04/07/2018 13:02 GMT+7

Một công ty muốn đầu tư 50 triệu đô nuôi tằm biến đổi gen?

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Một nhà đầu tư muốn bỏ 50 triệu USD để khôi phục làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa tại Quảng Nam, tạo sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu nước ngoài từ tằm biến đổi gen lai với tằm trong nước.

Một công ty muốn đầu tư 50 triệu đô nuôi tằm biến đổi gen? - Ảnh 1.

Người dân huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, trồng dâu nuôi tằm - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sáng 4-7, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Công ty Kraig Biocraft Laboratories (Hoa Kỳ) về dự án Trung tâm ngiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao tại huyện Đại Lộc.

Lai tạo hai giống tằm

Dự án được tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty này khảo sát, nghiên cứu, lập thủ tục đầu tư, quy mô nghiên cứu khoảng 50ha, kiến có 3 giai đoạn, hướng đến diện tích 2.000- 2.500 ha.

Trước đó, trong báo cáo với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tỉnh này cho biết từ tháng 1-2017 Kraig Biocraft Laboratories đã thực hiện khảo sát và trình đề xuất đầu tư sơ bộ về sản xuất tằm công nghệ cao trên cơ sở nhập khẩu giống tằm biến đổi gen Bombyx Mori lai tạo với giống tằm trong nước để chuyển giao cho người dân nuôi.

Công ty sẽ liên kết với nông dân để phát triển vùng trồng dâu khoảng 2.000ha, thu mua toàn bộ kén của dân, sản xuất thành tơ nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh này cũng đề nghị Bộ xem xét hồ sơ để chấp thuận chủ trương cho phép công ty được nhập khẩu giống tằm trên và thực hiện lai tạo, chuyển giao cho dân nuôi.

Tại buổi làm việc, đại diện Kraig Biocraft Laboratories muốn được tạm giao 50ha đất để chủ động nghiên cứu và triển khai.

Tuy nhiên, vấn đề được các bên quan tâm là chủ đầu tư cần phải có chứng nhận của Bộ Khoa học - Công nghệ đối với giống tằm lai để phát triển dự án.

Ngoài ra, theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam, việc nhập khẩu giống tằm lai này phải được phía Hoa Kỳ công nhận đủ điều kiện nhập vào Việt Nam, không ảnh hưởng đến môi trường, không gây hại, ảnh hưởng đến dâu tằm trong nước.

Một công ty muốn đầu tư 50 triệu đô nuôi tằm biến đổi gen? - Ảnh 2.

Người dân Quảng Nam nuôi tằm để ươm tơ- Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đồng ý gia hạn thời gian nghiên cứu, khảo sát dự án đến 31-12 tới. 

Trong thời gian này, ông Thu yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục lập quy hoạch toàn bộ, lập dự án, làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, và phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng về việc nhập khẩu giống tằm lai từ Hoa Kỳ. 

Ông Thu cho rằng, theo luật tỉnh không thể tạm giao đất theo nguyện vọng của nhà đầu tư, nhưng sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tối đa về các thủ tục, quá trình nghiên cứu, phát triển dự án.

"Dự án phù hợp với chủ trương khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở vùng ven sông Thu Bồn. Việc thành lập hẳn tổ công tác, tích cực chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan hỗ trợ nghiên cứu dự án cũng chính là sự kỳ vọng và ủng hộ của tỉnh đối với dự án này", ông Thu nói.

Vì sao lai tằm biến đổi gen với tằm địa phương?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Jon Rice, Giám đốc điều hành Kraig Biocraft Laboratories, cho biết hiện tại Quảng Nam có nguồn lực đảm bảo về con người, đất đai, hạ tầng đặc biệt là ngành nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, phù hợp phát triển dự án nên công ty muốn đầu tư khoảng 50 triệu USD vào đây.

Theo ông Rice, giống tằm lai tạo ra một sợi tơ bền, chắc, mềm và có độ co giãn, đàn hồi gấp nhiều lần sợi thép, chắc hơn sợi tổng hợp.  

Vị này cho rằng Kraig Biocraft Laboratories đã nghiên cứu thành công giống tằm này ở bên Mỹ và muốn đưa đến Quảng Nam nuôi khảo nghiệm vì thế không ảnh hưởng, xung đột với giống tằm truyền thống.

Theo đó, việc lai tạo giống tằm biến đổi gen với tằm địa phương là để tạo giống tằm kích cỡ lớn hơn, cho sản phẩm chất lượng cao hơn để xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia khác. 

Tơ lụa đi đâu, để con tằm lên bàn nhậu... Tơ lụa đi đâu, để con tằm lên bàn nhậu...

TTO - Khi con tằm không còn ươm tơ dệt lụa mà được bán cho các quán nhậu làm mồi, còn những cỗ máy bị đập bỏ thì làm sao kiếm được những chiếc khăn lụa "Made in Vietnam".

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên