật lạ” này, chỉ đơn giản là thông tin đại chúng cũng mắc bệnh uyển ngữ, cứ phải uyển chuyển chọn từ ngữ khác cho dễ nghe, không gọi đúng tên sự vật, không nói thẳng được ra về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan?

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên