Nhà vua Naruhito vẫy tay chào khi đến hoàng cung, Tokyo ngày 1-5 - Ảnh: Reuters
Báo Mainichi nhận định Nhật hoàng mới có thể tự hào về "những điều đầu tiên" của ông.
Hoàng gia sẽ gần gũi hơn
Trong quá khứ, chưa từng có nhà vua nào của Nhật học tập ở nước ngoài như ông Naruhito. Căn cứ vào nền tảng học vấn của Nhật hoàng Naruhito và vợ ông, hoàng hậu Masako - nhà cựu ngoại giao 55 tuổi, cả hai cùng có những khoảng thời gian dài sống và học tập tại nước ngoài, giới quan sát ước đoán về việc hoàng gia Nhật trong thời gian tới sẽ có tầm nhìn quốc tế và gần gũi hơn với đời sống người dân.
Từ quá trình nghiên cứu về vấn đề giao thông vận tải đường thủy thời Trung cổ ở phía tây Nhật Bản và sau này là đề tài nghiên cứu tại Đại học Oxford về lịch sử giao thông trên dòng sông Thames, Nhật hoàng Naruhito còn có đam mê đặc biệt nữa trong vấn đề bảo tồn nguồn nước. Ông cũng là người dành nhiều quan tâm cho các vấn đề môi trường khác.
Trong khi đó, từ lâu hoàng hậu Masako cũng thể hiện rõ bà quan tâm các vấn đề liên quan tới nhóm trẻ em có điều kiện sống nghèo khổ hoặc nhiều thử thách.
Vị Nhật hoàng 59 tuổi từng bày tỏ quan điểm sẽ thích ứng với "những thay đổi của thời cuộc", mặc dù vẫn khẳng định những năm tháng sống bên cha mẹ sẽ là "các cột chỉ dẫn lớn" để ông thực hiện các trách nhiệm phi chính trị, là biểu tượng của đất nước trong thời gian tới.
Cũng ngay trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị nhà vua Nhật Bản, ông Naruhito đã cam kết sẽ "hướng mọi suy nghĩ của mình về người dân", đưa hoàng gia có mối liên hệ gần gũi hơn nữa với nhân dân.
Chơi vĩ cầm, thích poster diễn viên Mỹ
Những năm 1983-1985, hoàng tử Naruhito từng theo học tại Trường Merton College thuộc Đại học Oxford (Anh). Đó cũng là nơi hoàng tử của nước Nhật lần đầu tiên sống đời sinh viên trong một ký túc xá.
Giống như những chàng trai trẻ đồng môn khi ấy, báo Mainichi kể rằng hoàng tử Naruhito cũng thi thoảng ghé quán rượu cùng bạn bè, tìm mua các poster những nữ diễn viên Mỹ khi ấy như Jane Fonda và Brooke Shields để trang trí phòng ở.
Ông cũng có những đam mê riêng như leo núi, chạy bộ, chơi tennis và trượt tuyết. Không chỉ thế, ông còn chơi được vĩ cầm trầm (viola) và từng tham gia một dàn nhạc trong thời gian học tại Đại học Gakushuin.
Tới giờ, trong Viện Lưu trữ tư liệu quốc gia Anh tại London vẫn còn những tài liệu của chính phủ nước này cho biết về giai đoạn học tập thời đó của tân vương Nhật Bản. Trong các tư liệu đó, giới quan chức Anh đã bày tỏ sự ấn tượng của họ trước việc hoàng tử Nhật đã "ngày càng tự tin hơn" trong khoảng thời gian học tập tại Đại học Oxford.
Theo họ, hoàng tử đã "thích ứng với nếp sinh hoạt ở Anh" trong hai năm du học "thú vị" tại đây và đó cũng là khoảng thời gian "đã giúp mở rộng các chân trời của anh ấy".
Trong các tư liệu đó vẫn còn lưu lại đánh giá của ông Antony Acland, quan chức đứng đầu tại Văn phòng đối ngoại của Chính phủ Anh, về thời gian lưu trú và học tập của "hoàng tử Hiro".
Theo đó, ông Antony cho biết: "Tất cả những người trong chúng tôi từng làm việc cùng hoàng tử trong hai năm rưỡi qua đều đã rất ấn tượng với sự tự tin ngày càng tăng tiến của hoàng tử, điều này thể hiện rõ ràng nhất ở trí thông minh bẩm sinh rất đáng kể của anh ấy".
Từng thăm Việt Nam năm 2009
Nhật hoàng Naruhito từng thăm Việt Nam 6 ngày vào năm 2009 khi còn là hoàng thái tử và vẫn luôn nhắc đến những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm đất nước, người dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật, chia sẻ trên Facebook ngày 1-5.
Trong thư chúc mừng nhà vua Naruhito cùng ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng nhân dân Nhật Bản sẽ giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ Lệnh Hòa và với sự đồng thuận, nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển hiệu quả, thực chất. (DIỆU AN)
Anh Hiroshi Kurabayashi (Công ty LIFULL Việt Nam, TP.HCM):
Vương triều Lệnh Hòa chắc chắn đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế của Nhật Bản hiện nay không thể nói là tốt. Nhật đang bước vào giai đoạn xã hội siêu già. Từ năm 2004 về sau, dân số Nhật đã đi xuống theo chiều gần như thẳng đứng. 125 triệu người Nhật Bản sẽ chỉ còn 40 triệu người trong vòng 100 năm tới, các cột mốc đang đến gần là thời điểm năm 2030, 2050. Chúng tôi lại có rất nhiều thảm họa thiên nhiên như động đất và sóng thần. Đây là những thách thức to lớn cho nước Nhật trong tương lai.
Nhưng những giai đoạn khó khăn luôn là một cơ hội tốt. Tôi hi vọng nước Nhật dưới vương triều mới sẽ làm cho văn hóa Nhật Bản tỏa sáng hơn nữa trong năng lượng tích cực và sự hài hòa với thế giới, đóng góp cho thế giới để xứng đáng với cái tên Lệnh Hòa. (HỒNG VÂN ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận