08/03/2023 20:45 GMT+7

Nhật Bản bắt 5 người nuôi cá killi biến đổi gene bị đánh cắp

Nhật Bản bắt giữ 5 người và giao 4 người khác cho công tố viên, với cáo buộc liên quan hoạt động nuôi trái phép cá killi biến đổi gene phát sáng màu đỏ.

Nhật Bản bắt 5 người nuôi cá killi biến đổi gene bị đánh cắp - Ảnh 1.

Cá killi là vật nuôi phổ biến thứ 3 ở Nhật Bản, chỉ sau chó và mèo - Ảnh: KYODO

Hãng tin Kyodo News dẫn nguồn tin từ cảnh sát Tokyo cho biết đây là vụ bắt giữ đầu tiên ở Nhật Bản do vi phạm Nghị định thư Cartagena - nghị định thư về an toàn sinh học, có hiệu lực từ năm 2004, nhằm kiểm soát việc sử dụng các sinh vật sống biến đổi gene. 

Cartagena yêu cầu các bên muốn lưu giữ và bán các sinh vật sống biến đổi gene phải được chính phủ cho phép, sau khi chứng minh rằng các sinh vật này không ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Cá killi Nhật Bản được mệnh danh là "viên ngọc biết bơi", với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau. Loài cá này được nuôi phổ biến để làm cảnh vì chúng rất dễ nuôi.

Theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Thức ăn vật nuôi Nhật Bản, cá killi là vật nuôi phổ biến thứ 3 sau chó và mèo.

Cảnh sát đã thu giữ khoảng 1.400 con cá killi biến đổi gene. Một con cá trong số đó được bán với giá lên tới 100.000 yen (726 USD). Số cá sau khi thu giữ đã được xử lý và không có mối đe dọa nào đối với đa dạng sinh học.

Cả 9 nghi phạm đã thừa nhận các cáo buộc, trong đó có 1 cựu sinh viên nay đã 35 tuổi của Viện Công nghệ Tokyo.

Trong số 5 người bị bắt có Naoji Aoki, một nhân viên 60 tuổi, bị tình nghi vận chuyển và nuôi cá killi biến đổi gene để bán từ tháng 3 đến tháng 6-2022.

Một nghi phạm khác là Toshikazu Furukawa, 68 tuổi, bị cáo buộc thả một số cá killi vào kênh thủy lợi ở tỉnh Chiba từ tháng 7 đến tháng 8-2022.

Theo Kyodo News, cảnh sát đã mở cuộc điều tra sau khi nhận được tin báo vào năm 2022 rằng cá killi biến đổi gene được bán tại một triển lãm ở Tokyo.

Ngày 8-3, Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết cá killi biến đổi gene bắt nguồn từ trứng do một sinh viên lấy trộm từ Viện Công nghệ Tokyo hơn 10 năm trước.

Bộ đã khiển trách Viện Công nghệ Tokyo, đồng thời yêu cầu các trường đại học công và tư cũng như các tổ chức nghiên cứu đảm bảo thực hiện các biện pháp kiểm soát thích hợp đối với sinh vật biến đổi gene.

Trong báo cáo điều tra, Viện Công nghệ Tokyo cho hay sinh viên lấy trộm trứng cá killi đã làm việc tại phòng thí nghiệm xử lý cá nước ngọt biến đổi gene từ tháng 4-2009 đến tháng 3-2012, đồng thời tham gia nhân giống các sinh vật này.

Sinh viên này bị cáo buộc đã giao số trứng cá killi cho mẹ của một sinh viên cùng trường, dẫn đến việc phát tán sinh vật biến đổi gene.

Một công ty muốn đầu tư 50 triệu đô nuôi tằm biến đổi gen?Một công ty muốn đầu tư 50 triệu đô nuôi tằm biến đổi gene?

TTO - Một nhà đầu tư muốn bỏ 50 triệu USD để khôi phục làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa tại Quảng Nam, tạo sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu nước ngoài từ tằm biến đổi gene lai với tằm trong nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên